0707171758
NGUYỄN THANH VÂN

Kể từ cuối năm ngoái, nhiều bang ở Mỹ đã có những điều luật riêng để đảm bảo quyền được tự sửa chữa thiết bị, cũng như các thiết bị công nghệ của người dùng. Vừa rồi, California đã trở thành bang thứ 3 của Mỹ thông qua đạo luật bảo vệ quyền sửa chữa thiết bị của mọi người, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào các chương trình bảo hành và dịch vụ khách hàng của các hãng.
So với hai bộ luật với nội dung tương đồng đã được thông qua ở hai bang New York và Minnesota, bộ luật “Right-to-Repair” của California có những điều khoản mạnh hơn nhiều để bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Một trong số đó là quy định đối với những thiết bị điện tử có giá từ 50 đến 100 USD, các nhà sản xuất phải cung cấp cho người tiêu dùng và các trung tâm, cửa hàng sửa chữa thiết bị đầy đủ tài liệu hướng dẫn cũng như linh kiện thay thế trong vòng 3 năm kể từ ngày thiết bị lần đầu bán ra thị trường.
Quan trọng hơn cả, với thiết bị điện tử có giá trên 100 USD, thời hạn mà chính quyền bang California yêu cầu các hãng đảm bảo nguồn cung linh kiện và hướng dẫn sửa chữa sẽ kéo dài tới 7 năm. Nói cách khác, tầm giá 100 USD là khoảng giá của tuyệt đại đa số điện thoại hay những món đồ chơi công nghệ.
Đạo luật vừa được thông qua này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Nhưng nó sẽ áp dụng ngược cho tất cả những thiết bị điện tử bán ra thị trường sau ngày 1/7/2021.
Dù đạo luật SB-244 này được thông qua mà vấp phải ít sự phản đối hơn, nhưng cũng có một vài yếu tố chưa được giải quyết. Thứ nhất, SB-244 không có điều khoản nào yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị cung cấp hướng dẫn vượt rào những biện pháp bảo mật, những phần mềm nhận diện để ngăn người dùng tự thay thế linh kiện, như màn hình hay pin trong máy điện thoại chẳng hạn.
Không liên quan lắm tới thế giới thiết bị công nghệ, nhưng một trong những cái tên gây tranh cãi, khiến các nhà lập pháp Mỹ phải có những biện pháp và đạo luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng chính là John Deere, nhà sản xuất những trang thiết bị nông nghiệp. Máy cày máy kéo của họ cũng cài phần mềm để khóa, không cho phép người dùng tự sửa chữa và thay thế phụ tùng, còn dịch vụ chính hãng thì chi phí cao hơn rất nhiều.
Một chi tiết khác trong đạo luật SB-244 là việc yêu cầu các cửa hàng sửa chữa tự do phải công bố việc sử dụng linh kiện refurbished hoặc từ các nhà sản xuất bên thứ ba. Nó quan trọng bởi vì điều khoản này có khả năng thay đổi cách mà các công ty như Apple hay Samsung viết lại quy định bảo hành chính hãng, trong trường hợp máy đã được thay đổi linh kiện không chính hãng hoặc refurbished.
Có lẽ chính hai yếu tố kể trên đã giúp đạo luật SB-244 có được sự ủng hộ của chính Apple. Cho tới cách đây khoảng 1 năm, Apple luôn giữ vững quan điểm phản đối mọi đạo luật “right-to-repair", nhưng gần đây mọi chuyện đã có chiều hướng thay đổi. Thậm chí Apple giờ còn cho thuê cả bộ thiết bị để người dùng có thể tự sửa chữa, thay thế màn hình của iPhone ở Mỹ, rồi tới tháng 12/2022, chương trình này được mở rộng sang châu Âu.
Một cái tên khác cũng mới “quay xe”, chuyển qua ủng hộ những đạo luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng chính là Microsoft. Những linh kiện sửa chữa máy tính Surface đã bắt đầu được bán trực tiếp tới tận tay người dùng. Còn kể từ năm ngoái, Samsung và Google đã bắt đầu hợp tác với iFixit để hỗ trợ người dùng tự sửa chữa những chiếc máy Galaxy và Pixel.