toringuyen0509
Well-known member

Apple nói rằng Watch Series 9 là trung hòa carbon (carbon neutral) và đã thực hiện nhiều nỗ lực ấn tượng để giảm thiểu lượng carbon trong chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, việc sản xuất bất kỳ sản phẩm mới nào cũng đều để lại vết dấu nhất định đối với môi trường.
Như anh em cũng đã biết, "Mẹ thiên nhiên" đã chiếm sóng sự kiện Apple ra mắt iPhone 15. “Mẹ thiên nhiên” xuất hiện dưới nhân dạng của nữ diễn viên và nhà sản xuất Octavia Spencer, đóng vai một thẩm vấn viên giễu cợt hỏi Tim Cook về những lời hứa bảo vệ môi trường của Apple. Tim Cook đã thuyết phục bà ấy bằng Apple Watch Series 9, sản phẩm đầu tiên của công ty được cho là hoàn toàn "trung hòa carbon".

Cụm từ "trung hòa carbon" có nghĩa là không phát thải thêm carbon. Mác “trung hòa carbon” sẽ được dán trên một số mẫu Apple Watch Series 9 với vỏ và dây đeo của một số mẫu. Chúng sẽ đi kèm với hộp được trang trí bằng một vòng lá xanh. Anh em nào vừa quan tâm đến công nghệ và vấn đề về môi trường từ đây có thể an tâm vì có thể tận hưởng những lợi ích mà công nghệ mang lại và vừa có thể bảo vệ môi trường. Apple cho biết họ có ý định sử dụng Apple Watch làm nền tảng để biến toàn bộ dòng sản phẩm của mình trở thành trung hòa carbon vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận đó hơi khó hiểu bởi vì càng sản xuất nhiều thứ thì tác động càng lớn. Không có thứ nào được gọi là sản phẩm trung hòa carbon, điều này khiến người tiêu dùng nghĩ rằng có những cách giải quyết cho những vấn đề liên quan đến môi trường mà không cần tiêu dùng ít hơn. Trừ khi chiếc Apple Watch mới được thiết kế để hút trực tiếp CO2 từ khí quyển, nó không thực sự trung hòa carbon.

Apple dường như đã thực hiện nhiều bước đi đúng trên con đường hướng tới tuyên bố trung hòa carbon của mình. Công ty đang thực hiện một cuộc tái cấu trúc chuỗi cung ứng của Apple Watch, giảm thiểu việc sử dụng máy bay để vận chuyển vật liệu thay vào đó là tàu thuyền và tàu hỏa tiết kiệm nhiên liệu hơn, và sử dụng vật liệu tái chế cho vỏ và pin.
Có lẽ điều ấn tượng nhất là Apple yêu cầu các nhà cung cấp của mình chỉ sử dụng năng lượng tái tạo cho công việc liên quan đến Apple và đầu tư cùng với các nhà cung cấp đó vào các nguồn năng lượng sạch mới. Apple cũng cho biết họ đã tính toán lượng điện sử dụng trong suốt vòng đời của một chiếc Apple Watch từ việc người dùng sạc thiết bị và sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng của riêng mình để bù đắp vào lượng điện đã được sử dụng bởi Apple Watch và các thiết bị khác trong tương lai. Điều mà Apple xứng đáng nhận được lời khen đó là hầu hết các công ty không nỗ lực như cách mà Apple đang làm để “làm sạch” chuỗi cung ứng của họ.
Những nỗ lực về chuỗi cung ứng của Apple, mặc dù rất đáng khen ngợi so với các công ty khác, nhưng cũng cho thấy giới hạn của việc các công ty có thể làm được gì để trở thành trung hòa carbon. Rốt cuộc, tàu thuyền vẫn đốt nhiên liệu. Vật liệu tái chế không thể đáp ứng tất cả mọi thứ. Càng [sản xuất] nhiều thứ thì càng có nhiều tác động đến môi trường. Vì vậy, phần còn lại đến từ tín dụng carbon (carbon credit), được tạo ra từ các khoản đầu tư vào các dự án bảo tồn và phục hồi thiên nhiên nhằm loại bỏ CO2 để nó không làm nóng Trái Đất.

Các tổ chức như Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA), cơ quan quản lý quảng cáo của Vương quốc Anh, đã cảnh báo các công ty cần hết sức thận trọng khi sử dụng tín dụng carbon để hỗ trợ cho các tuyên bố "trung tính carbon". Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy người tiêu dùng thực sự hiểu cụm từ này theo nghĩa đen - "giảm tuyệt đối lượng khí thải carbon" - và sau đó cảm thấy bị lừa dối khi biết rằng nó liên quan đến việc tạo ra lượng khí thải mới và được nói rằng một số lượng khí thải nhất định không được tính vì có tín dụng carbon.
Một phần của vấn đề là sự khó khăn trong việc liên kết tín dụng carbon - một công cụ tài chính trừu tượng - với bất kỳ sản phẩm cụ thể nào trong dòng sản phẩm của Apple hoặc nền kinh tế toàn cầu. Chiếc đồng hồ của Apple không có vai trò nào trong việc tạo ra những tín dụng này, vốn chỉ được kết hợp với nhau bởi một vài thủ thuật trong tính toán.
Các tín dụng không đề cập đến các thiết bị hút carbon (mặc dù Apple cũng đang đầu tư vào các thiết bị đó trong nỗ lực phát triển bền vững rộng lớn hơn của mình, ở quy mô nhỏ hơn) mà thay vào đó là các khoản bù đắp "dựa trên thiên nhiên". Công ty cho biết họ đã lựa chọn các dự án "chất lượng cao", một thuật ngữ mà không có cơ quan trọng tài chính thức nào ngoài các công ty tư nhân và tổ chức phi chính phủ tham gia vào quá trình mua bán tín dụng carbon.