Cảm ơn vì đã vượt qua: Vịn vào yêu thương để vượt qua

Nguyễn May

Well-known member
Sau hai quyển sách Cảm ơn vì đã được thương và Cảm ơn vì đã cạnh bên, tác giả Minh Phúc lại tiếp tục "cảm ơn" với quyển tản văn thứ ba Cảm ơn vì đã vượt qua vừa được NXB Trẻ ấn hành.

Bìa quyển sách Cảm ơn vì đã vượt qua - Ảnh: Linh Đoan
Bìa quyển sách Cảm ơn vì đã vượt qua - Ảnh: Linh Đoan

Sách dày khoảng 200 trang với ba phần: Dăm ba chiếc nắng, Rồi lại sẽ lành và Vườn vẫn đợi tin hoa với hơn 30 bài tản văn.

Chẳng mưu cầu nói những điều to tát, Minh Phúc bằng những ghi chép nhỏ nhưng đầy cảm xúc đã khiến người đọc "xáo trộn" và sau tất cả là một cảm giác rất nhẹ nhàng như được chữa lành.

Đọc những trang viết của Phúc, người ta được trở về những miền ký ức. Đó là một cô bé nhạy cảm sinh ra ở vùng quê nghèo, trong một gia đình nghèo, có người mẹ tảo tần một mình nuôi bầy con.

Nhưng tuổi thơ thiếu thốn, chịu nhiều thiệt thòi đó lại là "cơ hội" để cô bé có những trải nghiệm khó quên. Bởi con nhà nghèo nên chỉ có ruộng đồng, biết thương từ cái cây, con sông, những đám rau, đám bông mùa Tết.

Những ký ức có vẻ rất riêng tư của Phúc nhưng thật sự rất chạm vào tâm khảm người đọc để rồi cứ thế lan tỏa năng lượng tích cực.

Bàn tay mà ta thương Phúc viết về những ngón tay thô ráp của má.

"Đó là bàn tay mười ngón ngủn đều nhau, một ngón cái còn bị dị tật "đầu trun"" ("đầu trun" là do tay mất một lóng xương nên phần da rút lại như đầu con rắn trun).


Đôi bàn tay lam lũ mà vết sần này đội lên vết sần kia, mỗi khi má rờ tay lên mặt con gái là những vết sần thi nhau kể về nỗi cơ cực của má. Đọc những dòng chữ này, người ta chỉ muốn khóc!

Đó là cảm xúc của người vượt ra được mùa dịch bệnh khủng khiếp. Và khi cuộc sống trở lại bình thường, đột nhiên có rất nhiều người mình gặp hằng ngày như chị bán nước cam, anh bán rau biến mất trong Cảm ơn vì đã vượt qua.

Khi giới thiệu về bản thân ở bìa trong trang sách, Phúc đăng bức tranh con trai vẽ mẹ và giới thiệu giản dị về mình "Là mẹ của một chú bé tên Bùm".

Chú bé đó với những cảm xúc thuần khiết, trong lành cũng là nơi để Phúc nhìn vào và cảm ơn con trẻ vì đã kéo mình bớt những sân si đời thường để có những suy nghĩ, hành xử thiện lành trong bài Cảm ơn ai đó đã tạo ra điều đẹp đẽ.

Minh Phúc đã và đang đối diện với căn bệnh chết người. Trong Nằm nghe tóc rụng, cô rã rời viết: "Sau một đêm, và cũng có thể nhiều đêm sau nữa, tôi nằm, nghe từng sợi tóc rỉ rả rớt khỏi đầu mình. Như thân thể rũ riệt vì mệt mỏi, chúng chẳng còn sức lực để kể lể hay nói lời chia ly".

Thế nhưng cô luôn lạc quan và chiến đấu, vì vậy: "Gần đây, tôi bất ngờ khi phát hiện ra cơ thể mình đã tự tìm cách "vượt qua" những cơn đau buốt chạy từ bàn chân lên đến đỉnh đầu... Tóc đã mọc trở lại, những sợi tóc mới mẻ, chúng đầy ngỡ ngàng làm một cuộc thay thế".

Sự hồi sinh kỳ diệu đó có lẽ xuất phát từ lòng "biết ơn" của tác giả. Luôn cảm ơn cuộc sống, gia đình, những con người có thể thân quen hay xa lạ.

Minh Phúc đã vịn vào yêu thương để đứng dậy, vượt qua và biết cách sống tử tế.

"Cảm ơn vì đã vượt qua. Cho tôi và cho cả bạn. Cảm ơn vì những cái đẹp khiêm nhường lặng lẽ, vẫn bảo rằng, cuộc sống là ngay tại đây. Cảm ơn vì bạn, đã yêu thương nhiều hơn cuộc sống vốn dĩ mong manh này" - Minh Phúc xúc động viết.
 
Bên trên