Ả Rập Saudi từng cấm vận dầu mỏ khiến Mỹ và phương Tây điêu đứng ra sao?

chanhhuy99

Well-known member
Trong thế kỷ 20, Mỹ và Ả Rập Saudi duy trì mối quan hệ gắn bó, trong đó Washington hưởng lợi lớn từ nguồn dầu mỏ giá rẻ. Nhưng căng thẳng xuất phát từ đồng minh của Mỹ là Israel đã khiến Ả Rập Saudi mạnh tay làm điều chưa từng có.
Sự kiện: Bí ẩn lịch sử thế giới, Tin tức Mỹ
Ả Rập Saudi từng cấm vận dầu mỏ khiến Mỹ và phương Tây điêu đứng ra sao? - 1

Thái tử Mohammed bin Salman từng sang Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào năm 2017.

Trong giai đoạn sau Thế chiến 2, Mỹ bắt đầu tăng cường nhập khẩu dầu giá rẻ từ Trung Đông. Giá dầu ở mức thấp là cơ sở cho "mùa hè dài" của sự thịnh vượng và phát triển của xã hội Mỹ.

Năm 1970, năng lực sản xuất dầu ở Mỹ đạt đến mức giới hạn và Washington tăng 52% lượng nhập khẩu dầu trong giai đoạn từ năm 1969 - 1972. Đến năm 1972, 83% dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Saudi.

Đây cũng là giai đoạn mà các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông có mối quan hệ căng thẳng với Israel - đồng minh chủ chốt của Mỹ.

Cuộc gặp định hình quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi

Ngày 14/2/1945, trong giai đoạn cuối của Thế chiến 2, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt đã có cuộc gặp lịch sử với quốc vương Ả Rập Saudi Abdulaziz - người sáng lập vương quốc.

Ả Rập Saudi từng cấm vận dầu mỏ khiến Mỹ và phương Tây điêu đứng ra sao? - 2

Quốc vương Ả Rập Saudi Abdulaziz (giữa) gặp Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ngày 14/2/1945.

Cuộc gặp diễn ra một cách bí mật trên tàu khu trục Mỹ ở kênh đào Suez, tạo nền móng cho mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi đến ngày nay và đảm bảo rằng Mỹ là quốc gia xếp hàng đầu trong việc tiếp cận nguồn dầu mỏ khổng lồ của quốc gia Trung Đông, theo History.

Lý do cuộc gặp diễn ra trong bí mật là vì Thế chiến 2 khi đó vẫn đang diễn ra và Mỹ từng cam kết với Thủ tướng Anh Winston Churchill rằng sẽ không cạnh tranh lợi ích với đồng minh ở Trung Đông, Scott Montgomery, chuyên gia đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Jackson tại Đại học Washington ở Mỹ, nói.

Vấn đề trọng tâm được ông Roosevelt nhắc đến trong cuộc gặp với quốc vương Ả Rập Saudi là dầu mỏ.

"Đến cuối những năm 1930, công ty dầu mỏ Mỹ đã phát hiện trữ lượng dầu khổng lồ ở phía đông Ả Rập Saudi", ông Montgomery nói. "Các đánh giá khi đó cho thấy trọng tâm sản xuất dầu trên thế giới sẽ tập trung ở Vịnh Ba Tư, trong đó Ả Rập Saudi đóng vai trò quan trọng".

Đối với Mỹ, nguy cơ thiếu dầu phục vụ chiến tranh là một trong những mối quan ngại lớn và chính quyền của Tổng thống Roosevelt hiểu rõ điều này.

“Bộ trưởng Nội vụ Harold Ickes nhận thấy dầu mỏ của Ả Rập Saudi và an ninh, sự ổn định xã hội của Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thậm chí còn đề xuất chính phủ liên bang thiết lập quyền kiểm soát trực tiếp đối với tất cả các nguồn dầu mỏ thuộc sở hữu của các công ty Mỹ ở Ả Rập Saudi", ông Montgomery nói.

Bên cạnh đó, có dấu hiệu cho thấy người Anh muốn tạo chỗ đứng ở Ả Rập Saudi để khai thác dầu và mục tiêu của ông Roosevelt là đảm bảo rằng Mỹ vẫn chi phối nguồn dầu mỏ khổng lồ từ quốc gia Trung Đông.

Cuộc gặp diễn ra 8 tuần trước khi ông Roosevelt qua đời, đã kết thúc một cách thành công tốt đẹp. Tổng thống Mỹ khi đó tặng quốc vương Ả Rập Saudi một chiếc xe lăn cùng loại mình sử dụng và một máy bay chở khách DC-3.

Đáp lại, quốc vương Abdulaziz tặng ông Roosevelt một con dao găm nạm kim cương, nước hoa, đồ trang sức bằng ngọc trai, thắt lưng dệt bằng chỉ vàng và đồ thêu, ông Montgomery nói.

Sau này, mỗi khi có bạn đến chơi, quốc vương Abdulaziz đều cho xem món quà của Tổng thống Mỹ. "Chiếc xe lăn này là vật sở hữu quý giá nhất của tôi. Đó là món quà của người bạn tốt và vĩ đại của tôi, Tổng thống Roosevelt".

Ả Rập Saudi cấm vận dầu mỏ Mỹ

Ả Rập Saudi từng cấm vận dầu mỏ khiến Mỹ và phương Tây điêu đứng ra sao? - 3

Năm 1973, Ai Cập và Syria được các quốc gia Ả Rập hậu thuẫn phát động cuộc chiến Yom Kippur nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị mất vào tay Israel.

Dầu mỏ của Ả Rập Saudi có liên quan mật thiết đến an ninh và sự ổn định xã hội của Mỹ. Nhưng dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon (1969 - 1974), Washington dường như đã quên mất điều này.

Ngày 6/10/1973, Ai Cập và Syria được các đồng minh Ả Rập, bao gồm Ả Rập Saudi hậu thuẫn, phát động cuộc chiến tranh Yom Kippur nhằm đòi lại các vùng lãnh thổ bị mất vào tay Israel trong cuộc chiến 6 ngày cách đó 7 năm.

Bị tấn công bất ngờ, quân đội Israel hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề. Ngày 18/10, chính phủ Israel gửi thư đề nghị Mỹ viện trợ quân sự 850 triệu USD để bù đắp.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon không chỉ đáp ứng đề nghị từ đồng minh, mà còn phê duyệt khoản viện trợ quân sự lên tới 2,2 tỷ USD.

Ông Nixon tiết lộ trong hồi ký rằng, các máy bay vận tải quân sự Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến bay mang vũ khí đến Israel hơn cả chiến dịch không vận Berlin năm 1948 - 1949.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học người Anh Robert Lacey vào năm 1981, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thừa nhận sai lầm. "Chúng tôi đã vận chuyển vũ khí cho Israel vượt quá mức cần thiết. Đây không phải là quyết định tốt nhất mà chúng tôi đã đưa ra khi đó", ông Kissinger nói.

Động thái khoa trương quá mức của Mỹ đã khiến quốc vương Ả Rập Saudi khi đó là Faisal tức giận. Chiều ngày 19/10/1973, quốc vương Faisal đang làm việc ở cung điện và nhận được tin Mỹ sẽ gửi số vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Israel thông qua chiến dịch không vận quy mô lớn, theo History.

Sau nhiều giờ thảo luận với hai cố vấn thận cận, Quốc vương Faisal gọi cho Bộ trưởng Dầu mỏ Ahmed Zaki Yamani vào lúc 8 giờ tối, nói rằng cần tới cung điện ngay lập tức.

Sau cuộc trao đổi ngắn, Bộ trưởng Yamani nói với nhà vua: "Bản tin thời sự sẽ được phát trên truyền hình lúc 9 giờ. Nếu ngài đưa ra quyết định bây giờ, chúng tôi có thể thông bao ngay lập tức".

Nhà vua yêu cầu ông Yamani viết mệnh lệnh ra giấy, rằng mình phê duyệt lệnh cấm vận dầu mỏ toàn diện đối với Mỹ và các đồng minh của Washington như Nhật Bản, Canada, Anh và một số nước khác. Các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu sau đó cũng áp đặt lệnh cấm vận tương tự, ngoại trừ Iraq và Libya.

Hệ quả cơn giận của Quốc vương Ả Rập Saudi

Lệnh cấm vận cũng bao gồm cắt giảm sản lượng khai thác. Đến tháng 12/1973, các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu đã cắt giảm 25% sản lượng khai thác so với mức của tháng 9.

Điều này đã góp phần gây ra suy thoái toàn cầu và gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu. Một số đồng minh đổ lỗi cho Mỹ vì đã "chọc giận" Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bên ngoài phạm vi nêu trong Hiệp định đình chiến năm 1949 để dỡ bỏ cấm vận.
 
Bên trên