5 bí mật giết chết nội dung tiếp thị

Trong tiếp thị, nội dung luôn được xem là cốt lõi của vấn đề, bởi không có chương trình quảng bá nào có thể thành công nếu hình thức bên ngoài hấp dẫn nhưng nội dung lại quá nghèo nàn. Sau đây là 5 bí mật mà các marketer thường phạm phải làm ảnh hưởng tới thông điệp muốn truyền đạt.

1. “Khách hàng quan tâm tới danh tiếng công ty của tôi!”
Không. Họ chỉ quan tâm tới những lợi ích sản phẩm hay dịch vụ bạn mang lại khi quyết định móc hầu bao để sở hữu chúng. Họ cũng chẳng thèm quan tâm tới việc bạn là thành viên của phòng thương mại địa phương hơn 20 năm trời hay thành viên ban quản trị của bạn là ai (hãy vui lòng đừng đưa những thông tin này vào các tư liệu tiếp thị). Họ chỉ muốn biết nhu cầu của mình có được đáp ứng đầy đủ hay không. Do đó, mục tiêu của nội dung tiếp thị là thuyết phục khách hàng rằng những sản phẩm hay dịch vụ bạn đang cung cấp sẽ đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ, thậm chí bạn còn phải tạo ra nhu cầu. Nói cách khác, nội dung tiếp thị cần phải lột tả cho họ thấy những lợi ích thiết thực nhất. Nếu bạn đã kinh doanh được trên 10 năm, điều này thật tuyệt, nhưng họ sẽ chẳng thèm quan tâm đâu, họ chỉ muốn biết là bạn có thể làm gì để mang lại cho cuộc sống của họ dễ chịu và thoải mái hơn. Đây là những thông điệp bạn cần nhấn mạnh nếu muốn viết nội dung tiếp thị một cách hiệu quả.



2. “Chỉ cần sử dụng một nội dung duy nhất!”
Không. Nội dung này cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với kênh truyền tải thông tin. Ví dụ đối với các biển quảng cáo ngoài trời khi mà người đi đường chỉ có vài giây để nhìn lướt qua chúng, thông điệp cần phải ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên khi bạn gửi thư quảng cáo cho những khách hàng đã có yêu cầu, nội dung cần phải chi tiết và trả lời được những thắc mắc của họ. Đồng thời cần tạo ra sự hối thúc để tăng tỉ lệ phản hồi.

3. “Sử dụng cùng một nội dung cho tất cả mọi người!”
Đây không phải là một ý định hay. Nội dung cần được soạn thảo phù hợp với từng nhóm đối tượng người nhận, việc này phụ thuộc các yếu tố liên quan tới hành vi người nhận, họ đã từng sử dụng sản phẩm hay chưa,… Ví dụ nội dung thư giới thiệu được gửi cho khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm, dịch vụ sẽ khác nội dung thư giới thiệu gửi tới nhóm khách hàng tiềm năng. Hai đối tượng này rõ ràng có sự khác nhau: một là đã từng sử dụng sản phẩm, dịch vụ và một thì chưa. Chính vì vậy, 2 nội dung này nên được soạn thảo khác nhau nhằm đặt được tỉ lệ trả lời cao nhất có thể.


4. “Lời lẽ cần phải chuyên nghiệp!”

Không hẳn lúc nào cũng cần. Ngôn ngữ và giọng điệu sử dụng cần phải phù hợp với người đọc. Cụ thể, ngôn từ viết cho tuổi teen sẽ khác với ngôn từ dành cho những người trưởng thành. Hãy xem ví dụ của McDonald’s, gần đây thương hiệu này xuất hiện trên quảng cáo truyền hình với tên gọi là “Mickey D’s” thay vì “McDonald’s” với mục đích là tạo ra sự gần gũi hơn với khách hàng của họ. Cũng cần phải hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành nếu bạn muốn người đọc hiểu được nội dung cần truyền tải. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sử dụng thuật ngữ cho các mẫu quảng cáo khi chúng nhắm tới đối tượng là các doanh nghiệp.

5. “Viết nội dung tiếp thị cũng đơn giản thôi!”
Đừng bao giờ có suy nghĩ như thế. Viết nội dung tiếp thị là một công việc manh tính đặc thù. Nó không tuân theo các quy tắc viết lách mà bạn đã từng học. Nó dựa trên kiến thức về tâm lý, kinh doanh, sự am hiểu về sản phẩm, khách hàng, khả năng sáng tạo và thuyết phục cao. Không phải ai có khả năng viết tốt đều trở thành copy writer giỏi và ngược lại. Khi đã quyết định tự mình viết, bạn cần phải tìm hiểu và phân tích bản nháp trước khi chính thức đặt bút viết. Nếu quyết định thuê một copy writer, hãy nhớ rằng không phải copy writer nào cũng như nhau. Chỉ nên chọn những copy writer có kinh nghiệm và biết dành thời gian tìm hiểu về công việc kinh doanh cũng như khách hàng của bạn.
 
Bên trên