Trần Trọng Luân
Guest
Gen Z trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong thời gian gần đây so với cách đây hai hay ba năm trước. Đối tượng này hiện nay đã trở thành nhóm khách hàng mục tiêu cho nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Và cũng là thế hệ tiếp theo bước chân vào lực lượng lao động.
Qua những cơ hội được làm việc trực tiếp với Gen Z, tôi đã nhanh chóng gạt bỏ những định kiến ban đầu và nhận ra những giá trị mà thế hệ trẻ này đang mang lại cho chính tôi, cho các thế hệ đi trước và cho tổ chức, doanh nghiệp nơi mà các bạn làm việc.
Những điểm tiêu biểu mà tôi muốn đề cập trong bài viết này là 4 giá trị sau đây:
1. Sự kết nối
Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là tinh thần kết nối, hoà nhập. Nếu bạn là một người mới gia nhập công ty hay đội nhóm, bạn sẽ không cần phải lo lắng “ma cũ bắt nạt ma mới”. Dù bạn là ai, bạn đều được chào đón nhiệt tình. Nếu bạn loay hoay tìm cách kết nối, sẽ có người chủ động bắt chuyện và kết nối bạn với những người còn lại.
Nếu như ngày trước, bạn sẽ không khó để nhận ra thành tích chỉ dành cho một vài cá nhân xuất sắc nổi bật, chúng ta đa phần việc ai người ấy làm, hay thậm chí có sự cạnh tranh, ganh đua; thì ngày nay, tôi nhìn thấy phần lớn ở các bạn trẻ là sự kết nối, tương trợ và biết cách sử dụng thế mạnh của nhau.
Yếu tố này giúp mang đến một môi trường làm việc lành mạnh và gắn kết.
2. Sự đa dạng
Điều thứ hai mà tôi thấy chính là sự muôn màu trong cuộc sống của các bạn. Đa dạng ở đây có thể nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, tôi chia sẻ từ góc nhìn những trải nghiệm và chủ đề mà các bạn trẻ này quan tâm.
Không bó buộc mình vào một khuôn mẫu cụ thể nào, các bạn trẻ cho mình cơ hội trải nghiệm và thưởng thức nhiều nhất có thể. Sẽ không còn nhìn thấy một cô gái hay vẽ vời khi rảnh rỗi, hay một chàng trai trẻ chỉ chơi thể thao vào dịp cuối tuần. Thay vào đó, chúng ta nhìn thấy hình ảnh những cô cậu có thể vừa ra khỏi một lớp học làm gốm liền ghé qua một buổi triển lãm hay đạp xe quanh khu vực quận 1.
Một ví dụ khác khi nói về sở thích nghe nhạc, tôi thấy các bạn không chỉ nghe một thể loại nhạc nhất định mà yêu thích đồng thời nhiều thể loại nhạc khác nhau. Sẽ không còn tôi nghe Rock thì không thích nhạc Pop mà là sự tìm hiểu, thử nghiệm rồi kết hợp nhiều gu âm nhạc với nhau. Hay các bạn là fan của nhóm nhạc này, nhưng vẫn nghe album mới hay cổ vũ nhiệt tình cho một nhóm nhạc khác khi trình diễn trên sân khấu.
Các bạn trẻ không giới hạn mình vào một thứ duy nhất nào đó mà cho phép mình khám phá và mở rộng thế giới quan. Yếu tố này đem lại những góc nhìn đa chiều và khách quan, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều ý tưởng mới lạ và muôn vàn cách để luôn làm mới mình.
3. Sự dũng cảm
Tôi quả thật ngưỡng mộ sự dũng cảm của các bạn.
Nếu được trao cho cơ hội, các bạn trẻ không ngần ngại mà nói lên những quan điểm của cá nhân mình, dù rằng nó có đi ngược lại hay đối lập với ý kiến của người đối diện. Các bạn ấy sẽ không do dự mà nói rằng bạn đã chưa đúng ở chỗ nào hay các bạn ấy cảm thấy như thế nào, gặp khó khăn ở đâu, cần hỗ trợ những gì.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhìn thấy ở thế hệ trẻ một sự chủ động trong việc phát triển bản thân. Đã có nhiều bạn làm việc cùng tôi chủ động đề xuất những buổi trao đổi về công việc, lộ trình thăng tiến, những yêu cầu và mong muốn từ cấp trên để có sự chuẩn bị cho mình.
Các bạn chủ động tìm hiểu và chia sẻ với nhau những quyền lợi mà một người lao động được hưởng và sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ những quyền lợi ấy, không chỉ cho bản thân mà còn cho những đồng môn của mình.
Và tôi ủng hộ cho sự dũng cảm ấy, vì dù là chủ đề gì, chúng cần được nói ra thì ta mới có cơ hội nhận diện, hiểu rõ và từ đó tìm ra giải pháp.
4. Sự cởi mở
Giá trị cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết này chính là sự cởi mở trong giao tiếp, trong chia sẻ thông tin từ các bạn. Và giá trị này có thể chỉ là trải nghiệm của cá nhân tôi.
Trong những buổi chuyện trò cùng với những bạn trẻ này, tôi không cảm thấy mình phải quá dè chừng hay giữ khoảng cách. Tôi nghĩ đó là vì cái không khí cởi mở chân thành mà các bạn đã tạo ra, chúng tạo nên những cuộc hội thoại 2 chiều, có người nói và có người nghe.
Các bạn cởi mở trong việc chia sẻ thông tin, thậm chí là thông tin riêng tư, những thông tin mà tôi không nghĩ rằng trước đây mình có thể chia sẻ cho ai khác chẳng hạn như lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ. Đã có nhiều ý kiến trái chiều về xu hướng này, tuy nhiên, qua đó tôi lại nhìn ra được sự minh bạch, rõ ràng và công bằng mà người lao động nào cũng có quyền tự tìm hiểu.
Đồng thời hầu hết các bạn Gen Z cũng cởi mở trong việc lắng nghe và tôn trọng ý kiến từ người khác, sẵn sàng tiếp nhận hay chủ động tham khảo góp ý (feedback) với thái độ tích cực để bổ sung, để đối chiếu, để cân nhắc cho những gì tốt nhất thay vì có tâm lý phản kháng và phòng thủ.
Đây là một nét đẹp trong văn hoá doanh nghiệp nên được khuyến khích và tạo điều kiện. Khi đó, tôi chắc rằng doanh nghiệp sẽ hưởng lợi bằng những giá trị mới được tạo thêm cho sản phẩm/ dịch vụ, cho khách hàng/ cộng đồng; bằng những giải pháp mới tối ưu về chi phí và nguồn lực; bằng sự hài lòng và lợi ích chung được gia tăng.
Kết
Chúng ta học hỏi và phát triển qua mọi thứ xung quanh, và tôi nhận ra có rất nhiều điều tôi đã học được từ các bạn trẻ – thế hệ Gen Z này. Trên đây chỉ là 4 trong số đó.
Còn bạn thì sao? Bạn học được gì từ những thế hệ trẻ tiếp theo?