10 ngày trải nghiệm 'đỡ đẻ' cho rùa Côn Đảo

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Lê Bảo An chia sẻ những kỷ niệm khi trải nghiệm mùa rùa đẻ trứng tại hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.

Lê Bảo An, sinh năm 1984, làm truyền hình ở Hà Nội. Đam mê xê dịch nên năm nào anh cũng có những kế hoạch, dự định sớm cho các chuyến đi. Cuối năm 2020, anh quyết định đến Côn Đảo, tham gia chương trình tình nguyện viên bảo vệ rùa biển của Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN.

Lê Bảo An (áo đỏ) chọn Côn Đảo vì cũng một phần vì biển đảo gắn liền với chương trình Biển Đông du ký trên VTV6 mà anh tham gia biên tập trong gần 10 năm qua.


Lê Bảo An (áo đỏ) chọn Côn Đảo cũng một phần vì biển đảo gắn liền với chương trình Biển Đông du ký mà anh tham gia biên tập trong gần 10 năm qua.

Bảo An tham gia cùng 8 người khác, mỗi người làm việc trong những ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung đam mê xê dịch, yêu thiên nhiên và rùa biển. Anh Nguyễn Công Lý, người có nhiều kinh nghiệm bảo tồn rùa biển trên hòn Bảy Cạnh, được gọi là "cụ Lý, đảo trưởng", đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từ thành viên.

Từ cầu cảng Côn Đảo ra hòn Bảy Cạnh chỉ mất khoảng 20 phút đi ca nô. Chế độ sinh hoạt, ăn uống là điều nhóm khá lo lắng trước khi ra hòn Bảy Cạnh vì đây là nơi không có điện lưới, chỉ dùng điện mặt trời, cũng chưa có nước sạch mà dùng nước mưa. Nên từ lúc trên Côn Đảo, các anh em đã đi chợ và chuẩn bị đồ ăn, rau củ dân dã cho 10 ngày làm "bà đẻ cho rùa", trong đó mì gói là món ăn sáng yêu thích vì dễ chế biến nhất.



Bảo An chia sẻ, mỗi ngày, buổi sáng các thành viên được tận hưởng gió biển, ăn sáng, ngồi làm các sản phẩm truyền thông để kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như rùa biển. Đến 10h, mọi người ra hồ ấp để kiểm tra các ổ trứng, đào hố mới và vót tre thành những cọc đánh dấu dùng để viết ngày thu trứng và số lượng trứng trong ổ. Buổi chiều 15h, cả nhóm đi nhặt rác ven biển, san lấp các hố đẻ của rùa mẹ từ đêm hôm trước. Đây cũng là công việc cần nhiều sức nhất trong các hoạt động bảo tồn rùa biển. Khoảng 17h, tuần tra bờ biển để kiểm soát rùa lên đẻ. Đặc biệt về đêm, nhóm làm việc liên tục 10-12 tiếng đến tận sáng hôm sau.

Các tháng 7, 8 và 9 là cao điểm mùa sinh đẻ của rùa ở Côn Đảo. Tùy vào thời điểm thủy triều lên xuống, rùa mẹ lên bờ đẻ trứng tầm từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Rùa mẹ lên bờ cát và chọn khu vực cát mịn, kín đáo gần các bụi cây, lấy hai chân trước đào hố sâu khoảng 50-60 cm, rộng 20 cm rồi đẻ trứng. Trong lúc rùa mẹ đẻ, anh Bảo An và mọi người kiểm tra thẻ gắn trên cơ thể rùa mẹ và ghi chép dữ liệu, nếu chưa có thẻ thì tiến hành bấm mới. Mỗi rùa mẹ đẻ từ 80 đến 200 quả, trong đó có một ổ trứng nhóm nhặt được nhiều nhất 185 quả. Rùa đẻ xong, những người như anh Bảo An được giao nhiệm vụ đào ổ trứng đem về hồ ấp, khi đào phải thật nhẹ nhàng, chủ yếu dùng tay bới.








Trứng rùa biển phải được lấy lên để đem ấp vì nếu để nguyên trạng gặp nhiều rủi ro từ thủy triều, các động vật săn mồi trong tự nhiên, các tác động tiêu cực của thời tiết, môi trường. Trứng nở thành rùa con sau 45-60 ngày tùy nhiệt độ môi trường, trời nắng trứng sẽ nở nhanh hơn. Với những quả trứng đã đến khoảng ngày thứ 40, nhóm dùng một chiếc sọt để úp bảo vệ các ổ trứng.

Một trong những trải nghiệm tuyệt nhất là nhóm đi thả rùa con về với biển. Khoảnh khắc hàng trăm chú rùa con bò xuống biển khiến nhóm vui mừng hạnh phúc, gợi mở về những khát vọng tự do. Vòng đời của rùa biển tại Côn Đảo cứ thế, rùa con trưởng thành sau 30 năm và quay về bãi nơi chúng được sinh ra. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của rùa con đến tuổi sinh sản là 1/1000, nên rùa biển rất cần được bảo vệ.

Suốt 10 ngày trên Côn Đảo, anh Bảo An được cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống đêm ở đảo với tất cả các giác quan như ngắm trời đầy sao, nghe tiếng sóng vỗ, tiếng côn trùng kêu, tiếng thở của rùa mẹ, ngửi thấy hương vị mặn mòi của biển, mùi của đất và cát. Ngoài trải nghiệm đời sống của người làm bảo tồn, khám phá hòn Bảy Cạnh, anh cùng mọi người còn làm tranh bằng san hô vụn, vỏ sò để trang trí bức tường phòng của kiểm lâm, vẽ tranh cổ động bảo vệ rùa biển trên những phao nhựa bỏ đi.








Sau khi về, nhóm còn thực hiện dự án "Trung thu cùng rùa con", quyên tiền xây hồ ấp trứng ở hòn Bảy Cạnh và làm nhiều tin bài truyền thông về du lịch Côn Đảo, bảo vệ môi trường biển, rùa biển.

Năm nay, do Covid-19 diễn biến phức tạp nên các chuyến đi tình nguyện bảo vệ rùa biển phải hoãn lại. Anh Bảo An hoàn thành các video để gửi đến VQG chương trình tập huấn du lịch Côn Đảo, gồm giới thiệu về hòn Bảy Cạnh, các quy tắc khi chăm sóc rùa mẹ đẻ trứng, thả rùa con. Các video này có thể phát cho du khách xem trước khi tham gia tour du lịch để họ thực hiện đúng theo các quy định.

Từ 23/10, Côn Đảo đã đón khách trở lại sau đợt dịch Covid-19 thứ tư, nhưng các điểm tham quan vẫn đóng cửa. Du khách phải ở trong các khu nghỉ dưỡng đã được chỉ định trước.
 
Bên trên