5 đặc sản nhất định phải thưởng thức khi đến Tiền Giang

Võ Xuân Trường

Well-known member
5 đặc sản nhất định phải thưởng thức khi đến Tiền Giang

Tiền Giang không chỉ nổi tiếng với những miệt vườn trù phú, những cánh rừng ngập mặn trải dài, mà còn là nơi sản sinh ra nhiều món đặc sản thơm ngon, độc đáo.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho
Ghé thăm Mỹ Tho, hầu như du khách nào cũng muốn thưởng thức món ăn đặc trưng nhất của thành phố bên bờ sông Tiền. Điểm khác biệt của hủ tiếu Mỹ Tho so với hủ tiếu ở các nơi khác chính là sợi hủ tiếu có cọng nhỏ, màu trắng, khô và dai. Đặc biệt, sợi hủ tiếu được làm bằng gạo đặc sản Gò Cát sẽ tạo ra hương vị ngon nhất.
Nước lèo của hủ tiếu Mỹ Tho được nấu từ xương heo, củ cải, tôm khô, mực đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt bỏ đi, để lại một thứ nước trong vắt màu vàng nhạt, đậm đà. Món này còn có thêm tôm, mực, thịt heo, thịt gà, lòng, tim… tùy vào sở thích của du khách, và thường ăn kèm các loại rau như hẹ, xà lách, giá… để tăng hương vị thơm ngon.
Bánh vá
Bánh vá Gò Công
Bánh vá Gò Công
Một món ăn chơi không thể bỏ lỡ khi đến Tiền Giang là bánh vá (hay còn gọi là bánh giá). Bánh được làm từ nhiều nguyên liệu phong phú gồm thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm mèo, đậu phộng, bột gạo, bột năng, đậu xanh...
Khi chiên, người làm bánh phải hết sức khéo léo để không làm bánh vỡ và con tôm vẫn nổi trên bề mặt. Bánh chín có màu vàng ươm đẹp mắt, giòn rụm, hấp dẫn. Khi ăn kết hợp cùng những loại rau sống và nước mắm tỏi ớt chua ngọt thì ngon miễn chê.
Ốc gạo Tân Phong
Ốc gạo Tân Phong
Ốc gạo Tân Phong
Ốc gạo Tân Phong cũng là một trong những món đặc sản trứ danh của vùng sông nước Tiền Giang. Sở dĩ loài ốc này được đặt tên là ốc gạo bởi vỏ ốc màu xanh ngọc có xoáy tròn, sau khi luộc lên, phần đầu vỏ ốc xuất hiện một hạt mỡ trắng trông giống hạt gạo.
Ốc gạo Tân Phong khi luộc chín sẽ có màu vàng ươm, ăn giòn, béo ngậy và vị ngọt thanh. Ngoài luộc, đặc sản này còn được chế biến theo nhiều cách khác nhau như ốc xào tỏi ớt, ốc bơ cháy tỏi, ốc hấp lá ổi, ốc om dừa, gỏi ốc, bún ốc... Món nào cũng ngon nức lòng thực khách.
Mắm tôm chà
Mắm tôm chà Gò Công
Mắm tôm chà Gò Công
Mắm tôm chà là đặc sản của xứ Gò Công, Tiền Giang. Tuy chỉ là món ăn dân dã của vùng sông nước miền Tây, nhưng gần 200 năm trước, nó đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế rồi nổi tiếng từ đó đến nay.
Nguyên liệu chính làm nên mắm tôm chà chính là tôm đất, tép bạc. Ở Gò Công, mỗi nơi sản xuất mắm đều sở hữu cho mình một công thức riêng biệt, không ai giống ai. Tuy nhiên dù công thức có khác nhau thì phần chuẩn bị nguyên liệu luôn phải kỹ lưỡng, đặc biệt là tôm và tép phải lựa chọn loại tươi ngon.
Mắm tôm chà có thể thưởng thức theo nhiều cách khác nhau đều ngon như ăn cùng cơm trắng, bún, các món cuốn. Người dân Tiền Giang thường ăn mắm cùng với bún, bánh tráng và thịt luộc.
Mắm còng
Mắm còng Gò Công
Mắm còng Gò Công
Gò Công quả là "xứ mắm" của Tiền Giang vì có nhiều loại mắm ngon. Ngoài mắm tôm chà, nơi đây còn nổi tiếng với mắm còng, là món ngon tiến cung từ thời nhà Nguyễn.
Gò Công nằm dọc bên bờ biển Cửa Tiểu, khắp nơi đều là những vùng rừng ngập mặn nên tạo điều kiện thuận lợi cho các loại còng sinh sống và phát triển. Còng có rất nhiều loại, trong đó còng đỏ được ưa chuộng nhất vì phù hợp để ủ mắm.
Mắm còng Gò Công được yêu thích nhờ hương vị đặc trưng, mùi thơm nhẹ nhàng, chứ không nồng như mắm tôm chà Gò Công. Mùi tanh và vị hơi mặn của thịt và gạch còng khi hòa quyện cùng tỏi ớt tạo nên hương vị hài hòa, đặc biệt.
 
Bên trên