6 món ăn bài thuốc từ quả đào

Nguyễn Thị Ngọc Trinh

Well-known member
Quả đào không chỉ là một thứ quả ngon mà còn cho ta những vị thuốc quý trị bệnh rất hiệu nghiệm.
1. Đặc điểm của cây đào

Đào tên khoa học Prunus persica Stokes (Amygdalus persica L.); thuộc họ Hoa hồng Rosaceae.

Cây đào là loại thân mộc, cao 3-4m, da thân cây nhẵn. Trên thân thường có chất nhầy đùn ra gọi là nhựa đào. Lá đơn, mọc so le, có cuống ngắn, hình mác. Phiến lá dài 5-8cm, rộng 1,2-1,5cm, mép lá có răng cưa, khi vò có mùi hạnh nhân.

Hoa xuất hiện trước lá, màu hồng nhạt, 5 cánh, 8 nhị màu vàng. Quả hạch hình cầu, đầu nhọn có một ngấn lõm vào, chạy dọc theo quả. Vỏ ngoài có lông rất mịn. Quả chín có những đám đỏ.

Quả đào (phần thịt) có chứa chất màu carotenoid, lycopen, crytoxantin, zeaxantin, đường, các acid hữu cơ (citric, tartric), vitamin C, acid clorogenic, rất nhiều tinh dầu…

Hạt đào chứa tới 50% dầu. Lá đào có amygdalin, acid tanic, cumarin.

6 món ăn bài thuốc từ quả đào - 1

Cây đào cho ta những vị thuốc quý.

2. Công dụng và liều dùng

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết:

- Đào nhân: Ngoài công dụng chữa ho, đào nhân còn được dùng làm thuốc điều kinh, cầm máu sau khi đẻ thể huyết ứ. Theo các nhà nghiên cứu ở Đài Loan, đào nhân được dùng thay chất ergotin làm co tử cung, tác dụng trên mạch máu của tử cung làm đông máu. Liều dùng hằng ngày 4-6g dưới dạng thuốc sắc.

6 món ăn bài thuốc từ quả đào - 2

Đào không chỉ là một loại quả ngon mà còn cho ta vị thuốc quý.

Theo tài liệu cổ đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, vào 2 kinh tâm và can; có tác dụng phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường, dùng chữa huyết ứ, huyết bế, chữa ho, thông kinh nguyệt, sát trùng. Người không ứ trệ không nên dùng.

- Lá đào: Thường được nấu nước dùng tắm ghẻ, lở, ngứa. Lá đào giã nát, thêm nước, cất lấy nước cất lá đào. Nước cất lá đào có độc, dùng phải cẩn thận. Dùng chữa ho, khó thở, nôn mửa, đau dạ dày... mỗi lần dùng 0,5 đến 2ml. Cả ngày có thể dùng 2 đến 6ml. Liều tối đa một lần 2ml. Liều tối đa cả ngày 6ml.

Chú ý: Trong lá đào có chất HCN độc, dùng quá liều có thể gây tử vong, nhưng khi dùng liều nhỏ, chất HCN chỉ giải phóng từ từ sẽ có tác dụng trấn tĩnh trung khu hô hấp do đó dùng để chữa ho. Khi dùng phải hết sức cẩn thận; liều vừa dùng, dù dùng ngoài hay dùng trong cũng vậy, không nên tự ý dùng.

- Hoa đào: Được một số người dùng làm thuốc thông tiểu tiện và tẩy, dùng chữa thủy thũng và bí đại tiện, nhưng chỉ dùng hoa đào bảo quản trong vòng 1 năm, vì để lâu mất tác dụng. Liều dùng của hoa đào: Ngày 3-5g dưới dạng thuốc sắc.

6 món ăn bài thuốc từ quả đào - 3

Nhân của hạt đào (đào nhân) là một vị thuốc.

3. Một số món ăn bài thuốc từ quả đào

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu 6 món ăn bài thuốc từ quả đào như sau:

- Đào chín hoặc mứt đào khô: Ngày ăn 1 - 4 trái để dưỡng da.

- Đào chín ướp đường: Đào chín gọt vỏ, thái lát bỏ hạt, dùng đường trắng ướp ăn tráng miệng sau bữa ăn. Dùng trợ tiêu hóa, kiện vị, nhuận tràng.

- Đào chín ăn tươi: Đào rửa sạch, gọt vỏ, mỗi lần 1 - 3 quả, ngày ăn 2 - 3 lần. Dùng cho các trường hợp cảm nóng, cảm nắng, mất nước, khát nước.

- Xirô đào quả, đào nhân: Đào chín 2 quả gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt, nhân hạt đào 9g, xirô 30g. Đào gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt cùng đào nhân xay nhuyễn, thêm xirô, chưng cách thủy cho chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp bế kinh, kinh ít.

- Nước gừng mật ong trộn bột hạnh nhân đào nhân: Đào nhân 30g, hạnh nhân 15g nghiền nát trộn với nước gừng và mật ong một lượng thích hợp ăn. Dùng cho các trường hợp bệnh hô hấp thở gấp, hen suyễn mạn tính.

- Cháo đào nhân: Đào nhân 30g, gạo tẻ 60g, nấu cháo (ăn bữa sáng và tối). Dùng cho trường hợp mất ngủ hay quên lẫn, đau lưng, sỏi đường tiết niệu.

Người bình thường nếu ăn hàng ngày có tác dụng tăng cường trí não, bảo vệ sức khỏe, phòng trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cơn đau tim.

Kiêng kỵ: Không nấu với thịt ba ba, rùa, xương truật, bạch truật. Không nên ăn nhiều sinh nhiệt lở ngứa, những người mắc bệnh về nhiệt hạn chế ăn.
 
Bên trên