‘Khắc tinh với thần chết’: Tình yêu nâng đỡ chúng ta vượt qua hiểm nguy

Nguyễn May

Well-known member
Hiện thực chiến tranh với những chi tiết đắt giá được gói ghém trong tác phẩm mới của nhà văn Lê Hoài Nam có tựa đề ‘Khắc tinh với thần chết’.

Trong buổi ra mắt sách mang tính chất thân mật giữa các bạn văn tại Văn phòng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhà văn Lê Hoài Nam đã chia sẻ tư liệu khi viết cuốn tiểu thuyết mới Khắc tinh với thần chết.

Tham dự có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Giáo sư Trần Đăng Suyền, nhà văn Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Trâm, nhà thơ Hải Đường, nhà thơ Đinh Quang Tốn, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Đại tá công an Nguyễn Xuân Hải, nhà văn Kiều Bích Hậu, Đoàn Thị Hương Nhung...

Giáo sư Trần Đăng Suyền nêu đề dẫn rằng trong các hội thảo, lễ ra mắt sách, hầu hết các nhà phê bình nói nhiều lời hay về nội dung nhưng không nêu bật quá trình sáng tạo của người viết. Hãy để tác giả tự nói ra quá trình thai nghén tác phẩm và những trăn trở trong khi viết.

Giáo sư Trần Đăng Suyền phát biểu đề dẫn tại buổi ra mắt sách.

Do đó, tại không gian ấm cúng này nhà văn Lê Hoài Nam có điều kiện nói ra những bí mật khi viết sách. Ông chia sẻ, một ngày nhà văn gặp Phạm Hữu Thậm, ông Thậm cho xem nhật ký chiến trường, tác giả đọc và nhận ra những tình tiết quý, cộng thêm có sự đồng cảm giữa những người cựu chiến binh với nhau nên ông dùng nhật ký này làm tư liệu viết tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết. Có một chi tiết thú vị là tác giả “chế” thêm một số tình tiết hư cấu để tăng sức hấp dẫn, đó là việc nhân vật có bạn gái... chứ không chỉ một vợ như nguyên mẫu.

Trả lời câu hỏi tại sao tên truyện lại là “Khắc tinh với thần chết”, nhà văn Lê Hoài Nam giải thích, đó là đặc điểm của của dân tộc Việt Nam, dù có trải qua những mối hiểm nguy dài lâu đến đâu cuối cùng vẫn vượt qua cái chết để giành chiến thắng. Trong tiểu thuyết có chi tiết anh Thậm bị đạn xuyên qua đủi vẫn chiến đấu ngoan cường. “Tôi viết về chiến tranh như nó vốn có”, nhà văn bộc bạch.

Viết xong tiểu thuyết này, tác giả mừng bởi dung lượng về chiến tranh đậm đặc. Ông hài lòng vì tất cả tinh hoa, tâm huyết của người làm văn chuyên nghiệp đã dồn vào tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân - từng có nhiều sáng tác về chủ đề quân đội nhận xét: “Anh Nam viết khỏe, năm nào cũng có sách. Riêng Khắc tinh với thần chết thì tuyệt vời.

Cái khó của nhà văn khi viết về chiến tranh là rõ ràng ta đã thắng lợi, nhưng thắng như thế nào? Truyện của anh Nam có những chi tiết rất đắt chỉ có người lính sống thực tế trong chiến trường mới biết được, còn người viết không thể tưởng tượng ra được. Tuy nhiên, anh Nam nên hành văn vui, ngắn, hóm, hoạt và truyền cảm hơn.

Văn của anh còn sư phạm quá”.
“Lê Hoài Nam có bút pháp dồi dào, văn phong khuôn mẫu nên đôi khi hơi khô khan. Anh Nam giàu vốn sống biển đảo nên từng có sách viết về đề tài này hấp dẫn, thơ mộng, thi vị hóa. Chiến tranh qua tác phẩm của Lê Hoài Nam khá đẹp chứ không chỉ khốc liệt. Anh cũng là người chịu khó thay đổi bút pháp.

Cuốn sách này mở đầu là những trang nhật ký, sau đó vào thẳng chiến trường, tạo sự tin cậy cho độc giả. Gương mặt chiến tranh nằm ngay ở mặt trận. Cuộc chiến liên tục, máu đổ, đạn nổ, bom rơi ác liệt rất đáng sợ. Những chi tiết đắt giá như miêu tả cái đói của dạ dày, hay sự khát tình kín đáo vừa đủ cho độc giả tưởng tượng, hình dung vấn đề mà không sa đà vào yếu tố câu khách…”, nhà văn Nguyễn Thị Mai bình luận.

Khép lại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Thị Trâm kết luận: “Hiện thực chiến tranh với những chi tiết đắt giá được gói ghém trong tác phẩm mới của Lê Hoài Nam.

Gian khổ tận cùng, nguy hiểm tận độ, cái chết do chiến tranh, cái chết bất ngờ do thiên nhiên được tác giả miêu tả tỉ mỉ, trần trụi. Độc giả theo dấu chân anh Thẩm, dường như cảm được, thấy rõ cái đói dữ dội, cái khắc nghiệt của hoàn cảnh chiến tranh.

Qua cuốn Khắc tinh với thần chết, nhà văn đã khẳng định sức sống bất diệt của dân tộc, giải đáp câu hỏi vì sao Việt Nam chiến thắng. Lý do là vì tình yêu nâng đỡ chúng ta vượt qua chiến tranh. Sách miêu tả 3 cuộc tình, không lãng mạn nhưng thật, với chân cảm đẹp. Sau độ lùi nửa thế kỷ, Lê Hoài Nam có cái nhìn mới về chiến tranh, đáng đọc và nghiên cứu”.
 
Bên trên