Ăn gan lợn có tốt không?

Ngọc Vàng

Well-known member
Gan lợn là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều đạm, sắt, vitamin nhóm B, vitamin A, ... Vậy ăn gan lợn có tốt không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau đây.
1. Giá trị dinh dưỡng của gan lợn

Gan lợn là một thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong thành phần gan lợn có nhiều protein, sắt, các vitamin nhóm B, D, A, acid folic, nicotinic,... Theo các nghiên cứu, hàm lượng vitamin A trong gan lợn cao gấp nhiều lần trong thịt, cá, trứng, sữa, ... Chính vì vậy, gan lợn có tác dụng tốt với mắt như làm sáng mắt, chữa mỏi mắt, khô mắt và giúp duy trì sự sinh trưởng tốt nhất của mắt. Với trẻ em, gan lợn giúp tăng cường sức đề kháng, tốc độ tăng trưởng và phát triển.
Thêm vào đó, gan lợn có chứa các loại men tiêu hóa, men thải độc, ... nên có tác dụng tốt với người thiếu máu, mù màu, còi xương, ... Hàm lượng vitamin C và selen cao trong gan lợn giúp cơ thể chống lại quá trình oxy hóa. Lượng collagen dồi dào trong gan lợn có thể làm chậm quá trình lão hóa của làn da, đem lại sự mịn màng, săn chắc cho da. Ngoài ra, gan lợn là thực phẩm bổ sung sắt tốt cho người thiếu máu, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, suy nhược, ...
2. Ăn gan lợn có tốt không?

Mặc dù có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe, nhưng gan lợn có thể là nơi tập trung các chất cặn bã gây hại cho sức khỏe. Vì vậy không ít người thắc mắc rằng ăn gan lợn có tốt không?
  • Gan là nơi chuyển hóa các chất độc hại của cơ thể nên khi bị bệnh sẽ chứa nhiều chất độc và mầm bệnh. Nếu không được xử lý và chế biến đúng cách để loại bỏ chất độc thì loại thực phẩm này sẽ gây hại cho người sử dụng.
  • Gan lợn chứa hàm lượng cholesterol cao, những người mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp ăn nhiều gan lợn sẽ có hại.
  • Nhiều nhà chăn nuôi không tuân thủ quy trình an toàn, sử dụng thức ăn cho lợn có nhiều tồn dư chất độc hại, kim loại nặng, ... và làm ảnh hưởng đến chất lượng gan lợn.
  • Ăn nhiều gan lợn có tốt không còn phụ thuộc vào số lượng và tần suất sử dụng, khả năng đào thải độc tốt của cơ thể. Với trẻ em, ăn 2 bữa gan lợn / tuần có thể tăng cường bổ sung vitamin A, giúp thải độc, tăng chiều cao, chống thiếu máu, ... Với người lớn, ăn 1 bữa gan lợn / tuần có tác dụng tốt với sức khỏe.


3. Những ai không nên ăn gan lợn?


Với người trưởng thành khỏe mạnh, sử dụng gan lợn với số lượng và tần suất hợp lý có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định, ví dụ như làm sáng mắt, chống khô mắt, tốt cho làn da, ... Tuy nhiên, với người có bệnh lý (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,...) thì ăn gan lợn có tốt không và người mắc bệnh lý nào thì nên tránh ăn gan lợn?
Theo các nhà chăm sóc sức khỏe, những đối tượng dưới đây không nên ăn gan lợn:
  • Phụ nữ mang thai: Gan lợn rất giàu vitamin A và có thể gây hại đến thai nhi như gây quái thai, dị tật thai nhi, ... Vì vậy, phụ nữ mang thai nên tránh ăn gan và các sản phẩm từ gan, tốt nhất chỉ nên ăn 1 – 2 lần / tháng.
  • Người có mỡ máu cao: Theo các nghiên cứu, trong 100g gan lợn có chứa 21,3g protein, 25mg sắt, hàm lượng cao vitamin A, ... Hàm lượng protein và chất béo cao trong loại thực phẩm này khiến cho người có mỡ máu cao nếu ăn phải sẽ làm tăng nồng độ mỡ máu, khiến bệnh diễn biến nặng hơn.
  • Người bị tăng huyết áp: Bệnh này thường do hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao và cần phải có chế độ ăn uống lạnh mạnh, hạn chế đạm và chất béo. Vậy những người bị tăng huyết áp ăn nhiều gan lợn có tốt không? Người tăng huyết áp nên kiêng ăn nội tạng động vật, trong đó có gan lợn, chất béo và đường để duy trì huyết áp ổn định, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
  • Người có bệnh lý ở gan: Tế bào gan có nhiệm vụ chuyển hóa chất độc và chất dinh dưỡng trong thức ăn. Gan lợn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất béo, vì vậy sẽ tăng gánh nặng cho gan, tế bào gan sẽ phải vất vả hơn để chuyển hóa các chất. Điều này sẽ không tốt cho tế bào gan đang không khỏe.
  • Người có bệnh gout: Bệnh gout đặc trưng bởi sự rối loạn chuyển hóa protein dẫn đến tăng lượng acid uric trong máu. Hay nói cách khác, bệnh gout do sự dư thừa đạm gây nên. Vì vậy, người bệnh gout không nên ăn thực phẩm có chứa gốc purin như phủ tạng động vật (100g gan lợn có chứa 300mg purin).
4. Những lưu ý khi ăn gan lợn

Nhiều người cho rằng ăn gan lợn là nạp thêm chất độc vào cơ thể vì gan là cơ quan thải độc nên sẽ chứa nhiều chất độc hại. Trên thực tế, độc tố đi qua gan lợn sẽ được chuyển hóa và đào thải ra ngoài qua phân, nước tiểu. Ăn gan lợn có tốt không còn phụ thuộc vào cách lựa chọn, chế biến, số lượng và đối tượng sử dụng. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng gan lợn:
  • Chọn mua những lá gan lợn khỏe mạnh, có màu tươi sáng, mềm mượt, đàn hồi. Không lựa chọn những lá gan có màu bất thường (tím sẫm, vàng, có đốm trắng, ...), bề mặt có nốt sần, có mùi hôi, nhẽo, chảy nước khi ấn vào.
  • Chế biến gan lợn: Nên ngâm gan lợn trong nước muối 10 – 30 phút và rửa sạch kỹ trước khi chế biến. Bóp hết lượng máu đọng trong miếng gan vì chúng có thể chứa độc tố mà gan chưa kịp đào thải. Sau đó, bóc lớp màng trên bề mặt gan lợn. Nấu chín gan lợn để loại bỏ các mầm bệnh có thể có như ký sinh trùng, virus gây bệnh, ...
  • Không nên chế biến gan lợn với những loại rau củ giàu vitamin C (rau cần, cải xoăn, giá đỗ, ...) vì vitamin C không ổn định trong dung dịch trung tính và tính kiềm. Đặc biệt khi có mặt các vi chất như đồng, sắt thì vitamin C càng dễ bị oxy hóa. Vì vậy, khi nấu chung gan lợn và các loại rau củ này sẽ làm mất hết giá trị dinh dưỡng của rau củ.
Gan lợn là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được sử dụng đúng cách, đúng mục đích sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu sử dụng gan lợn sai cách, sai đối tượng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm bệnh nặng hơn.
 
Bên trên