Bảo đảm mùa lễ hội an toàn, văn minh

tran hương

Well-known member
Chỉ còn ít ngày nữa, mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ chính thức bắt đầu. Năm nay, thành phố có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức; trong đó, nhiều lễ hội mang tính chất vùng miền, thu hút lượng lớn khách du lịch. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp các ngành, các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm một mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.
Thứ năm, ngày 25/01/2024 - 23:43

0:00/0:00
0:00
Nam miền Bắc
Lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa) tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ diễn ra từ mồng 5 Tết được coi là lễ hội lớn khởi đầu cho mùa lễ hội. Để chuẩn bị cho lễ hội này, từ cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, các địa phương liên quan. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Mai cho biết: “Quan điểm của quận Đống Đa là tổ chức lễ hội trang nghiêm, vui tươi phục vụ nhu cầu của nhân dân. Do đó, quận kiên quyết không tổ chức hàng quán trong khuôn viên lễ hội. Các lực lượng chức năng của quận tổ chức bãi đỗ xe miễn phí phục vụ nhân dân để mọi người yên tâm vui hội. Hiện nay, công tác chỉnh trang, chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất”.
Ngay sau lễ hội gò Đống Đa, mồng 6 tháng Giêng sẽ khai hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Lễ hội đền Sóc là Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Lễ hội có màn rước, dâng lễ vật lên đức Thánh Gióng rất quy mô, với các lễ vật như: Voi chiến, giò hoa tre, trầu cau…; đến nay, tám thôn làng đều chuẩn bị xong lễ vật. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết: “Năm nay, Ban tổ chức không bố trí bãi để xe trong khu vực bảo vệ 2 của di tích.
Toàn bộ khu vực đó là sân khấu với các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ. Lễ hội có hai lễ phẩm mang tính cầu may là giò hoa tre, trầu cau. Trước đây, hai lễ phẩm này dành cho người làng tham gia lễ hội, chúng tôi thường gọi là “tất lộc” khi phát cho mọi người. Tuy nhiên, ngày nay, lượng khách đến lễ hội rất đông, các phương tiện truyền thông thông tin chưa chính xác, khiến cho nhiều người hiểu là “cướp lộc”, dẫn đến những bất cập, lộn xộn, tranh giành lộc Thánh. Ban tổ chức đã họp bàn để triển khai phương án tất lộc hợp lý, hạn chế lộn xộn xảy ra”.
Ngoài hai lễ hội lớn nêu trên, Hà Nội còn nhiều lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân tham dự như: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng (Phù Đổng, huyện Gia Lâm), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)… Trong đó, lễ hội chùa Hương kéo dài tới ba tháng, mỗi mùa lễ hội thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái.
Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 có nhiều điểm mới. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch từ cuối năm 2023, yêu cầu việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân; bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch...

Đây cũng là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Hiện nay, tất cả các quận, huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội trên địa bàn. Những lễ hội lớn, Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp đứng ra chỉ đạo công tác tổ chức, phân công các tiểu ban phụ trách công việc.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân trong việc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh; đồng thời yêu cầu các địa phương chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường. Đối với những lễ hội có yếu tố sông nước (rước nước, chèo thuyền trên sông…) phải bảo đảm an toàn cho những người tham gia.
Để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương cần nỗ lực quán triệt, triển khai nghiêm túc Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động công tác thông tin để tuyên truyền cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của các tập tục trong lễ hội để cộng đồng hiểu đúng về giá trị lễ hội; đề nghị chính quyền các địa phương nâng cao trách nhiệm trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… Việc tổ chức lễ hội, nhất là phần nghi lễ phải đúng với truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa của từng địa phương. Những điều chỉnh, thay đổi trong công tác lễ hội đều phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh những sai sót, lệch lạc trong tổ chức lễ hội.
 
Bên trên