Bác sỹ kể chuyện làm việc trong trung tâm cai nghiện game ở Anh Quốc

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
Bác sỹ kể chuyện làm việc trong trung tâm cai nghiện game ở Anh Quốc


Năm 2019, WHO chính thức coi rối loạn nghiện game là một tình trạng bệnh lý tâm thần, và người nghiện game, giống như nghiện những chất kích thích hoặc cờ bạc, cũng cần được chữa trị như mọi dạng rối loạn tâm thần khác.


Chính thức: WHO công nhận nghiện game là bệnh tâm thần
194 thành viên trong Đại hội đồng y tế thế giới đã chính thức quyết định đưa nghiện game vào danh sách bệnh. Trong danh sách bệnh và các vấn đề sức khoẻ của WHO (ICD-11), bệnh nghiện chơi game được đặt tên là "Gaming disorder”…
tinhte.vn


Bài viết mới được đăng tải trên tờ The Guardian là của giáo sư Henrietta Bowden-Jones, giám đốc trung tâm chữa trị rối loạn nghiện game của Anh Quốc. Trong bài viết này, bà Bowden-Jones đã chia sẻ những điều bà không hề ngờ tới trong nỗ lực giải quyết tình trạng bệnh lý tâm thần đang bùng nổ, không chỉ ở giới trẻ mà những người lớn tuổi cũng gặp phải:

Trung tâm cai nghiện game là một phần của kế hoạch dài hạn của NHS từ năm 2019, bên cạnh những trung tâm điều trị chứng nghiện cờ bạc. Thời điểm NHS chưa coi nghiện game là một tình trạng bệnh lý tâm thần cần điều trị, tôi, ở cương vị giám đốc trung tâm điều trị chứng nghiện cờ bạc, đã nhận được không ít những lời cầu cứu từ các bậc phụ huynh cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Khi ấy càng lúc tôi càng có cảm giác giới trẻ đang có xu hướng đổ tiền vào những sản phẩm giải trí tương tác theo cách không thể kiềm chế, có thể gây hại cho cuộc sống, và cần tới sự trợ giúp của chúng tôi.

Hiện tai, chúng tôi đã vận hành trung tâm cai nghiện game được 3 năm, và đang có 800 trường hợp muốn tham gia, nhưng khả năng vận hành của trung tâm chỉ là 50 trường hợp mỗi năm, nhờ vào nguồn vốn của NHS, dịch vụ y tế công của chính phủ Anh Quốc.



Phải thừa nhận, sự tuyệt vọng của các gia đình đang cố giải quyết những rắc rối phát sinh từ việc con em họ quá phụ thuộc vào game là vô cùng khủng khiếp. Tôi hoàn toàn không lường trước được những gì chúng tôi phải đối mặt, từ bạo lực trong gia đình cho tới việc từ chối tới trường học tập.


[IMG]


Triệu chứng của những hậu quả từ việc nghiện game thường bắt đầu với những thay đổi trong tình trạng sống của bệnh nhân. Đó có thể là hệ quả của việc chuyển trường, kéo theo việc phải rời xa những người bạn lâu năm. Đó cũng có thể là hệ quả của việc gia đình gặp rắc rối, khiến trẻ xa rời cha mẹ phụ huynh, hoặc trẻ bị bắt nạt, khiến chúng đi tìm sự thoải mái an toàn ở nơi khác, dễ tìm thấy nhất là trong game và mạng xã hội.

Hầu hết bệnh nhân nghiện game của chúng tôi là nam giới lứa tuổi 16 đến 17. Thậm chí một vài trong số họ từng đạt được rất nhiều thành tích ở trường lớp hoặc trong những môn thể thao. Nhưng rồi sự thay đổi xảy ra, và họ tìm tới game, từ đó chấm dứt khoảng thời gian phấn đấu và thành công trong cuộc sống thực.

Dần dần, cuộc sống ảo của những bạn trẻ trở thành một thứ hỗ trợ các bạn về mặt cảm xúc và tâm lý, khiến cuộc sống thật phần nào dễ chịu hơn. Việc các bạn tạo ra rào cản với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình đôi khi tạo ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, có người thậm chí còn bỏ ăn chung với cả gia đình, không cùng nhau làm những việc trước đó cả gia đình cùng vui vẻ quây quần thực hiện với nhau nữa.

Vòng lặp ấy thường tạo ra tình trạng tự cách ly bản thân, cãi nhau ở nhà, dần dần tạo ra những cung bậc cảm xúc tiêu cực, thường là giận dữ, vì cách đầu tiên để cha mẹ cải thiện tình trạng nghiện game của con cái luôn là giới hạn, hoặc cấm con em mình sử dụng thiết bị công nghệ để chơi game.

Tôi đã gặp những bậc phụ huynh có con bỏ nhà đi giữa đêm khuya, sang ngồi trước cửa nhà hàng xóm để có WiFi chơi game, khi cha mẹ họ ngắt đường truyền internet.

Tôi đã gặp những đứa trẻ tuyên bố thà chết còn hơn phải nghỉ game, sẵn sàng nói vậy với cha mẹ. Những món đồ trong nhà bị đập phá vì không tiết chế được cảm xúc. Và trong rất nhiều trường hợp, có người bị thương.


Tinhte-Game2.jpg


Tất cả những câu chuyện ấy thực sự khiến mọi người xót lòng, nhất là khi biết độ tuổi của những bệnh nhân gặp rối loạn nghiện game. Một khía cạnh đầy bất ngờ là những nỗ lực của các bậc phụ huynh, của giáo viên, chủ nhiệm và những tình nguyện viên, cố gắng thuyết phục các bạn nhỏ quay trở lại với cuộc sống thật, để trở lại trường học, để kết nối lại với bạn bè người thân.

Thứ khó khăn nhất đối với chúng tôi là nhận ra sự khó khăn của các gia đình, của các bậc làm cha làm mẹ khi họ cần tới sự giúp đỡ của dịch vụ y tế công, để tìm kiếm sự giúp đỡ cho con em mình. Những đứa trẻ nghiện game thường xuyên sống trong tình trạng tụt cảm xúc, rối loạn lo âu, thậm chí có lúc còn nghĩ tới việc tự hại, tự sát.

Thời điểm tôi thành lập trung tâm, tôi đã lầm tưởng tất cả các bạn nhỏ đều chỉ tập trung chơi một số lượng game nhất định. Nhưng tính ra, các trường hợp được điều trị rối loạn nghiện game thưởng thức đâu đó khoảng 60 trò chơi khác nhua. Không phải ai cũng đổ tiền vào trò chơi điện tử. Nhiều người chỉ đơn thuần là nghiện chơi, coi việc bỏ tiền để đốt cháy giai đoạn là thứ xúc phạm kỹ năng của bản thân.

Nhóm những bệnh nhân nghiện game thường có hai chỉ số rất cao, đó là tính cạnh tranh và kỹ năng.

Gần như chưa có một ai mắc cùng lúc cả rối loạn nghiện game và nghiện cờ bạc cùng một lúc. Có một khác biệt cơ bản trong cách nhìn nhận giá trị phần thưởng tiền bạc giữa những bệnh nhân nghiện cờ bạc và nghiện game. Khác biệt này có thể đến từ chênh lệch độ tuổi, và chỉ có những nghiên cứu dài hạn trên tần số mẫu lớn mới cho chúng tôi biết rõ trong vòng 10 năm tới, những người được điều trị rối loạn nghiện game sẽ trở nên khác biệt ra sao.



Liệu trong số những người từng nghiện game, liệu sẽ có bao nhiêu người chuyển qua nghiện cờ bạc? Chúng tôi mới chỉ hiểu một thực tế thông qua nghiên cứu, rằng tỷ lệ có thể cao hơn so với bình thường, vì những điểm yếu trong sinh học thần kinh của người nghiện game dễ bị tác động hơn bởi nhưng quảng cáo cờ bạc.


Tinhte-Game1.jpg


Đáng lo hơn, trung tâm điều trị rối loạn nghiện game giờ không chỉ là nơi chữa trị cho các bạn nhỏ tuổi teen. Đã có những người ở lứa tuổi 20, 30 hoặc thậm chí già hơn đã phải tìm sự trợ giúp của chúng tôi. Tỷ lệ nữ giới nghiện game cũng đang tăng. Chúng tôi từng có một bệnh nhân ngoài 70 tuổi tới điều trị.

Đối với lứa tuổi trưởng thành, nghiện game có thể khiến những mối quan hệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mất việc, cũng như nợ nần nếu trong việc chơi game có cả nạp tiền.

Khoảng ⅓ tổng số bệnh nhân nghiện game mà chúng tôi điều trị có đổ tiền mua loot box. Đối với trẻ em, muốn có tiền nạp game thì phải xin cha mẹ, hoặc lấy quà tặng trong những dịp như giáng sinh và sinh nhật. Suy cho cùng, tiền bạc là nguyên nhân dẫn tới vài trường hợp bạo lực gia đình chúng tôi ghi nhận được. Khi không có tiền, thì ăn trộm là cách thường được lựa chọn, ví dụ như lấy thẻ tín dụng của cha mẹ để nạp game.

Bài học quan trọng nhất chúng tôi học được là các bậc phụ huynh cần can thiệp sớm, và nếu cần, là tìm sự trợ giúp y tế sớm, trước khi trẻ em bắt đầu có những biểu hiện tự cách ly bản thân, từ chối đến trường…

Và để kết thúc, xin được nhắc lại, rối loạn nghiện game là một dạng bệnh lý rối loạn tâm thần, có thể được điều trị nhờ liệu pháp hành vi nhận thức.
 
Bên trên