GV nhận xét CTGDPT mới nhiều trải nghiệm nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng

TRỊNH THỊ THANH THẢO

Well-known member
Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang triển khai hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 năm học 2023-2024. Trong hướng dẫn triển khai cũng có nội dung đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đề xuất, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa năm học 2022-2023.

Tại tỉnh Hải Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ban hành văn bản triển khai các hoạt động trên. [1]

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Độ (giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đánh giá: sách giáo khoa, chương trình giáo dục 2006 đã được triển khai nhiều năm, khi xã hội vận động, phát triển, nhu cầu đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa là tất yếu, bắt buộc. Và đó là lý do có Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được triển khai thực hiện từ năm 2020 đến nay.

"Với chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung kiến thức ít đòi hỏi quá trình trải nghiệm thực tế", thầy Độ chia sẻ.

Còn ở chương trình mới , sách giáo khoa mới có rất nhiều ý tưởng trong mỗi bài học để nâng cao năng lực, phẩm chất của học sinh. Theo đó, học sinh được học, được vận dụng, trải nghiệm thực tiễn nhiều hơn, nhưng cũng cần kinh phí nhiều hơn để trang bị cơ sở vật chất cùng các thiết bị kèm theo.

Đối với giáo viên dạy tiểu học, việc chuẩn bị một tiết học trên lớp theo chương trình mới cần sự đầu tư hơn. Nếu muốn thêm những hoạt động trải nghiệm, tổ chức một tiết học ngoài trời, thầy và trò phải chuẩn bị nhiều thiết bị để thực hành hơn; nhiều yêu cầu về vừa học, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh hơn.

Vì thế, nếu không đủ thiết bị học tập, thì hiệu quả của những bài học trong chương trình mới sẽ không trọn vẹn. Ví dụ như tiết học ngoài trời về trồng cây ở vườn trường, nhưng nhà trường lại không có đồ dùng trồng cây, hay không có đủ không gian để trồng cây chẳng hạn.

"Hoặc đối với lớp 2, tôi dạy chủ đề "em với thiên nhiên", đồng nghĩa học sinh phải được làm quen với môi trường thiên nhiên bên ngoài lớp học. Tuần tiếp, các em cũng được học về chủ đề này, nhưng cụ thể hơn về "loài chim", nếu bắt buộc phải yêu cầu trải nghiệm, quan sát thực tế, thầy giáo sẽ rất khó để kiếm được "mẫu" cụ thể. Hiện nay đã có máy chiếu nên giáo viên bật máy để chiếu hình ảnh, video cho học sinh xem. Nhưng rõ ràng, có những nội dung chỉ chiếu video là chưa đầy đủ thực tế", thầy Độ chia sẻ.


Bình luận về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thư Phú, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, đối với nội dung sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai từ lớp 1 đến lớp 3, vừa có những mặt ưu điểm nhưng cũng còn tồn tại một số khó khăn, thách thức.

"Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ban đầu cũng có những khó khăn bất cập. Nhưng nếu các thầy cô được làm quen, nghiên cứu kỹ, biết vận hành, thì sẽ thấy nội dung chương trình cũng khá hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh", cô Vân chia sẻ.

Cô Vân cũng cho rằng: ưu điểm của chương trình mới là hoạt động trải nghiệm cho học sinh, học sinh được quan sát thực tế, và các em được khuyến khích bày tỏ ý kiến, nói lên những quan điểm cá nhân - điều mà phương thức giáo dục truyền thụ theo hình thức đọc - chép - ghi nhớ hạn chế.

Đối với các giáo viên trẻ tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, sẽ tổ chức được nhiều hoạt động thực tiễn, tạo cho các em sự năng động, phù hợp với yêu cầu phát triển con người của xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có những nội dung chưa phù hợp với môi trường sống ở địa phương, vì vậy, giáo viên nếu không sáng tạo, không tìm tòi cách giảng dạy phù hợp sẽ dễ nản.

"Đối với các hoạt động trải nghiệm , có những việc đòi hỏi phụ huynh phải tham gia mới đạt hiệu quả cao hơn. Ngay như việc tổ chức các trò chơi, hoạt động tập thể cho các em, nhà trường không thể đáp ứng hết được khi hạn chế về nguồn thu kinh phí", cô Vân chia sẻ.
 
Bên trên