Các đội thi Data For Life thuyết trình sản phẩm

quan03

Trần Anh Quân
41 đội thi trong vòng thuyết trình sơ khảo tận dụng tối đa dữ liệu quốc gia nhằm giải quyết bài toán về giao thông, sức khỏe, tài chính... nhiều người đang đối mặt.

Ngày 6/11, vòng sơ loại của cuộc thi Data For Life 2023 đã diễn ra tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Các sản phẩm, giải pháp bao phủ nhiều lĩnh vực cuộc sống như: dân cư, giao thông, an ninh, sức khỏe... Điểm chung các đội thi đều sử dụng nguồn dữ liệu quốc gia, áp dụng các công nghệ mới như Big data, AI, học máy, IoT... nhằm đưa giải pháp đến gần với vấn đề thực tiễn đời sống.

Thuộc phân ban Giao thông và Nông nghiệp, đội ExUET gồm các sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội thuyết trình về giải pháp TrafficA - Trợ lý giao thông.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông - bài toán khó tại những thành phố lớn, Trương Gia Huy, thành viên của đội cho biết nhóm muốn sử dụng các nguồn dữ liệu về tai nạn giao thông và camera giao thông; dữ liệu giám sát hành trình của xe bus ở Hà Nội, ảnh vệ tinh khu vực Hà Nội, bản đồ biển báo giao thông, dữ liệu phát hiện và đếm phương tiện giao thông từ trên cao...

Từ dữ liệu của Google Map, nhóm sẽ xây dựng đồ thị dựa trên bản đồ giao thông của Hà Nội kết hợp đánh trọng số các cạnh tương ứng với các tuyến đường. Từ đó có thể xây dựng các kịch bản giao thông, đưa ra các lộ trình, tuyến đường tối ưu đồng thời gợi ý các điểm nóng về tắc nghẽn cần cải thiện.

Trương Gia Huy, trưởng nhóm ExUET trình bày giải pháp TrafficA - Trợ lý giao thông. Ảnh: Nguyễn Phượng

Trương Gia Huy, trưởng nhóm ExUET trình bày giải pháp TrafficA - Trợ lý giao thông. Ảnh: Nguyễn Phượng

"Với các dữ liệu trên cùng mô hình trí tuệ nhân tạo đếm số lượng phương tiện giao thông; mô hình học máy nhận diện biển số xe, dự đoán tình huống giao thông..., sản phẩm khi đi vào thực tế sẽ giải quyết những vấn đề như giảm ùn tắc giao thông tối ưu hóa thời gian đèn tín hiệu, thời gian di chuyển...", thí sinh Gia Huy cho hay.

Giải pháp TrafficA gây ấn tượng với ban giám khảo về khả năng thuyết trình cũng như khả năng ứng dụng của ý tưởng. "Tuy nhiên, nếu được vào vòng trong, đội thi cần làm rõ hơn về những công nghệ cụ thể nào sẽ được ứng dụng để hiện thực hóa ý tưởng", ông Đinh Sang, thành viên ban giám khảo cho biết.

Đến từ phân ban AI và Chuyển đổi số, đội thi iHub - Kalapa trình bày giải pháp chấm điểm tín dụng cá nhân bằng công cụ nhận dạng căn cước công dân và mô hình Alterna Credit Scoring.

Giải pháp gồm hai nhóm tính năng chính là thanh toán sinh trắc học và chấm điểm tín dụng cá nhân và cho vay để thanh toán dịch vụ công. Cụ thể, giải pháp sẽ dựa vào dữ liệu công dân và các nguồn dữ liệu khác từ thuế, bảo hiểm... để chấm điểm tín dụng cá nhân người dân, từ đó cung cấp dịch vụ cho vay thanh toán trước các chi phí dịch vụ công.

"Nếu được vào vòng tiếp theo, chúng tôi sẽ có sản phẩm cụ thể hơn, thậm chí có thể chạy thử nghiệm để mang đến góc nhìn chi tiết hơn", anh Dương Tuấn Vinh, trưởng nhóm iHub chia sẻ.

Phương pháp phát hiện website lừa đảo dựa trên học sâu đa phương thức kháng mẫu trốn tránh bảo vệ người dùng cuối của đội W1.Shark cũng được ban giám khảo đánh giá cao.

Theo đó, ứng dụng Shark-eyes sau khi được cài đặt dưới dạng extension trên trình duyệt web của máy người dùng, có thể tự động hoạt động, bảo vệ người dùng trên thời gian thực. Khi người dùng truy cập vào một trang web, ứng dụng sẽ hoạt động theo các bước như lấy URL của trang web và gửi lên cho server được khởi chạy sẵn. Tại server, thông tin về trang web sẽ được thu thập thông qua URL được gửi đến. Các thuộc tính được trích xuất và đưa vào mô hình học sâu đa phương thức để dự đoán. Kết quả sẽ được trả về ứng dụng trên trình duyệt web của người dùng và cảnh báo họ nếu đang truy cập vào một trang web lừa đảo.

Theo trưởng nhóm, anh Võ Quang Minh, ứng dụng này sử dụng phương pháp máy học sâu đa phương thức để phát hiện các trang web lừa đảo. Giải pháp sẽ được triển khai dưới dạng ứng dụng tiện ích để bất kể ai cũng có thể sử dụng.

Các thành viên ban giám khảo chấm thi vòng sơ loại. Ảnh: Nguyễn Phượng

Các thành viên ban giám khảo chấm thi vòng sơ loại. Ảnh: Nguyễn Phượng

Đại diện ban giám khảo cho biết sau buổi thuyết trình, các đội sẽ được chấm theo tiêu chí kỹ thuật, khả năng thuyết trình và khả năng ứng dụng của ý tưởng, giải pháp. Dự kiến Top 10 sản phẩm vào vòng chung kết sẽ được công bố ngày 7 và 8/11.

Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống (Data for Life 2023) do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an công tổ chức từ 7/8, với sự phối hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam và Báo VnExpress.

Cuộc thi với mục tiêu thu hút nguồn lực từ cộng đồng tài năng trẻ đồng hành cùng Bộ Công an và Chính phủ để phát huy tính sáng tạo, hình thành những ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực. Các giải pháp xoay quanh ba trụ cột là chính phủ số - giải pháp thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả, xã hội số - thúc đẩy dịch vụ an sinh xã hội, và kinh tế số - thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cuộc thi sẽ trải qua ba vòng, gồm sơ loại (41 đội), chung khảo (10 đội), từ đó sẽ trao giải cho 5 đội xuất sắc. Vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 23-24/11. Tổng giải thưởng dự kiến là 370 triệu đồng, trong đó giải Nhất và giải Nhì lần lượt là 200 triệu và 100 triệu đồng.
 
Bên trên