Chí Tâm
Well-known member
Sau nhiều năm cạnh tranh, cuối cùng AMD cũng đã có giá trị vốn hóa vượt qua được đối thủ không đội trời chung của mình là Intel.
AMD có giá trị vốn hóa vượt qua Intel sau nhiều năm cạnh tranh
Có thể bạn chưa biết, những con chip AMD từ trước đến nay không chỉ xuất hiện trong những bộ máy tính hay console gaming thông thường, mà nó còn được trang bị cho xe hơi, tàu thăm dò, trạm phát sóng 5G, hàng không vũ trụ, y tế, và đặc biệt là siêu máy tính mạnh nhất thế giới Frontier. Mặc dù thị phần CPU của AMD không nhiều bằng Intel, thế nhưng đội đỏ lại lập kỷ lục trong năm 2023 khi vốn hóa thị trường của họ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua được Intel.
Theo các chuyên gia, AMD đang giành nhiều lợi thế hơn so với Intel về mọi mặt, và AMD sẽ tiếp tục tiến triển như vậy nếu Intel không kịp thời khắc phục những vấn đề trong khâu sản xuất chip của họ. Tất cả là nhờ sự thay đổi ngoạn mục của Tiến sĩ Lisa Su từ khi bà nắm giữ vị trí CEO của AMD vào năm 2014, cùng với đó là màn đánh cược vào 1 loại chip mới.
Bà Lisa Lu – CEO của AMD AMD tạo ra bước nhảy vọt thần kỳ với thiết kế chipset mới
Hẳn bạn đọc cũng đã nghe nói nhiều về dòng CPU Zen với thiết kế theo kiểu chiplet được AMD giới thiệu lần đầu vào năm 2017. Nó đã mang đến hiệu năng vô cùng vượt trội, giúp cổ phiếu của AMD tăng vọt. Cùng với đó, AMD còn có dòng CPU EPYC cũng với thiết kế chiplet nhằm mang đến những cải tiến vượt bậc trong mảng trung tâm dữ liệu.
Nếu nhìn vào mảng kinh doanh của AMD khoảng 5 năm về trước, khoảng 80-90% là dành cho thị trường người dùng phổ thông, tập trung chủ yếu vào PC và gaming. Khi nghĩ về chiến lược phát triển công ty, bà Lisa Su tin rằng HPC (high performance computing) – hay nói cách khác là mảng trung tâm dữ liệu – mới là mảnh ghép quan trong nhất.
Genoa là thế hệ chip EPYC mới nhất của AMD, vừa mới được ra mắt hồi tháng 11/2022. Các khách hàng của AMD trong mảng trung tâm dữ liệu bao gồm những “tay to mặt bự” như Amazon AWS, Google Cloud, Oracle, IBM, Microsoft Azure. Thế nên có thể thấy vị thế của AMD trong mảng này là rất vững chắc.
Biết lắng nghe và sẵn sàng tạo ra những mẫu chip riêng biệt cho từng khách hàng
Quay trở lại vào đầu năm 2022, AMD đã mua lại công ty startup Pensando chuyên tối ưu trung tâm dữ liệu với giá là 1,9 tỷ USD. Mục đích của quyết định này là để tạo lập mảng doanh nghiệp riêng chuyên giúp khách hàng thiết kế con chip của riêng họ. Lý do là vì ngày càng có nhiều công ty lớn thiết kế những con chip chuyên biệt để phù hợp với những nhu cầu của họ. Ví dụ, Amazon có vi xử lý Graviton để trang bị cho AWS, Google thì thiết kế chip AI của riêng mình để trang bị cho điện thoại Pixel và 1 con chip khác cho YouTube.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, ai ai cũng cần thêm chip, nhất là khi xu hướng đang là đám mây (cloud). Điều đó đồng nghĩa với việc là khi sản lượng chip tăng thêm, chúng ta sẽ muốn tùy biến những con chip đó. Trước mắt, AMD vẫn sẽ tiếp tục phát triển vi xử lý x86, đồng thời mở rộng dải sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang ngày càng khắt khe hơn trong tương lai.