Cái giá khi chìm đắm trên mạng xã hội

TRUONGTRINH

Well-known member
Liên tục đăng ảnh về cuộc sống lên mạng có thể làm người dùng mất đi sự riêng tư, thậm chí không còn là chính mình.


Tham gia mạng xã hội đồng nghĩa với liên tục hiện diện bản thân với cả thế giới. Người dùng đăng bài viết trên mạng và nhận bình luận từ cả những tài khoản chưa từng quen biết. Người lạ có thể xem ảnh selfie trên Instagram và gửi tin nhắn đến dồn dập, đôi khi mang lại cảm giác như cả thế giới đang dõi theo người đăng bài.

Theo các chuyên gia, khả năng kết nối trên mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong giai đoạn Covid-19 khi mọi người không thể gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, việc bị nhiều người quan sát cũng đem đến rất nhiều tác hại, trong đó có nhiều vấn đề phức tạp và dai dẳng hơn những gì người dùng nhận thấy.


Ứng dụng Facebook trên điện thoại. Ảnh: Reuters.


Ứng dụng Facebook trên điện thoại. Ảnh: Reuters


Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng mạng xã hội nhiều có khả năng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng. "Chúng tôi phát hiện mọi người đang dành nhiều thời gian trên mạng hơn so với trước đây hoặc so với những gì họ nghĩ. Đây giống như một đại dịch vậy", Larry Rosen, giáo sư tâm lý tại Đại học bang California, nhận xét.

Rosen nghiên cứu tác động của công nghệ với tâm sinh lý con người từ năm 1984 và khẳng định đã chứng kiến nhiều thứ "vượt khỏi tầm kiểm soát". Một số người nhận hàng chục thông báo mỗi ngày và cảm thấy không thể thoát khỏi cuộc sống trên mạng. Ngay cả khi không nhìn vào màn hình, cuộc sống online vẫn đeo bám tâm trí họ.

Khi dùng mạng xã hội, nhiều người lạ có thể tương tác và chia sẻ nội dung được đăng trên mạng. Mỗi khi đưa gì đó lên mạng và hé lộ về bản thân, người dùng không thể biết họ được đón nhận như thế nào.

"Khi đăng lên mạng xã hội, dữ liệu duy nhất nhận về là lượt like và bình luận, nhưng chúng không phản ánh điều mà người khác đánh giá về bạn", Fallon Goodman, phó giáo sư tâm lý học ở Đại học George Washington, nhận xét.

Anna Lembke, giáo sư tâm thần học ở Đại học Stanford, cho rằng con người xây dựng danh tính bản thân dựa trên những gì người khác đánh giá về họ. Phần lớn danh tính này đang được thiết lập trên Internet. "Danh tính ảo là sự kết hợp của hàng loạt tương tác giữa người dùng trên mạng xã hội. Nó rất dễ tổn thương và chúng ta không có cách nào kiểm soát", Lembke nói.

Việc không thể xác định người khác đánh giá như thế nào về bản thân khiến nhiều người dùng mạng xã hội bị ám ảnh khi lướt Internet hay thậm chí sau khi rời mạng.

"Bất kỳ phản ứng tiêu cực nào cũng tác động xấu đến tâm lý người dùng. Điều tồi tệ hơn là khi chúng được công khai cho tất cả mọi người, dẫn đến cảm giác xấu hổ và tự trách móc bản thân vốn đang rất phổ biến trong thế giới hiện đại", bà Lembke nhận định.

Con người không có thói quen để lộ diện hàng ngày trước cả thế giới. Do đó, nếu không cẩn trọng khi lên mạng, cuộc sống online có thể gây căng thẳng và tác động tiêu cực đến mọi mặt cuộc sống. Có những giải pháp hạn chế nguy cơ này, như tắt thông báo và giảm thời gian sử dụng mạng xã hội.

"Xã hội cần thay đổi suy nghĩ về việc sử dụng mạng xã hội. Đây là vấn đề chung, không phải của từng cá nhân. Cần xây dựng những biện pháp bảo vệ người dùng trên thế giới kỹ thuật số, đặc biệt là với trẻ em, giống như quy định về cấm hút thuốc lá hay sử dụng rượu bia", giáo sư Lembke nêu quan điểm.
Nguồn Điệp Anh (theo Wired - vnexpress.net)
 
Bên trên