Bình Dương 25 năm xây dựng và phát triển: Chất lượng Giáo dục và Đào tạo luôn được chú trọng

Liễu Văn Tấn

Well-known member
Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, thu hút được nguồn lao động từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng đông, dẫn đến tình trạng tăng cơ học số lượng học sinh hàng năm khá cao. Mỗi năm toàn tỉnh tăng thêm khoảng 32.000 học sinh các cấp học. Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng và môi trường giáo dục chất lượng, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Từ đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy được UBND tỉnh quan tâm thực hiện tốt với phương châm đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn đều được đến trường, có chỗ học thuận lợi. Hàng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là các chủ trương thông thoáng trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.





Quy mô trường lớp không ngừng được mở rộng

Nhờ vậy, quy mô trường lớp không ngừng được mở rộng với nhiều loại hình như trường công lập, bán công, dân lập, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Nếu như năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 41 trường mầm non, 169 trường phổ thông thì đến năm 2015 quy mô trường lớp đã được mở rộng với 288 trường mầm non, 253 trường phổ thông với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng 455 trường mầm non, tăng 2,4 lần so với năm 2010 và 266 trường phổ thông, tăng 33 trường so với năm 2010. Trường lớp được kiên cố hóa, đến nay, tỷ lệ trường công lập được lầu hóa đạt 79,6%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 08 trường đại học, 07 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 46 trung tâm và cơ sở dạy nghề, 50 trung tâm ngoại ngữ tin học với khả năng đào tạo khoảng 80.000 đến 85.000 học viên/năm, phục vụ nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.



Công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được Bình Dương thực hiện khá tốt

Một trong những điểm nhấn của ngành GDĐT tỉnh Bình Dương là công tác xã hội hóa giáo dục. Mạng lưới trường, lớp mầm non ngoài công lập phát triển đều khắp các địa phương, nhất là những vùng có nhiều khu công nghiệp như thành phố Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát, Tân Uyên... Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GDĐT, công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được các địa phương thực hiện khá tốt với tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập đạt 72,83%, trong đó chú trọng giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các khu, cụm công nghiệp. Qua đó đáp ứng nhu cầu gửi con của người lao động và góp phần giảm áp lực cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.

Vượt khó, nâng cao chất lượng giáo dục

Cùng với việc quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, hạ tầng, Bình Dương chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý và giáo viên các cấp học. Song song đó, tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao từ ngoài tỉnh về làm việc đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời đảm bảo chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với viên chức, người lao động. Hiện 100% cán bộ quản lý và 99,74% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó 70,01% đạt trên chuẩn.

Bằng nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các giải pháp, chất lượng GDĐT của tỉnh ngày càng được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ đạt được các chỉ tiêu cơ bản. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%, 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% hàng năm; 99,9% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 97,55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 78,5%. 100% trẻ từ lớp 1 trở lên được dạy tiếng Anh.



Chất lượng GDĐT ngày càng được nâng lên

Kết quả thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã phản ánh đúng chất lượng giảng dạy của tỉnh. Từ khi Bộ GDĐT có chủ trương đánh giá chất lượng thi tốt nghiệp THPT thông qua điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp và điểm bình quân của từng môn thi (từ năm 2018), tỉnh Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng tốt nghiệp. Cụ thể, năm 2018, tỉnh Bình Dương xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố, riêng điểm bình quân môn tiếng Anh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 xếp thứ 2 cả nước với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,48%. Đặc biệt, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021, Bình Dương đã có sự bứt phá với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,28% (riêng khối THPT đạt 99,95%), xếp hạng nhất cả nước.

Bình Dương còn khẳng định hiệu quả GDĐT qua chất lượng giáo dục mũi nhọn. Kết quả học sinh giỏi Quốc gia năm 2021 của tỉnh được nâng lên cả về chất lượng lẫn số lượng với 32 giải. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hùng Vương, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: "Nhiều năm qua, tỉnh đã đầu tư đồng bộ cho Giáo dục từ cơ sở vật chất đến đội ngũ; từ mầm non đến THPT, giáo dục đại học. Đặc biệt, tỉnh còn đầu tư cho trường chuyên, trường THPT chất lượng cao, trường THCS tạo nguồn góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh".



Năm 2021, Bình Dương có sự bứt phá với tỷ lệ tốt nghiệp xếp hạng nhất cả nước

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành GDĐT đã thích ứng an toàn, linh hoạt, triển khai hình thức dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Ngành Giáo dục đã thực hiện dạy học trực tuyến ở tất cả các cấp học, xây dựng kho học liệu, thiết kế bài giảng phục vụ dạy học trực tuyến.

Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ về học phí, trang thiết bị học trực tuyến được thực hiện kịp thời góp phần chia sẻ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tại các cơ sở giáo dục công lập và định hướng các cơ sở ngoài công lập không tăng học phí. Đồng thời vận động, quyên góp và lan tỏa Chương trình "Sóng và máy tính cho em" với 90 bộ máy tính, 643 máy tính bảng, 113 điện thoại, hơn 32.000 Sim data… hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, ngành GDĐT đã phối hợp tổ chức an toàn việc tiêm vắc xin và chuẩn bị các điều kiện trường, lớp dạy học trực tiếp theo lộ trình, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới.



Triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà chia sẻ, với chủ trương phát triển kinh tế để phục vụ an sinh xã hội, Bình Dương luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Sở GDĐT và các địa phương phải phối hợp rà soát quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng trường, lớp và chủ động phân tích biến động dân số, dự báo quy mô học sinh, xây dựng kế hoạch cân đối nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Đặc biệt cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động sức mạnh của toàn xã hội góp sức đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐT tỉnh nhà.

Ngành GDĐT hiện nay đã có những điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở vật chất, các chế độ chính sách cho nhà giáo được cải thiện, chất lượng giáo dục được nâng lên. Với những thành tích đạt được cùng những kinh nghiệm đã có, chắc chắn chặng đường tiếp theo, ngành GDĐT sẽ có những bước tiến mới, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương.
 
Bên trên