Bánh canh cua giá 200.000 đồng ở Hà Nội

Quang Minh

Well-known member
Bánh canh cua giá cao hơn mặt bằng chung nhưng Bếp Cô Ba vẫn có lượng khách ổn định nhờ đảm bảo nguyên liệu tươi, sạch.
27

Nhà hàng Bếp Cô Ba ở quận Hai Bà Trưng mở từ năm 2018, phục vụ thực đơn theo ngày, xoay quanh các món như bún bò Huế, bún mắm, bún Thái hải sản. Thứ bảy và chủ nhật, quán phục vụ món bánh canh cua với giá 90.000 đồng hoặc 200.000 đồng.
Tại Hà Nội, các hàng bánh canh cua bán với mức giá này không nhiều, chủ yếu bán bánh canh ghẹ, giá khoảng 80.000 đồng một tô.
Chị Trần Bích Ngọc, chủ quán, nói tự tin mức giá của quán không đắt so với chất lượng. Cua nhà hàng dùng là giống cua Năm Căn tuyển chọn từ Cà Mau nên đảm bảo được chất lượng. Quầy bếp mở, khách có thể thấy hết mọi công đoạn, nguyên liệu tươi mới ngay khi bước vào.

Một tô bánh canh gồm rau thơm, chả cua, tôm và thịt cua xé. Tô đặc biệt giá 200.000 đồng có thêm hai càng cua. Một số thực khách yêu cầu nhiều càng cua hơn, quán sẽ cân và tính giá theo khối lượng. Suất đắt nhất chị Ngọc từng bán có giá 500.000 đồng.
Cua Năm Căn trên thị trường có giá 350.000-550.000 đồng mỗi kg, cao điểm có thể lên trên 600.000 đồng. Loại cua này nổi tiếng vì thịt chắc, ngọt và khỏe nên có thể vận chuyển được xa. Đặc biệt, vào đúng mùa cua tháng 9, chất lượng thịt thường ngon hơn.

Bên cạnh thịt cua, tôm của quán cũng được chọn tỉ mỉ. Chủ quán tiết lộ chị nhập hàng một đổi một, chấp nhận giá đầu vào cao hơn, bù lại sàng lọc được nguyên liệu tốt. Ví dụ, với 5 kg tôm, quán chỉ loại bỏ vài con không đạt chất lượng, tỷ lệ hao hụt thấp.
"Điều quan trọng là đảm bảo chất lượng xứng với giá tiền", chị chia sẻ.
Khách đến quán chủ yếu ở độ tuổi trung niên, đi theo sự kiểm chứng từ người thân. Gần đây, mạng xã hội cũng đem đến lượng khách mới cho quán.


Nồi nước dùng sền sệt kèm chả cua nóng hổi. Nước dùng được ninh trước một đêm, sáng hôm sau mới bỏ chả cua vào. Nước dùng ở đây không ngọt kiểu miền Nam, vị thanh, phù hợp khẩu vị Hà Nội. Ngoài ra, độ sệt được điều chỉnh vừa đủ, không gây ngán.

Không gian quán nhỏ, có hai tầng ngồi ăn với khoảng hơn 50 chỗ. Lối vào hẹp, kéo dài nên khách đi lại thỉnh thoảng phải tránh nhau. Điểm cộng là vấn đề vệ sinh được chú ý.

Topping trong một bát bánh canh giá 200.000 đồng.
Chị Ngọc nói lượng bánh canh ít nhưng đủ no vì nguyên liệu khác đầy đủ. Nếu làm nhiều bánh canh, khách cảm thấy ngấy và không cảm nhận trọn vẹn hương vị món ăn.
Quán phục vụ bánh canh cua cuối tuần. Thông thường cua được nhập từ thứ ba rồi đem hấp, bóc và cấp đông do giữa tuần quán đổi thực đơn, nhiều món cần chuẩn bị. Phần chả cua được nhập từ Huế theo yêu cầu riêng của chủ quán.
Chị Ngọc nói không có công thức đặc biệt cho bát bánh canh cua ngon, đơn giản chỉ dùng đồ tươi rồi "hấp, bóc vỏ". Theo chị Ngọc, hải sản ăn hấp là ngon nhất vì giữ được trọn vẹn độ tươi, ngọt thịt.

Bà Vũ Thị Phương, sống ở Khâm Thiên, là khách quen của quán 6 năm và thuộc hết thực đơn trong tuần. Bà thích bánh canh cua và thường gọi suất 90.000 đồng, trong khi chồng bà chọn món phở lõi, nạm, gầu.
"Tôi có thể cảm nhận rõ tôm cua đều tươi ngon, tiền nào của đấy", bà nói.

Quán mở từ 7h, phục vụ trước một số món cố định như bánh mì, phở, bún riêu. Từ 9h30, khách có thể gọi các món theo ngày.
 
Bên trên