48 giờ ở Ninh Thuận

tran hương

Well-known member
Ninh Thuận nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, là điểm đến thích hợp cho người yêu thiên nhiên và thích tìm hiểu về văn hóa Chăm.

Trải nghiệm Ninh Thuận do chị Thu Dung, du khách từ TP HCM, chia sẻ trong chuyến đi đầu tháng 3, nhân dịp năm mới của người Chăm và gợi ý của anh Nguyễn Nam, từ một công ty du lịch tại TP HCM.

Ngày 1

Buổi sáng

Ăn sáng tại trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với các món ăn đặc trưng địa phương như bánh căn hay bánh canh chả cá. Bánh căn du khách có thể tìm thấy ở nhiều quán ăn trong thành phố, trong khi bánh canh chả cá có một số địa chỉ nổi tiếng như Xuân Hương, bánh canh 79, cô Năm, bà Bốn Phan Rang.

Cánh canh chả cá Ninh Thuận. Ảnh: Moon

Cánh canh chả cá Ninh Thuận. Ảnh: Moon

Tham quan vịnh Vĩnh Hy, cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 35 km. Từ thành phố di chuyển theo cung đường ven biển - có nhiều phong cảnh đẹp. Dọc đường đi, một số điểm tham quan nổi tiếng như vườn quốc gia Núi Chúa, công viên đá Ninh Thuận, hang Rái, cảng cá Mỹ Tân, các vườn nho. "Thông thường trong một ngày, bạn sẽ không kịp đi tất cả các nơi kể trên, nên lựa chọn điểm đến yêu thích nhất", anh Nam cho hay.

Cảng cá Mỹ Tân và công viên đá Ninh Thuận là hai nơi bạn nên đến đầu tiên. Cảng cá là nơi bạn chứng kiến hoạt động thường ngày của ngư dân và chụp ảnh với những tảng đá bám rêu xanh mướt (đặc biệt nhiều vào dịp cuối năm).

Còn với công viên đá, bạn sẽ phải đi bộ gần 2 km từ đường chính. Nơi này trước đây là một bãi đá rất rộng lớn và trải qua thời gian dài bị bào mòn, đá bị phong hóa và chồng lên nhau, tạo nên nhiều hình thù đặc biệt. Công viên cũng là địa điểm cắm trại yêu thích vào buổi chiều tối để ngắm hoàng hôn.


Công viên đá Ninh Thuận. Ảnh: Thu Dung

Công viên đá Ninh Thuận. Ảnh: Thu Dung

Công viên đá Ninh Thuận. Ảnh: Ảnh: Thu Dung

Công viên đá Ninh Thuận. Ảnh: Thu Dung

Công viên đá Ninh Thuận. Ảnh: Thu Dung

Công viên đá Ninh Thuận. Ảnh: Thu Dung




1 / 4


"Xung quanh công viên đá không có dịch vụ nào, thời tiết lại khá nóng nên bạn cần chuẩn bị đầy đủ nước và đồ ăn nếu cần", chị Dung nói.

Buổi trưa và chiều

Nghỉ trưa và ăn uống tại khu vực vịnh Vĩnh Hy. Bạn có thể chọn nhà bè Vĩnh Hy quán hoặc nhà hàng thuộc Vĩnh Hy resort. Các món hải sản ở đây đều tươi ngon, được chế biến đơn giản như hấp hay nướng mọi để giữ nguyên vị ngon ngọt.

Trên đường quay trở lại thành phố, du khách ghé khu vực hang Rái. Đây là điểm đến của nhiều nhiếp ảnh gia.

Góc ảnh bình minh hang Rái của nhiếp ảnh gia. Ảnh:Nguyễn Văn Hợp

Bình minh ở hang Rái. Ảnh:Nguyễn Văn Hợp

Theo anh Nam, nhiều nhiếp ảnh gia đến đây ngồi hàng giờ chỉ để đợi săn được những bức ảnh đẹp lúc bình minh. Nếu không thể đến vào lúc sáng sớm, du khách nên ghé vào buổi chiều khi hoàng hôn xuống. "Điểm chụp ảnh đẹp nhất là khu bàn thạch, với thác biển dâng lên theo từng đợt sóng", anh Nam nói. Hang Rái nằm khá gần đường chính nên thuận tiện di chuyển.

Nếu còn thời gian, du khách nên ghé vào một trong những vườn nho như Thái An, Xuân Trường, Bé Diễm, Ngọc Nga. Du khách được trải nghiệm hái và thưởng thức sản phẩm, mua đồ mang về như nho, rượu nho, siro.

Buổi tối

Ninh Thuận là nơi nuôi cừu nổi tiếng ở Việt Nam nên nếu có thể ăn được thịt cừu, du khách đừng bỏ lỡ dịp này. Nhà hàng Cừu Ô Vương trên đường Trần Quang Diệu, A Lộc ở Phạm Ngũ Lão hay quán Đông Dương đường Ngô Gia Tự là địa chỉ được nhiều người gợi ý. Các món phổ biến là sườn cừu nướng, lẩu, cháo cừu, đùi cừu đút lò.

Món đùi cừu nướng Ninh Thuận. Ảnh: Ô Vương

Món đùi cừu nướng Ninh Thuận. Ảnh: Ô Vương

Nghỉ đêm tại biển Ninh Chữ, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km. Dọc bãi biển này có nhiều khu khách sạn và resort giá dao động từ 1 đến 2,5 triệu đồng một đêm như TTC Ninh Thuận resort, Sài Gòn Ninh Chữ, Hoàn Mỹ Resort, Gold Roaster, Long Thuan Hotel & Resort.

Ngày 2


Buổi sáng và trưa

Nếu đến trong tháng 3, nên dành thời gian tham dự một nghi lễ trong Tết cổ truyền của người Chăm, khi gia đình ra mộ làm lễ mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ về nhà ăn Tết, gần giống lễ Tảo mộ và cúng tất niên của người Kinh.

Sáng sớm, gia đình, họ tộc ra phần mộ chung, dọn dẹp, nhổ cỏ, vun lại cát "nhà" của người đã khuất. Mỗi người mất được đánh dấu bằng hai viên đá lớn, đầu hướng về phương Bắc, không có bia khắc tên như người Kinh mà gia đình tự nhớ. Bao nhiêu hàng đá là bấy nhiêu phần mộ.


Hoạt động trước ngày năm mới của người Chăm. Ảnh: NVCC

Các gia đình ra mộ, dọn dẹp, nhổ cỏ, vun lại cát cho từng "nhà" của người mất. Ảnh: NVCC

Mộ được đánh dấu bằng những viên đá. Ảnh: NVCC

Đồ cúng của từng gia đình. Ảnh: NVCC

Khay trầu cau đem ra mộ. Ảnh: NVCC

Hoạt động trước ngày năm mới của người Chăm. Ảnh: NVCC

Các gia đình ra mộ, dọn dẹp, nhổ cỏ, vun lại cát cho từng "nhà" của người mất. Ảnh: NVCC





1 / 5


Mỗi nhà chuẩn bị một khay trầu cau. Mỗi khay có 20 phần, sắp xếp đẹp. Nếu có con cháu trai đi lấy vợ thì người này sẽ gửi thêm phần trầu cau của mình vào khay để báo cáo. Nghi thức khấn vái làm lễ chỉ khoảng 5-10 phút. Trầu cau sau đó được rải lại ở phần mộ. Còn gia đình, mỗi người lấy một ít cát ở đó, cho vào lư, mang về nhà để đặt lên mâm cúng.

Người Chăm không có bàn thờ, không cắm hương. Họ chỉ sắp mâm cúng vào dịp lễ Tết, đặt nụ trầm lên than củi để có khói tỏa. Vì theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có kinh nghiệm nhất trong gia tộc sẽ phụ trách phần cúng lễ. Anh em ruột thịt quy tụ về nhà thờ Tổ (là nhà của người con gái út) để cùng làm cỗ, lễ bái.

Trong năm, người Chăm ở Ninh Thuận cũng có nhiều lễ hội như Ranuwan, lễ cầu mưa, lễ mở cửa, lớn nhất là Lễ hội Ka-tê vào tháng 9-10 hằng năm.

Ăn trưa cùng với đồng bào Chăm với các món ăn được gia đình chuẩn bị trước buổi cúng.
 
Bên trên