toringuyen0509
Well-known member
Mình chửi tục cả những lúc vui vẻ lẫn những khi bực bội và cho rằng điều này chấp nhận được, cho đến khi đứa con gái của mình cũng bắt đầu buột miệng chửi thề.
(Lưu ý: bài này chia sẻ một số cách để mọi người hạn chế văng tục. Nếu mọi người cho rằng chuyện mình chửi thề không hại ai thì có thể bỏ qua bài này nhé).
Đối với người lớn, việc chửi thề đôi khi mang lại lợi ích nào đó, ví dụ nó giúp chúng ta gắn kết với nhau vì cùng có một phong cách nói chuyện - một chuyên gia về nuôi dạy con cái nói trên trang Well and Good.
Trên thực tế, mình và rất nhiều bạn bè cũng hay văng tục với nhau những lúc vui vẻ. Những lúc bực mình, ví dụ khi dạy con hay gặp mấy đứa chạy xe láo lếu, mình cũng tuôn một tràng.
Mình chấp nhận khiếm khuyết đó của bản thân và xem nó như một việc bình thường. Tuy vậy, khi đứa con gái nhỏ của mình bắt đầu nói những từ ngữ đó thì mình thấy mọi việc có vẻ không ổn.
Nghe đứa con gái mình yêu thương phát ra tiếng “M..” kèm với một câu cảm thán khiến mình sốc, nhưng không bất ngờ. Vì nó nghe khá nhiều những câu đó từ mình, chính bé cũng khuyên mình không nên nói những từ ngữ như vậy. Ngoài ra, bé cũng có thể học các từ đó ở bạn bè trên trường.
Dù tự bào chữa cho bản thân thế nào đi chăng nữa, mình không nghĩ rằng văng tục là một thứ đúng đắn, nhất là trong các môi trường trang nghiêm. Mình có nhiều thói xấu, nhưng riêng việc chửi thề mình nghĩ có thể sửa được, để còn dạy con trong chuyện này. Do đó mình Google một số phương pháp, mình xin chia sẻ với mọi người nhé.
Dùng từ khác thay thế
Phương pháp này do mình chợt nghĩ ra. Mình có người bạn làm bác sĩ, thường xuyên buột miệng câu “Mô phật” (Mình không có ý gì liên quan đến tôn giáo ở đây nhé mọi người, đây là câu thằng bạn mình hay nói). Câu này được dùng khi nó bị trêu chọc hoặc kể cả khi nó được khen. Mình nghĩ có thể áp dụng phương pháp này đối với thói quen chửi tục.
Ví dụ mình có thể dùng các từ: Ôi trời!, Quá trời quá đất!,… để diễn tả cảm xúc trong những tình huống khiến chúng ta bất ngờ, kể cả lúc vui hay tức giận. Những câu này khi nói quen miệng có thể thay thế được những câu chửi thề khác.
Hôm nay mình đã kịp ngưng mồm khi có một ông kia tạt đầu xe. Thay vì “…” như trước, mình nói: Ôi trời!, chạy xe kỳ vậy! Hehe
Phạt tiền nếu chửi thề
Khi viết bài này, mình đã đóng phạt 10.000 đồng đầu tiên vào quỹ gia đình. Cả nhà thống nhất ai chửi thề sẽ bị phạt. Mình tiên phong đề ra luật này dù biết rằng chính mình sẽ làm giàu cho quỹ.
Nhờ ai đó nhắc nhở mình
Theo tiến sĩ Rosina McAlpine, bạn có thể nhờ một đồng nghiệp nào đó trong công ty nhắc nhở mỗi khi bạn lỡ miệng nói ra những lời không phù hợp.
Ở nhà, bạn cũng có thể nhờ ba mẹ, anh chị, vợ hoặc chồng mình cảnh báo mỗi khi mình buột miệng theo thói quen.
Nói chậm lại, lắng nghe lời nói của mình
Một chuyên gia khác là Robert Taibbi, LSCW, cho rằng chúng ta có thể nói chuyện chậm lại. Việc này giúp bạn kiểm soát lời nói và ít bật ra những lời không mong muốn.
Mình cũng nghĩ rằng khi chúng ta cao hứng, những lời lẽ thiếu kiểm soát sẽ vung ra. Do đó, thực hành “sống ở hiện tại” nghe rất kỳ lạ nhưng cũng là lời khuyên từ một số chuyên gia, tức là chúng ta quan sát lời chúng ta nói và chủ động kiểm soát để không nói lời khó nghe.
Giải toả căng thẳng, bực bội
Khi gặp chuyện bực mình hay căng thẳng, con người có thói quen văng tục. Cả hai chuyên gia trong bài này đều đưa lời khuyên nên giải toả căng thẳng. Mỗi cá nhân có một cách giải toả khác nhau, hãy tìm cách phù hợp với mình.
Ví dụ một số phương pháp là tập yoga, thiền, tập hít thở, hoặc dùng một số công cụ giúp tăng tập trung và giảm căng thẳng,…
Ngoài ra, tránh đặt mình vào một số tình huống dễ văng tục, ví dụ đi chơi với một nhóm hay chửi thề, hoặc khi lái xe căng thẳng. Hoặc thật chú ý tới lời nói bản thân mỗi khi đặt mình vào môi trường đó.
Hãy kiên nhẫn và không quá khắt khe với bản thân
Từ bỏ một thói quen không hề dễ dàng. Và con người chúng ta ai cũng có thể mắc lỗi.
Đứng ở khía cạnh dạy con, các chuyên gia cho rằng việc ba mẹ phạm lỗi và tìm cách sửa chữa là đang dạy cho con mình biết rằng con cũng có thể phạm lỗi, và con không nên quá khắt khe với bản thân. Cách chúng ta xin lỗi và sửa lỗi cũng sẽ dạy con học theo ba mẹ.