9 cách để máy tính Windows của bạn chạy nhanh hơn

Thanh Thúy

Well-known member
Máy tính chậm dần theo thời gian là điều không thể tránh khỏi, nhưng bạn hoàn toàn có thể khắc phục điều này. Từ việc dọn dẹp ổ đĩa, tinh chỉnh chế độ nguồn, đến việc loại bỏ các ứng dụng và tệp không cần thiết, dưới đây là một số cách giúp máy tính Windows của bạn chạy nhanh như mới.
Chạy công cụ dọn dẹp ổ cứng (Disk Cleanup)
Theo thời gian, máy tính Windows sẽ tích tụ các tệp không cần thiết, chẳng hạn như tệp hệ thống cũ, tệp tạm thời và dữ liệu bộ nhớ đệm. Những tệp này không chỉ chiếm dung lượng ổ cứng mà còn có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của máy tính.
Để giải quyết tình trạng này, người dùng nên sử dụng công cụ Disk Cleanup tích hợp sẵn của Windows. Khi quét xong, Disk Cleanup sẽ loại bỏ những tệp không cần thiết và cải thiện tốc độ cũng như hiệu quả lưu trữ, giúp máy tính chạy mượt mà hơn. Nếu ổ cứng chỉ có dung lượng 128GB hay 256GB, người dùng nên sử dụng công cụ này thường xuyên để dọn dẹp
Bên cạnh Disk Cleanup, bạn có thể sử dụng các phần mềm của bên thứ 3 như TreeSize hoặc BleachBit để dọn dẹp ổ cứng.
Giới hạn số lượng ứng dụng khởi động cùng Windows
Khi người dùng cài đặt phần mềm mới trên máy tính, một số chương trình có thể tự động kích hoạt tùy chọn khởi động cùng Windows. Về lâu dài, việc quá nhiều phần mềm khởi chạy sẽ khiến hiệu suất tổng thể của máy bị giảm đi đáng kể.
Để khắc phục điều này, bạn chỉ cần mở Task Manager bằng cách nhấn tổ hợp phím Ctrl + Shift + Esc; sau đó điều hướng đến tab Startup apps. Tại đây, bạn sẽ thấy danh sách các chương trình được thiết lập để khởi chạy khi máy tính của bạn khởi động. Xem lại danh sách và tắt bất kỳ ứng dụng không cần thiết bằng cách nhấp chuột phải vào chúng và chọn Disabled. Bằng cách này, máy tính của bạn sẽ khởi động nhanh hơn trước rất nhiều.
Gỡ cài đặt ứng dụng, chương trình không cần thiết
Ngoài việc giới hạn ứng dụng khởi động và dọn dẹp ổ cứng, bạn cũng có thể gỡ cài đặt các ứng dụng không còn sử dụng hoặc bloatware được cài đặt sẵn bởi nhà sản xuất. Những chương trình này chiếm khá nhiều tài nguyên và làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của máy mỗi khi chúng chạy ngầm.
Bạn có thể sử dụng Control Panel hoặc ứng dụng Settings để gỡ bỏ những ứng dụng này. Sau khi gỡ cài đặt, hãy đảm bảo xóa mọi tệp hoặc mục đăng ký còn sót lại của phần mềm. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ của bên thứ ba như Bulk Crap Uninstaller để đảm bảo dọn dẹp triệt để. Đây là ứng dụng mã nguồn mở, không có quảng cáo và hoàn toàn miễn phí ở trên Windows.

Kích hoạt chế độ “Best Performance”
Theo mặc định, Windows sử dụng chế độ nguồn “Balanced”, nhằm cân bằng giữa hiệu suất và mức tiêu thụ điện năng. Cài đặt này rất phù hợp cho các tác vụ hàng ngày nhưng máy sẽ không đạt được mức hiệu năng cao khi chơi game hay sử dụng phần mềm đồ họa.
Để chuyển đổi, bạn chỉ mở Settings > System > Power & battery và nhấp vào menu bên cạnh Chế độ nguồn (Power mode). Tại đây, bạn cần chuyển từ tùy chọn “Balanced” sang “Best performance”. Mặc dù Best performance có thể làm tăng mức tiêu thụ điện năng, đặc biệt là trên máy tính xách tay, chế độ này có thể làm cho máy tính của bạn phản hồi nhanh hơn đáng kể.
Quét phần mềm độc hại
Dù bạn cẩn thận đến đâu, các phần mềm độc hại như virus, spyware và adware vẫn có thể len lỏi vào hệ thống Windows của bạn theo thời gian. Những chương trình độc hại này thường chạy ngầm, âm thầm chiếm dụng tài nguyên hệ thống và gây ra các vấn đề về hiệu suất mà bạn không thể nhận biết ngay lập tức.

Để đối phó với điều này, việc quét phần mềm độc hại thường xuyên bằng ứng dụng Windows Security hoặc phần mềm diệt virus uy tín của bên thứ ba là rất cần thiết. Hơn nữa, tốt nhất nên thiết lập lịch quét hàng tuần để phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn.
Cài đặt các bản cập nhật hệ thống và driver đang chờ xử lý
Các bản cập nhật, có thể là hệ điều hành hay driver, đều rất cần thiết để duy trì hiệu suất và bảo mật của máy tính. Bản cập nhật Windows thường bao gồm các bản vá quan trọng, các tính năng mới và bản sửa lỗi, giúp máy tính hoạt động tốt hơn. Tương tự, cập nhật driver cũng đảm bảo phần cứng trên máy, chẳng hạn như card đồ họa, âm thanh và mạng, hoạt động trơn tru với phần mềm mới nhất, tăng tốc độ và độ ổn định.
Việc thường xuyên cập nhật cả hệ thống và driver sẽ giúp máy tính của bạn hoạt động như mới, thậm chí còn tốt hơn nhờ các chức năng nâng cao và tối ưu hóa đi kèm với mỗi bản cập nhật.
Chống phân mảnh ổ cứng
Khi sử dụng máy tính, các tập tin được lưu trữ rải rác trên ổ cứng, gây ra hiện tượng phân mảnh dữ liệu. Điều này khiến ổ cứng phải làm việc nhiều hơn hơn để truy xuất dữ liệu từ nhiều vị trí khác nhau, dẫn đến máy tính hoạt động chậm chạp, đặc biệt là trên các ổ cứng HDD truyền thống.
Quá trình ghép mảnh (defragmentation) sẽ sắp xếp lại các tập tin bị phân mảnh thành các khối liền kề trên ổ cứng, giúp giảm thời gian truy xuất dữ liệu. Nhờ đó, hiệu năng máy tính được cải thiện, tốc độ tải ứng dụng và file nhanh hơn. May mắn thay, Windows cung cấp sẵn tiện ích “Optimize Drives” để thực hiện việc ghép mảnh ổ cứng một cách dễ dàng.
Cài đặt lại Windows
Dù bạn đã thử bao nhiêu mẹo tối ưu hóa phần mềm đi chăng nữa, chúng sẽ không hiệu quả bằng việc cài đặt lại Windows. Đây là cách chắc chắn để khởi tạo lại máy tính của bạn và giúp nó chạy như mới. Việc cài đặt sạch sẽ xóa mọi thứ, giải quyết các vấn đề và khôi phục tốc độ và độ ổn định ban đầu. Mặc dù cài đặt lại Windows đòi hỏi phải sao lưu tệp và cài đặt lại ứng dụng, nhưng lợi ích mang lại hoàn toàn xứng đáng với công sức và thời gian mà người dùng bỏ ra.
Nâng cấp RAM
Một bước cuối cùng nhưng rất quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất của máy tính là lắp thêm RAM. RAM càng nhiều, máy tính càng xử lý được nhiều dữ liệu một lúc. Nếu muốn thời gian tải nhanh hơn và trải nghiệm đa nhiệm mượt mà hơn, bạn có thể cân nhắc nâng cấp RAM lên ít nhất 16 GB. Tuy nhiên, trước khi nâng cấp, cần kiểm tra thông số kỹ thuật máy tính để xác định lượng RAM tối đa mà máy hỗ trợ. Hầu hết máy tính hiện nay đều cho phép nâng cấp RAM dễ dàng và quá trình này khá nhanh.
 
Bên trên