6 cách cải thiện rối loạn tiêu hóa cho người lớn tuổi

VTTH.

Well-known member
Xây dựng chế độ ăn hợp lý, chế biến thức ăn phù hợp, uống đủ nước, tập thể dục... giúp giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người già.

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng đường tiêu hóa xuất hiện các dấu hiệu bất thường về cấu trúc hoặc hoạt động, các cơ vòng co thắt nhiều gây đau bụng, khó tiêu, buồn nôn và thay đổi thói quen đại tiện. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, trong đó có người già.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết có nhiều nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị rối loạn tiêu hóa. Răng yếu khiến thức ăn không được nghiền nát, chức năng của hệ tiêu hóa bị suy yếu khiến thức ăn khó di chuyển, dẫn đến nghẹn, khó nuốt. Độ đàn hồi của dạ dày kém khiến sức chứa và tốc độ thải thức ăn bị giảm. Nhu động dạ dày và ruột giảm nên việc nhào trộn và tiêu hóa thức ăn chậm hơn. Vì vậy, người già cũng thường mắc bệnh táo bón. Bên cạnh đó, chức năng tiết dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch vị dạ dày, ruột... giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, ảnh hưởng quá trình tiêu hóa.

Nồng độ enzyme tiêu hóa lactose giảm khiến một số người lớn tuổi bị rối loạn tiêu hóa khi dung nạp các sản phẩm từ sữa. Một số loại vi khuẩn trong hệ tiêu hóa sẽ gia tăng số lượng theo tuổi tác, dẫn đến hiện tượng đau bụng, đầy hơi. Người cao tuổi thường có nhiều bệnh mạn tính có thể gây triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiểu đường, mất ngủ, tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh mạn tính.

Dưới đây là những cách cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi theo gợi ý của bác sĩ Khanh.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý


Người cao tuổi nên sử dụng dầu thực vật thay vì mỡ động vật; tăng cường các loại rau quả, chất xơ. Các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi, cải ngồng... giàu chất chống oxy hóa, folate tốt cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ phòng ngừa ung thư, suy giảm nhận thức; chứa nhiều vitamin K giúp đông máu và góp phần tránh loãng xương. Một số loại quả như đu đủ, chuối, cam vừa dễ nhai nuốt, vừa cung cấp đủ loại vitamin và chất điện giải.

Để giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa, bậc cao niên nên hạn chế ăn thịt đỏ như trâu, bò, dê, cừu; ăn cá nhiều hơn thịt với tần suất mỗi tuần khoảng 3 lần. Không nên ăn quá 3 quả trứng một tuần để tránh tình trạng dư thừa cholesterol, gây gánh nặng cho gan, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Để đảm bảo đủ chất đạm cho cơ thể, người cao tuổi có thể tăng cường sử dụng đạm thực vật từ sữa đậu nành, đậu phụ...

Chế độ ăn cần giảm gia vị muối, tránh ăn mặn; tốt nhất nên hạn chế thực phẩm mặn như cá thịt khô, mắm, thức ăn kho mặn... Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa, vì vậy nên thay thế bằng các món luộc, hấp. Ưu tiên thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như gạo, mì ống, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, vừa giúp hỗ trợ làm đặc khối phân vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Người già ăn nhiều rau quả giúp phòng tránh táo bón. Ảnh: Freepik

Người già ăn nhiều rau quả giúp phòng tránh táo bón. Ảnh: Freepik

Chế biến món ăn phù hợp

Thức ăn cho người già cần chế biến đảm bảo vệ sinh và nấu đủ độ chín. Người có tuổi nên tránh thức ăn tái sống, gỏi nộm, muối chua do dễ gây chướng bụng, đầy hơi và nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng cao. Rau quả cần rửa sạch nhiều lần, gọt vỏ trước khi ăn. Một số thực phẩm như súp, canh, cháo ít gia vị và dầu mỡ vừa dễ tiêu hóa, vừa bổ sung thêm chất lỏng và chất điện giải cần thiết cho cơ thể.

Thay đổi thói quen ăn uống

Người cao tuổi không nên ăn quá nhiều một bữa hoặc bỏ bữa khi không muốn ăn. Các bữa ăn nên chia nhỏ với lượng vừa phải, cách nhau khoảng 2-3 tiếng. Khi ăn nên tập trung, hạn chế nói chuyện, xem tivi, tránh bị phân tâm dễ gây sặc, nghẹn. Ăn chậm, nhai kỹ giúp hạn chế nuốt khí, tránh sự căng giãn đột ngột của ống tiêu hóa, giảm đầy hơi, chướng bụng. Không nên nằm ngay sau ăn mà cần vận động nhẹ nhàng để thức ăn dễ tiêu hóa. Bữa tối nên cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ.

Uống đủ nước

Bác sĩ Khanh cho biết, người già giảm cảm giác khát nước, đôi khi cơ thể thiếu nước mà vẫn không thấy khát. Vì vậy, nhóm người này cần bổ sung nước bằng cách uống khoảng 70 -100 ml mỗi 2 giờ, không chờ khát nước mới uống. Ưu tiên sử dụng nước lọc, nước cháo loãng, nước gừng, nước dừa tươi; tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước có ga hoặc nước ngọt chứa nhiều đường. Do những sản phẩm này đều gây rối loạn tiêu hóa, khiến tình trạng mất nước tăng nặng, kéo dài triệu chứng nôn nao khó chịu.

Sử dụng nước ấm giúp tăng nhu động ruột, trung tiện dễ dàng, cải thiện tình trạng táo bón. Khi nhận đủ nước, hệ tiêu hóa cũng hấp thụ được các chất dinh dưỡng tối đa, ngăn ngừa suy dinh dưỡng. Không nên uống quá nhiều nước, tránh gây gánh nặng cho thận. Để không bị thức giấc giữa đêm, không nên uống nhiều nước vào chiều tối.

Tập thể dục

Tập thể dục, khí công dưỡng sinh nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe khoảng 30 phút mỗi ngày giúp kích thích nhu động ruột, điều tiết chất thải qua đại tràng, cải thiện hệ tiêu hóa.

Khám sức khỏe định kỳ

Theo bác sĩ Khanh, người cao tuổi nên thăm khám sức khỏe định kỳ để có phương hướng kiểm soát tốt các bệnh mạn tính. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý đường tiêu hóa nhẹ thoáng qua, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý đường tiêu hóa nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi người cao tuổi có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn,... kéo dài, người nhà cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị.
 
Bên trên