Cảnh giác với nạn nghiện game ở giới trẻ

Nguyệt Phan

Well-known member
BDK - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các trò chơi điện tử trực tuyến (game online) ngày càng trở nên phổ biến với rất nhiều nội dung, hình thức khác nhau. Về cơ bản đây là một loại hình giải trí thời buổi công nghệ nhưng dễ gây nghiện và cuốn người chơi vào thế giới ảo, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường. Người nghiện game thường bị suy nhược thể chất, tinh thần đờ đẫn, thậm chí gặp vấn đề về nhận thức và có thể làm mọi chuyện để có tiền thỏa cơn nghiện game không khác gì ma túy.


Một bộ phận thanh niên miệt mài trong tiệm Internet. Ảnh: Minh Tân



Một bộ phận thanh niên miệt mài trong tiệm Internet. Ảnh: Minh Tân
Từ “nghiện game” đến hành vi phạm tội
Ngày 21-6-2022, Công an huyện Châu Thành nhận được tin báo xảy ra vụ cướp xe ôm trên địa bàn xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành. Theo trình bày của nạn nhân, chiều cùng ngày, một nam thanh niên thuê ông chở đến UBND xã Phú An Hòa. Tuy nhiên khi đến nơi, vị khách này không xuống xe mà tiếp tục yêu cầu ông chạy vòng vèo qua nhiều tuyến đường khác nhau. Đến đoạn đường vắng người, y bất ngờ dùng dao đâm vào lưng nạn nhân, sau đó cướp xe mô tô tẩu thoát.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Châu Thành đã nhanh chóng xác minh, điều tra và bắt được thủ phạm là Nguyễn Hoàng Phúc, 19 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Châu Thành, khi đối tượng vừa bước ra khỏi một tiệm game. Phúc là một thanh niên nghiện game nặng. Hôm xảy ra vụ việc, do không có tiền chơi game nên nảy sinh ý định cướp xe của những người chạy xe ôm. Xe mô tô sau khi cướp được, Phúc đem bán với giá 500 ngàn đồng và dùng toàn bộ số tiền trên đổ vào game online.
Cũng trong tháng 6-2022, trên địa bàn xã Long Thới, huyện Chợ Lách, đã xảy ra một vụ trọng án làm rúng động dư luận, bởi sự lạnh lùng, tàn nhẫn của hung thủ khi gây ra cái chết thương tâm cho một cô bé chỉ mới 13 tuổi. Thủ phạm là Võ Hoàng Khang (sinh năm 1996, ngụ xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách) đã bị bắt sau một ngày gây án. Y là một thanh niên không có nghề nghiệp ổn định, lại nghiện game. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố Khang về các tội danh: “cướp tài sản”, “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “giết người”. Quá trình điều tra Khang thừa nhận mục đích tài sản cướp được của nạn nhân là để tiêu xài cá nhân, trong đó có việc chơi game.



Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều người vẫn nghĩ nghiện game chỉ đơn giản là một hành vi của một bộ phận người trẻ, thích các trò chơi khám phá, đối kháng trên máy tính, điện thoại hay các hệ thống máy điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế, nghiện game, nhất là game online có tính chất bạo lực rất nguy hiểm. Bởi lẽ, những đối tượng nghiện game thường sẽ tăng nặng theo thời gian, ngày càng tạo ra tư tưởng hiếu thắng hoặc cay cú mỗi khi thua. Nghiện game còn làm những mối quan hệ, nhất là quan hệ tình cảm dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân và bạn bè. Nguy hiểm hơn, nghiện game chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nảy sinh hành vi phạm tội. Từ nghiện game, sẽ có thể phát sinh tình huống không có tiền chơi game, sẽ nghĩ ra cách để có tiền (trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí là giết người). Nhiều vụ án, do người thân không cho tiền để chơi game dẫn đến cáu gắt, chửi bới và ra tay giết cả bố, mẹ, ông, bà. Hoặc, ngay trong quá trình chơi game, việc mua bán, giao dịch các vật phẩm trong game giữa những nhóm bạn bè cùng chơi game cũng có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột, gây ra những hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, các đối tượng nghiện game phạm tội ngày càng trẻ hóa, phần lớn nằm trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Việc này dẫn đến tình trạng sa sút học hành, nghiện game và thậm chí để có tiền chơi, nạp thẻ, mua đồ trong thế giới ảo, nhiều đối tượng sẵn sàng phạm tội.
Chung tay ngăn ngừa
Đã đến lúc cần xem nghiện game là một vấn đề đáng báo động, đòi hỏi cả xã hội chung tay vào cuộc để ngăn ngừa. Trong đó, biện pháp hiệu quả nhất chính là việc quản lý con em trong từng gia đình và tại các nhà trường. Các bậc phụ huynh cần có các phương pháp dạy con khoa học, kiểm soát khi con sử dụng điện thoại, chơi điện tử trực tuyến. Thường xuyên cho con đọc báo, xem các đoạn phim ngắn nói về tác hại của nghiện game, không sử dụng những hình thức khen thưởng bằng việc cho chơi game. Sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con cái để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đối với học sinh, sinh viên, nhà trường cần tăng cường các hoạt động, chương trình như: dã ngoại, vận động, thể thao... để các em có sân chơi bổ ích, không tìm đến các trò chơi gây hại. Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhân ái giúp học sinh, sinh viên cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, không cảm thấy nhàm chán để nghĩ về những trò chơi không lành mạnh.
Trên góc độ quản lý game, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp răn đe mạnh mẽ như: quản lý số giờ chơi game online, tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi mua bán vật phẩm trong game. Cần nghiêm cấm các doanh nghiệp phát hành các game có nội dung gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, phá hoại truyền thống lịch sử; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác...
 
Bên trên