25 năm phát triển Internet Việt Nam

Kim Hào

Well-known member
Tròn một phần tư thế kỷ, Internet từ một công nghệ lạ lẫm, nay được 70 triệu người Việt sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Năm 1995, Nguyễn Văn Khoa học lớp 12. Với thanh niên khi ấy, không gian giải trí chính là tại những quán game cung cấp trò chơi điện tử bốn nút SEGA. Để hẹn bạn chơi, Khoa phải đến các bốt điện thoại thẻ, hoặc tìm một tiệm tạp hoá nào đó có dịch vụ gọi điện. Đó là phương thức liên lạc từ xa duy nhất người Việt có lúc này.
Giai đoạn 1996-1997, sự xuất hiện của máy tính và những công ty giải pháp đầu tiên đã đưa nền công nghệ Việt Nam tiến thêm một bước mới. Những người có máy tính dần kết nối với nhau thành một mạng lưới có tên gọi Intranet. Một trong những mạng Intranet nổi tiếng thời đó là Trí tuệ Việt Nam, mở miễn phí cho mọi người tham gia và có lúc đạt 10.000 thành viên khắp Việt Nam. Khoa là một trong số đó.

Mạng Trí tuệ Việt Nam được quảng bá tại một triển lãm năm 1996. Ảnh: FPT
Đó cũng là lúc Khoa biết đến một cộng đồng mạng, nơi mọi người có thể trò chuyện, email, chia sẻ truyện cười cho nhau từ cách xa hàng nghìn cây số. Khoa xin tham gia vào công ty đứng sau Trí tuệ Việt Nam với vai trò thực tập. Intranet đã tạo nền móng cho những người như anh bước vào thế giới Internet một năm sau đó.
Một phần tư thế kỷ trôi qua, người thực tập sinh ngày ấy giờ trở thành Tổng giám đốc FPT - tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam. Việt Nam, từ khởi đầu với đường truyền dial-up 56 Kbps, nay đã trở thành một trong những quốc gia có Internet phát triển nhanh, với tốc độ trung bình 80 Mbps.
Khởi đầu
Ngày 19/11/1997, Internet chính thức vào Việt Nam sau nhiều nỗ lực của những người đứng đầu Chính phủ và ngành Bưu chính Viễn thông bấy giờ. Từ một góc văn phòng nhỏ của Trí Tuệ Việt Nam, Khoa cùng đồng nghiệp hoà vào mạng lưới người dùng khắp thế giới thông qua trình duyệt NetScape. "Đó là lúc tôi nhận ra có một thế giới rộng lớn ở phía sau những đường dây và màn hình máy tính này", ông kể.
Internet Việt Nam khi ấy được cung cấp bởi VDC, thuộc VNPT, thông qua kết nối dial-up. Đường dây điện thoại cắm trực tiếp vào modem, bấm gọi đến một đầu số của dịch vụ trên máy tính. Với đường truyền khởi điểm 14.400 bps, một ảnh GIF dung lượng 100-200 Kb cũng trở thành thách thức. Một trang web mất một phút mới tải xong, tương đương một cuộc gọi nội hạt, giá cước 200 đồng.
Ông Nguyễn Văn Khoa kể về sự thay đổi sau 25 năm có Internet. Ảnh: Trần Huấn
"Nếu thấy phụ huynh một gia đình nào đó phàn nàn việc điện thoại bận liên tục, chắc chắn con họ đang bấm số để vào mạng. Đó là hình ảnh của rất nhiều gia đình thời đó", ông Khoa nhớ lại. Đường dây điện thoại cùng tổng đài bốn số như VNN1260, 1280, 1268, 1269 đã đưa hàng nghìn người Việt Nam kết nối với thế giới.
Ngày 11/9/2001, vụ tấn công khủng bố tại nước Mỹ được cả thế giới quan tâm. Internet trở thành cầu nối Việt Nam với những nguồn thông tin cách xa nửa vòng trái đất. "Chúng tôi liên tục online để đọc báo nước ngoài với những bài viết được cập nhật liên tục. Đó là lúc Internet bắt đầu thay đổi cách tiếp cận thông tin", ông Khoa nhớ lại.
Phát triển
Sau sáu năm có mặt, đến 2002, Internet tại Việt Nam có 1,9 triệu người dùng. Chỉ sau một năm, số người dùng tăng gần gấp đôi, lên 3,1 triệu, và đến 2004 là 6,3 triệu. Đây là những mức tăng trưởng lớn nhất kể từ khi Internet vào Việt Nam nhờ sự giảm mạnh của giá cước và sự nâng cấp của công nghệ truyền dẫn.

2003 là năm Internet ADSL được phổ cập, đánh dấu sự thay đổi mang tính cách mạng về mặt hạ tầng. "Đó là lần đầu nhiều người biết tới khái niệm nghe nhạc, chơi game online nhờ đường truyền ổn định và giá cước linh hoạt", ông Khoa nói.
Những dòng chữ ADSL được in lớn, xuất hiện ngày càng nhiều trên các con đường từ thành thị đến nông thôn khi "quán nét" mọc lên, như một cách hút khách về công nghệ đường truyền mới. ADSL lập tức phủ kín các tỉnh thành nhờ khả năng tận dụng đường dây điện thoại từ trước đó của VNPT, Viettel, hay phát triển đường dây mới hoàn toàn như FPT. Gói cước ADSL đầu tiên có băng thông 1,5-3 Mbps, trả tiền theo dung lượng thay vì thời gian truy cập, được ví như thiên đường nếu so với hình thức dial-up cũ kỹ, bất tiện.
Trần Dinh khi đó 8 tuổi. "Lớp ba, tôi đã biết đến Internet và chơi game online", Dinh kể. Những năm ấy, các nhóm thanh thiếu niên Việt thường rủ nhau "chơi net" chứ không dùng net hay lên nét. Những đứa trẻ lần đầu lên mạng, tự mày mò rồi truyền tai nhau cách tạo tài khoản, tải trò chơi về máy. "Chính những thứ đó đã thành tiền đề để mọi người làm quen các công cụ tìm kiếm trên Internet sau này", Trần Dinh, hiện là CEO công ty blockchain Alpha True, nhớ lại.
Trần Dinh, sinh năm 1995, CEO AlphaTrue, Uỷ viên thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ảnh: NVCC
Theo Dinh, Internet thời kỳ đó mang lại cảm giác kích thích, muốn mày mò, đào sâu. Cậu thuyết phục bố mẹ kết nối mạng tại nhà. Giá trị thông tin là điểm quan trọng giúp Internet dần hiện diện nhiều hơn trong các gia đình Việt. Đến cuối 2009, trung bình 100 gia đình Việt, 12 hộ có kết nối Internet.
Tuy nhiên, việc đường truyền ADSL được cải tiến liên tục vẫn không khắc phục được những hạn chế cố hữu của công nghệ cáp đồng, như tín hiệu suy giảm trên đường dây, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tốc độ bất đối xứng giữa đường tải lên và tải xuống. Nhu cầu sử dụng Internet tăng lên cũng là lúc hạ tầng Internet cần thay đổi.
Năm 2014, các nhà mạng tại Việt Nam triển khai thành công các tuyến cáp quang xuyên Việt, giúp chuyển đổi dần hạ tầng cáp đồng sang cáp quang, bước đầu đặt dấu chấm hết cho nhiệm vụ của ADSL sau một thập kỷ. Cáp quang truyền tín hiệu quang học, mang đến tốc độ cao hơn, ổn định và cân bằng giữa nhu cầu download hay upload.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến 2018, gần một triệu km cáp quang đã được triển khai đến thôn, bản, xã, phường của 63 tỉnh/thành phố, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ cáp quang hóa cao nhất thế giới. Lượng người Việt tiếp cận Internet tăng vọt từ đó.
Trong 5 năm từ 2013 đến 2018, tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng Internet tăng gần gấp hai lần, từ 37% lên 70%. Internet dần đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu bùng nổ.


Dịch chuyển
Nếu 1997-2017 là giai đoạn phát triển của Internet cố định, năm 2017 được ví như thời kỳ của Internet di động. Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 21/01/2016 đã phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020. Một trong những mục tiêu được đặt ra là đảm bảo tối thiểu 95% các khu vực dân cư được phủ sóng 3G/4G với tốc độ trung bình đường xuống lớn hơn 4 Mb/giây tại thành thị và 2 Mb/giây tại nông thôn. Tháng 3/2017, sau thời gian thử nghiệm, các doanh nghiệp viễn thông lần lượt ra mắt dịch vụ 4G, chính thức đưa Internet băng rộng di động đến người Việt.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2016, Việt Nam có 36 triệu thuê bao Internet di động hoạt động trên mạng 3G, tăng 4,2 triệu so với năm trước đó. Đến 2017, con số này đã đạt 45 triệu, tăng 8 triệu thuê bao. Kết nối 4G LTE với tốc độ cao, độ trễ thấp, cùng mức cước liên tục giảm là những lợi thế so với các thế hệ mạng trước đó. Sau 5 năm, số lượng thuê bao Internet di động đạt 81 triệu vào tháng 9.

"Xu hướng thay đổi lớn nhất về thói quen sử dụng Internet là từ PC sang mobile. Các công ty sản xuất nội dung cũng dần chuyển mình theo tôn chỉ 'mobile first', tức ưu tiên cho phiên bản dùng trên di động trước tiên", ông Khoa nói.
Sự phổ biến của Internet di động giúp mở rộng những điểm chạm của người dùng với thế giới mạng. Trong gia đình, công sở, chỉ cần mở máy tính là có sẵn kết nối Internet thay vì phải quay số như trước kia. Khi ra ngoài, smartphone 4G đưa Internet đến lòng bàn tay mỗi người.
Thống kê từ We Are Social công bố tháng 2 cho thấy mỗi ngày, người Việt dành trung bình 6 giờ 38 phút để lên mạng, trong đó hơn một nửa là truy cập từ di động. Sự cải thiện về hạ tầng dần đưa Việt Nam vào danh sách 50 nước có Internet di động nhanh nhất thế giới với tốc độ trung bình 40 Mbps, theo thống kê của Speedtest.
Thống kê thói quen sử dụng Internet của người Việt vào tháng 2/2022. Nguồn: We Are Social
Hiện trạng
Khi Covid-19 ập tới, kéo theo giãn cách xã hội, Internet trở thành con đường duy nhất để nhiều người, nhiều gia đình kết nối với thế giới. Từ máy tính, TV đến điện thoại, người dân có thể xem phim, mua hàng trực tuyến, cập nhật tình hình người thân mà không cần bước qua cánh cửa. Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng hơn 40%, từ mức 4.955 Petabyte lên 6.977 Petabyte. Riêng lưu lượng Internet di động tăng 95%, tạo sức ép lên đường truyền.
Những biến cố đó tạo ra cú hích về chuyển đổi số và đặt ra bài toán về nâng cấp hạ tầng mạng. Trong quan sát của ông Khoa, hạ tầng Internet vẫn cần thêm sự bổ sung về số lượng và chất lượng cáp quang biển, để đáp ứng nhu cầu về dung lượng truy cập ngày càng tăng cao.
Biển người quay video, livestream tại một sự kiện ở TP HCM năm 2017. Ảnh: Quỳnh Trần
Với gần 70 triệu người dùng Internet, Việt Nam hiện có 7 tuyến cáp quang biển, tức trung bình khoảng 10 triệu người hoạt động trên một tuyến cáp. Trong khi đó, con số này ở Singapore là 0,16 triệu, Malaysia là 0,78 triệu, theo thống kê năm 2021. Hiện tượng đứt cáp vẫn xảy ra khoảng 10 lần mỗi năm.
Công nghệ 5G dù được triển khai thử nghiệm gần hai năm qua, vẫn chưa hoạt động chính thức. Hiện còn khoảng 69 "điểm lõm sóng", là nơi người dân chưa được tiếp xúc với sóng điện thoại và Internet.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Người Việt hiện phải đối mặt với những nguy cơ từ việc quá phụ thuộc Internet, nghiện mạng xã hội, bị lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân.
Hơn 25 năm sử dụng Internet, ông Khoa đã trải qua những vấn đề phức tạp của cuộc sống trên mạng, từ việc bị mạo danh đến việc nhận tin nhắn, email giả danh bạn bè để vay tiền... "Lần đầu chạm tới Internet, tôi đã hình dung nó như một thế giới. Vì vậy, những vấn đề của thế giới thực cũng sẽ xuất hiện trên Internet, thậm chí nguy hiểm hơn vì tính ẩn danh", ông Khoa nhận định.
Còn trong hình dung của những người thuộc thế hệ Trần Dinh, Internet Việt Nam 25 năm qua phát triển theo hình trôn ốc - một vòng tròn lặp lại. Vẫn chung một nỗi lo, niềm hân hoan, chỉ là khác hoàn cảnh và thế hệ.
"Trước đây chúng tôi phải 'đấu tranh' để được lên mạng, giờ lại phải tìm cách thoát khỏi Internet bằng các thử thách không kết nối, chọn lọc thông tin, làm sao để tự bảo mật, tránh bị đánh cắp dữ liệu", Dinh nói.
Từng có thời gian sử dụng Internet cho mục đích xấu và phải trả giá bằng nhiều năm tù tại Mỹ, Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) giờ trở thành một trong những người đi đầu trong việc nâng cao nhận thức tự bảo vệ trên không gian mạng tại Việt Nam.
Ngô Minh Hiếu hiện là kỹ sư tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Ảnh: NVCC
Trở về từ thế giới "đen" trên Internet, Hiếu tận dụng chính các nền tảng mạng xã hội để xây dựng cộng đồng về an toàn thông tin, giúp người Việt nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình trên mạng. Sau hơn một năm hoạt động, mạng lưới Chống lừa đảo của Hiếu đã phát hiện, tổng hợp hơn 12 nghìn tên miền lừa đảo tại Việt Nam, trong đó, hơn 80% là các tên miền lừa tiền, chiếm đoạt thông tin.
"Internet là một công nghệ tuyệt vời và mạnh mẽ, nhưng sự mạnh mẽ đó được chia đều cho cả người tốt và kẻ xấu. Vào tay kẻ xấu, chúng có thể bị lạm dụng để gây hại cho cộng đồng", Hiếu nói.
Tương lai
25 năm sau ngày Internet vào Việt Nam, ông Khoa không còn thường xuyên ngồi trước màn hình cập nhật tình hình thế giới, thay vào đó là những chuyến di chuyển khắp các tỉnh thành ở Việt Nam để triển khai chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, cuộc sống người Việt đã quen dần với dịch vụ công trực tuyến, học online, mua hàng qua kênh thương mại điện tử... và thụ hưởng những giá trị mà Internet mang lại. Theo ông Khoa, tương lai của các dịch vụ trên Internet sẽ phục vụ nhu cầu "cá thể hoá" của mỗi con người.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng Dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; kinh tế số chiếm 20% GDP; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng.

Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD. Mua hàng online, hay thương mại điện tử, trở thành thói quen của người dùng Việt, với 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì và gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong tương lai.

Còn theo Trần Dinh, kỷ nguyên Internet của thông tin đã đi qua và con người đang bước tới kỷ nguyên Internet chia sẻ giá trị. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới, thậm chí dẫn dắt một số trào lưu mới như blockchain, GameFi, metaverse, Web3... Người Việt trẻ tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế nhờ khả năng sáng tạo, tiếp cận tin tức nhanh và chọn lọc.

Tại lễ khánh thành một trung tâm dữ liệu của Việt Nam vào tháng 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định "giấc mơ mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại đã thành hiện thực" và "gần như 100% người trưởng thành Việt Nam đã phổ cập Internet". Đó là những mục tiêu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba mà Việt Nam đã đạt được.

Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Bộ trưởng Hùng, trong công cuộc đó, hạ tầng thông tin liên lạc sẽ trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Đó không chỉ là hạ tầng viễn thông băng rộng, mà còn là hạ tầng điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số.

Em bán Samsung Galaxy A35 5G 8GB 128GB : 6.890.000 đ
👉 Full 3 màu: Xanh, Đen, Vàng
👉 Có giao hàng hỏa tốc
👉 Có Ship code
👉 Có Trả góp 0%
Chi nhánh Gò Vấp
859 Quang Trung, Phường 12, Q Gò Vấp
Hotline: 0947.711.881
Maps: https://g.page/r/CVSFBogl7CfWE
 
Bên trên