Binance liên tiếp gặp sóng gió tại châu Âu

Từ Minh Quân

Well-known member
Sau khi bị Mỹ kiện, Binance lại vấp phải rắc rối tại châu Âu khi bị Pháp điều tra, Đức chưa cấp giấy phép còn Bỉ, Hà Lan cấm hoạt động.

Sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance đã thành lập văn phòng ở Paris năm ngoái nhằm mở rộng hoạt động ở châu Âu. Tuy nhiên, mọi thứ không được như kỳ vọng.

Chỉ trong một tháng qua, các công tố viên của Pháp đã khám xét văn phòng của sàn để điều tra về hành vi rửa tiền. Binance còn bị cơ quan chức năng của Bỉ ra lệnh ngừng cung cấp dịch vụ tại quốc gia này vì sử dụng các công ty ngoài khu vực kinh tế châu Âu để vận hành. Sàn giao dịch cũng tuyên bố rời thị trường Hà Lan sau khi không đăng ký được giấy phép. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng chưa duyệt giấy phép hoạt động cho Binance.

Theo công ty nghiên cứu Kaiko, tỷ lệ giao dịch tiền điện tử bằng đồng euro của Binance đã giảm từ hơn 30% vào tháng 1 xuống còn 15% vào tháng 6. Các cơ quan quản lý khắp thế giới cũng đang thay đổi quan điểm về các công ty tiền mã hóa. Họ muốn giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các sàn giao dịch sau cú sập FTX.

Nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao tại một sự kiện tại Hy Lạp hôm 25/11/2022. Ảnh: Reuters

Nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao tại một sự kiện ở Hy Lạp hôm 25/11/2022. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh châu Âu ngày càng có nhiều quy định khắt khe, Binance buộc phải chuyển hướng sang châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Các quốc gia như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Argentina đang có lượng người dùng cao trên Binance. Trong khi đó, Pháp, Đức và Hà Lan nằm trong top 25, theo dữ liệu của công ty phân tích SimilarWeb hồi tháng 5. Trước đó, Binance cũng gặp rắc rối với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Bộ tư Pháp Mỹ.

WSJ dẫn lời phát ngôn viên của Binance rằng công ty đang tập trung đáp ứng các yêu cầu về luật mới của EU. Luật này sẽ chi phối hoạt động của họ trên 27 quốc gia, dự kiến có hiệu lực nào năm tới.

"Chúng tôi đang chủ động làm việc để tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng. Các công ty tiền mã hóa đang rất hào hứng với luật mới mang tên MiCA", đại diện sàn cho hay.

Trong khi đó, Trenton Kennedy, phát ngôn viên của Chainalysis, cho biết các quốc gia có thể sẽ ra luật cấm doanh nghiệp tiền điện tử nếu cảm thấy rủi ro với công dân của mình.

Binance vẫn là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới nhưng những rủi ro liên tục xuất hiện đã gây ra một số hậu quả nghiêm trọng. Dữ liệu từ CCData cho thấy thị phần của Binance trên toàn cầu đã giảm còn 42% trong tháng 6. Đây là tháng thứ tư liên tiếp thị phần của sàn sụt giảm, tính từ tháng 2 với 57% thị phần.

Binance được thành lập bởi tỷ phú Changpeng Zhao (CZ) năm 2017. Công ty đã có những bước phát triển đáng kinh ngạc trong giai đoạn cơ quan quản lý chưa siết chặt quy định luật pháp. Sau khi bị nhiều quốc gia cảnh báo, CZ khẳng định công ty sẽ tuân thủ quy định để có được giấy phép hoạt động hợp pháp.

Tháng 5/2022, Binance tuyên bố chọn Paris là nơi đặt trụ sở đầu tiên ở châu Âu. Công ty mất hơn một năm rưỡi để nhận được cái gật đầu của chính phủ Pháp. Khi đó, CZ nói với WSJ: "Việc có một quốc gia G-7 với cơ quan quản lý chặt chẽ như Pháp công nhận hoạt động của Binance là tín hiệu mạnh mẽ gửi đến các quốc gia khác".

Việc tăng cường giám sát của cơ quan chức năng tại Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khiến một số đối tác ngân hàng của Binance lo lắng. Tuần trước, Paysafe, chuyên hỗ trợ người dùng Binance chuyển tiền bằng đồng euro, thông báo dừng cung cấp dịch vụ. Đầu năm nay, ngân hàng này cũng tuyên bố dừng dịch vụ trao đổi bằng bảng Anh. Người phát ngôn của Binance nói sẽ tìm một nhà cung cấp mới để có thể khởi động lại dịch vụ cho người dùng.
 
Bên trên