RAM là 1 trong những thành phần quan trọng và không thể thiếu của hệ thống máy tính, giúp mang lại hiệu năng mượt mà và xử lý công việc trôi chảy hơn. Nếu như cách đây khoảng 20 năm, PC với 256 MB hoặc thậm chí 128 MB RAM đã có thể hoạt động ổn thì hiện tại đã khác nhiều. Có khi 4 GB là đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng có khi cần đến cỡ 32 GB mới tạm ổn. Vậy khi lắp ráp máy tính, bao nhiêu RAM là hợp lý?
RAM (Random Access Memory) về cơ bản là 1 hình thức lưu trữ dữ liệu, tuy nhiên khác với ổ cứng, dữ liệu trên RAM mang tính tạm thời, khi mất nguồn điện, những gì lưu trên RAM cũng biến mất theo. Hệ điều hành khi hoạt động sẽ lưu giữ các tiến trình cho phần mềm mà anh em sử dụng, nạp những thứ cần thiết vào RAM để phần mềm khởi chạy nhanh hơn và ổn định hơn. Khi thiếu RAM, hệ điều hành sẽ sử dụng 1 phần không gian lưu trữ trên ổ cứng để làm RAM ảo, dù giải quyết được vấn đề dung lượng nhưng sẽ có tốc độ chậm hẳn, lý do tốc độ SSD hiện tại chưa thể so sánh với RAM. Những thứ nằm trên RAM được truy xuất và chuyển đổi ở tốc độ cao, vì vậy 1 hệ thống máy tính nhiều RAM sẽ cho trải nghiệm sử dụng mượt mà, liền mạch và thoải mái hơn so với việc thiếu RAM hoặc dùng RAM ảo.
Ở thời điểm hiện tại gần như rất khó để có thể tìm được trên thị trường 1 hệ thống có từ 2 GB RAM trở xuống, trừ vài mẫu Mini PC đời cũ. Với 2 GB RAM, anh em vẫn có thể cài đặt hệ điều hành Windows 10, thực hiện những tác vụ đơn giản như lướt web, gõ văn bản hay nghe nhạc. Tuy nhiên trải nghiệm sẽ khá tệ, tốc độ mở phần mềm chậm chạm, xử lý hạn chế, những thao tác vốn diễn ra gần như ngay lập tức sẽ cần vài giây để hoàn thành... Bù lại nếu đặt trong tình huống phải sử dụng những mẫu PC có 2 GB RAM, đó là cơ hội để anh em rèn luyện tính kiên nhẫn.
4 GB RAM là dung lượng được coi như vừa đủ cho các tác vụ hàng ngày, nghĩa là cũng tương tự như trên, nhưng tốc độ xử lý và cảm giác mượt mà cao hơn. Anh em có thể lướt web vài tab, xem video, xử lý bảng tính Excel nhẹ, chơi những game tích hợp sẵn theo hệ điều hành Windows... Lưu ý rằng từ mức 4 GB trở lên, hệ điều hành cần phải là phiên bản 64 bit (x64) để có thể nhận đủ dung lượng và sử dụng được. Các tác vụ ngày càng nặng nề, kể cả thứ đơn giản như lướt web. Anh em cũng thấy rằng 4 GB RAM dường như chỉ còn xuất hiện ở các mẫu smartphone giá rẻ mà thôi. Đối với PC, 1 vài trường hợp anh em có thể nâng cấp thêm để tăng hiệu năng máy.
Mức RAM trung bình hiện nay là 8 GB, khá ổn cho hệ điều hành từ Windows 10 trở lên. Ở ngưỡng này, anh em hoàn toàn có thể tự tin lướt web nhiều tab hơn, công việc văn phòng trôi chảy và nếu sở hữu 1 ít sức mạnh đồ họa, hệ thống cũng đủ để chơi game 3D nhẹ nhàng. Đa tác vụ hay đa nhiệm đang là tiêu chuẩn để người ta ngày càng làm việc hiệu quả hơn, và 8 GB RAM đáp ứng đủ nhu cầu đó. Trong trường hợp anh em thường hay chỉnh sửa ảnh RAW, chỉnh sửa video, livestream hay chạy cùng lúc nhiều phần mềm, tiếp tục nâng cấp RAM sẽ là giải pháp tốt để cải thiện hiệu năng. Mình từng có chuyến công tác nước ngoài và phải chỉnh ảnh RAW trên laptop 6 GB RAM, vẫn hoàn thành được công việc nhưng mất nhiều thời gian hơn.
Nếu 8 GB là ngưỡng trung bình cho PC phục vụ công việc thì 16 GB là ngưỡng trung bình của hệ thống máy tính chơi game hiện đại. Không chỉ game, với 16 GB RAM anh em hoàn toàn tự tin cùng những công việc sáng tạo nội dung, vẽ, thiết kế, chỉnh sửa video. Cao hơn nữa, 32 GB trở lên theo trải nghiệm cá nhân thì mình chưa gặp trường hợp thiếu RAM, thậm chí có thể tắt luôn cả tính năng RAM ảo của Windows. Một cấu hình vi xử lý đời mới như Alder Lake hay Raptor Lake, 32 GB RAM kết hợp cùng đồ họa theo nhu cầu sẽ có thể phục vụ anh em đâu đó chừng 3 năm nữa vẫn dư sức.
Anh em lưu ý rằng bài viết đang nói về RAM hệ thống, tức là các thanh bộ nhớ rời có thể nâng cấp và thay thế được. RAM này sẽ khác với VRAM, cũng là bộ nhớ nhưng dành riêng và gắn trên card đồ họa, trừ trường hợp sử dụng đồ họa tích hợp thì mới chia sẻ RAM hệ thống. Đồ họa tích hợp của đội xanh Intel gần như không bị ảnh hưởng bởi tốc độ RAM, ngược lại với đội đỏ, các iGPU trong CPU AMD thường cho ra hiệu năng xử lý cao hơn nếu sử dụng với RAM có xung cao. Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà anh em lựa chọn RAM lúc cần nâng cấp để phù hợp, cũng như tận dụng tốt nhất những gì đã đầu tư.