Ba em bé nhiễm khuẩn uốn ván do được cắt rốn sau sinh tại nhà

Chu Vũ Minh Anh

Well-known member
BÌNH PHƯỚCBa em bé bị cứng hàm, không há miệng bú được sau vài ngày chào đời tại nhà được cắt rốn bằng kéo và dao lam, bác sĩ xác định mắc uốn ván.

Ngày 21/8, đại diện Sở Y tế Bình Phước cho biết cả ba trường hợp đều sinh tại nhà, gia đình tự cắt rốn bé và buộc bằng chỉ khâu không sát khuẩn. Ba người mẹ cũng không khám thai định kỳ và chưa tiêm vaccine phòng uốn ván. Các bé lần lượt được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị, trong đó hai bé đã xuất viện.

Theo điều tra dịch tễ, hai trường hợp là người dân tộc H'Mông, từ Nghệ An vào làm thuê tại huyện Đồng Phú. Trong đó, bé gái sinh ngày 27/6, bỏ bú, quấy khóc, cứng hàm sau sinh 6 ngày. Bé trai sinh ngày 3/7, bỏ bú, quấy khóc, cứng hàm, không há miệng để bú được, co giật sau sinh 8 ngày. Em bé còn lại là trai, người dân tộc S'tiêng ngụ tại huyện Bù Đốp, sinh ngày 3/8, khởi phát bệnh sau sinh ba ngày.

Đây là ba trường hợp đầu tiên tại tỉnh được ghi nhận mắc uốn ván, sau nhiều năm không xuất hiện bệnh này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước yêu cầu hai huyện trên triển khai tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ trên địa bàn có ca uốn ván sơ sinh. CDC khuyến cáo thai phụ cần đến bệnh viện khám và sinh nở, đảm bảo an toàn, bởi sinh đẻ tại nhà mang nhiều nguy cơ và tai biến không thể lường trước, đe dọa trực tiếp tới tính mạng mẹ con.


Việt Nam đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005 nhờ triển khai tiêm chủng trong nhiều năm. Thỉnh thoảng, các địa phương ghi nhận các ca uốn ván sơ sinh ở vùng sâu vùng xa do sinh tại nhà, tự cắt rốn.

Bệnh uốn ván rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đòi hỏi phải chẩn đoán kịp thời và điều trị ở những khoa săn sóc đặc biệt. Trẻ rất dễ bệnh khi vết trầy xước hoặc vết thương tiếp xúc với trực khuẩn uốn ván. Ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt dây rốn, nhất là cắt rốn bằng dụng cụ không được vệ sinh tiệt trùng đúng cách.

Độc tố của vi khuẩn uốn ván vào máu và đi tới tổ chức thần kinh trung ương, gây co cứng và co giật. 95% trẻ mắc uốn ván sơ sinh sẽ tử vong khi không được điều trị kịp thời. Một số trường hợp điều trị khỏi vẫn bị di chứng nặng nề như động kinh, kém phát triển tinh thần, trí tuệ, vận động.

Cách hiệu quả nhất để phòng uốn ván ở trẻ sơ sinh là tiêm vaccine uốn ván đầy đủ cho phụ nữ trước và đang mang thai. Miễn dịch của mẹ sẽ truyền cho con trong thai kỳ. Trẻ sơ sinh, ở thời điểm 2-3-4 tháng tuổi, tiêm vaccine 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Hib, sau đó tiêm nhắc vaccine phòng bệnh uốn ván lúc 18 tháng tuổi.

Vaccine uốn ván không có tác dụng duy trì miễn dịch bền vững cả đời, cần tiêm nhắc lại sau 10 năm để duy trì nồng độ kháng thể. Trường hợp có vết thương hở và chưa được tiêm nhắc lại trong vòng 5 năm trước đó, cần tiêm bổ sung để tránh mắc bệnh.
 
Bên trên