Ăn mặc' - lịch sử vải vóc và trang phục

Quang Minh

Well-known member
Tác giả Sofi Thanhauser giới thiệu lịch sử của trang phục và vải vóc thông qua năm loại chất liệu, trong sách "Ăn mặc".

Tác phẩm gồm năm chương, mỗi chương trình bày một chất liệu may mặc, gồm vải lanh, vải bông, tơ lụa, sợi tổng hợp và len. Sau nhiều năm nghiên cứu khắp thế giới, tác giả sử dụng ghi chép, tư liệu để hoàn thành quyển sách. Sofi Thanhauser đưa người đọc từ xưởng may của Louis Quatorze (Pháp) đến các nhà máy ở Tân Cương (Trung Quốc) thời nay.

Bìa Ăn mặc. Sách 428 trang, phát hành đầu tháng 4. Ảnh: Phanbook

Bìa "Ăn mặc". Sách 428 trang, phát hành đầu tháng 4. Ảnh: Phanbook

500 năm trước, con người sử dụng thực vật lẫn động vật để làm vải. Bông và vải lanh có nguồn gốc từ thực vật, len và lụa có nguồn gốc từ cừu và tằm. Thuốc nhuộm để nhuộm quần áo được chiết xuất từ địa y, vỏ sò, vỏ cây, chàm, nghệ tây, rễ cây, bọ cánh cứng. Trong đó, cấu trúc và hoa văn thể hiện đặc trưng riêng của người dân từng khu vực. Họa tiết trên vải còn là biểu tượng cho lời cầu nguyện, ký hiệu riêng của gia tộc.

Khoảng thế kỷ 19, người dân tự thiết kế quần áo ở nhà hoặc đặt may. Trang phục được làm riêng để vừa vặn cơ thể người mặc, trong khi lụa và vải len cashmere được coi là chất liệu sang trọng, được nhiều người săn đón. Tuy nhiên, ngày nay, chất lượng của đồ may đo không được đánh giá cao bằng tên tuổi các thương hiệu. Nhãn hiệu trên quần áo trở thành yếu tố thu hút người mua chứ không phải chất lượng vải và tay nghề.


Thanhauser không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các chất liệu mà còn mượn chiều dài lịch sử nhằm đưa người đọc đến với hệ thống sản xuất và lưu thông của ngành may mặc. Theo tác giả, bên cạnh việc áp dụng công nghệ mới, các công ty dệt may trên thế giới có xu hướng tìm hiểu các phương pháp truyền thống để sản xuất sản phẩm, thúc đẩy doanh thu.

Mối quan hệ giữa người lao động, giới tư bản, tài phiệt trong ngành thời trang cũng được tác giả đào sâu. Những người lao động bị trả lương thấp và bị bóc lột thường xuyên. Quá trình công nghiệp hóa làm suy yếu ngành nghề thủ công truyền thống, trong khi các đế quốc thực dân bành trướng và khai thác triệt để thuộc địa của họ.

Việc giới tư bản theo đuổi lợi nhuận, bóc lột công nhân song hành sự đấu tranh của giới công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nạn phân biệt chủng tộc và đàn áp người dân bản địa cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp.

Tác giả còn đưa ra dẫn chứng cho thấy ảnh hưởng của ngành công nghiệp quần áo đến môi trường. Ví dụ, từ năm 2000 đến năm 2014, một người ở Mỹ mua quần áo nhiều hơn 60% mức cần thiết, trang phục chủ yếu được làm từ sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic. Sản xuất dệt may là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, tạo ra 1/10 tổng lượng khí thải carbon toàn cầu.

Sự kết hợp giữa việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài và mức lương sụt giảm mạnh đối với ngành bán lẻ dẫn đến mức độ nghèo đói cao ở Mỹ. Giờ làm việc của họ được điều chỉnh tùy theo năng suất làm việc để tối đa hóa lợi nhuận. "Công nhân bán lẻ không chỉ được trả lương thấp hơn mà còn bị giám sát chặt chẽ hơn", sách viết.

Tác giả Sofi Thanhauser. Ảnh: Pratt Institute

Tác giả Sofi Thanhauser. Ảnh: Pratt Institute

Tác phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, được tạp chí The New Yorker bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2022. Tạp chí Harper's Bazaar nhận xét: "Câu chuyện hậu trường hấp dẫn về những bộ quần áo. Cuốn sách phải đọc đối với những ai mua sắm trang phục ở khắp mọi nơi". Tờ Washington Post bình luận: "Quần áo mang đến những hiểu biết phong phú lẫn gây kinh ngạc về lịch sử loài người. Worn là cuộc tìm hiểu sâu sắc về nguồn gốc của trang phục, những gì con người đã mặc trong 500 năm qua".

Trên Goodread, một độc giả viết: "Sofi Thanhauser trình bày một cách toàn diện và xuất sắc về mối quan hệ của con người với vải vóc, trang phục. Khi ngày càng có nhiều cảnh báo về chi phí môi trường và các hành động bóc lột trong ngành sản xuất vải và may mặc, quyển sách này lại càng trở nên đáng đọc hơn bao giờ hết".

Sofi Thanhauser, 40 tuổi, là nghệ sĩ, nhạc sĩ người Mỹ. Cô tốt nghiệp Đại học Columbia (Mỹ) ngành lịch sử, lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật (MFA) lĩnh vực Viết sáng tạo và môi trường - tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Wyoming. Thanhauser là tác giả của nhiều bài báo, tiểu luận về chủ đề thời trang dưới góc độ lịch sử - xã hội, từng xuất bản trên The Guardian, Vox, Observer Magazine. Ngoài ra, cô làm diễn giả trong các show truyền hình, radio, podcast và được xem là chuyên gia mảng thời trang vintage.
 
Bên trên