CEO Google thừa nhận tầm quan trọng khi làm công cụ tìm kiếm mặc định

Hải Vy

Well-known member
Trong phiên tòa ngày 30/10, CEO Google Sundar Pichai thừa nhận các giao dịch để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định 'rất có giá trị'.
Làm chứng trong phiên tòa độc quyền quan trọng nhất trong 25 năm qua tại Mỹ, ông Pichai thừa nhận các thỏa thuận để công cụ tìm kiếm của Google trở thành mặc định trên điện thoại thông minh và trình duyệt có thể "rất có giá trị".
Ông cho biết nếu thực hiện chính xác, những giao dịch với các tập đoàn công nghệ, nhà sản xuất smartphone và các công ty viễn thông di động - trị giá hàng tỷ USD hằng năm – “có thể tạo ra sự khác biệt".
Ông nói thêm: "Có những kịch bản mà mặc định rất có giá trị" và người dùng cũng được hưởng lợi.
o1z5aztc.png

CEO Google Sundar Pichai đến tòa án liên bang Washington hôm 30/10, nơi phiên tòa chống độc quyền đã bước sang tuần thứ 7. (Ảnh: AP)

Chính phủ Mỹ cáo buộc Google duy trì độc quyền bất hợp pháp bằng cách trả tiền cho các thỏa thuận đảm bảo công cụ tìm kiếm của họ xuất hiện nổi bật trên smartphone và trình duyệt. Tập đoàn phủ nhận và phản biện họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và thị phần của họ là kết quả của sức mạnh sản phẩm mà người tiêu dùng chọn sử dụng.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ Google chi tới 10 tỷ USD mỗi năm cho các thỏa thuận như vậy. Tuy nhiên, trong phiên điều trần hôm 27/10, một quan chức điều hành chia sẻ “ông lớn” này đã trả 26,3 tỷ USD cho các giao dịch nói trên vào năm 2021.
Ông Pichai là nhân chứng cao cấp nhất có mặt trong phiên tòa quan trọng này kể từ khi CEO Microsoft Satya Nadella xuất hiện hồi đầu tháng.
Microsoft được giới thiệu trong phiên tòa là công ty công nghệ nổi bật nhất thách thức sự thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm Internet thông qua công cụ Bing. Trong lời khai của mình, ông Nadella cho rằng lập luận người dùng có quyền lựa chọn trong tìm kiếm là "không có thật".
Các công tố viên tuyên bố Google đã sử dụng các hoạt động tương tự Microsoft từng làm đầu những năm 2000. Luật sư Meagan Bellshaw của Bộ Tư pháp hôm 30/10 đã trích dẫn một lá thư gửi từ Google khi Microsoft chuẩn bị ra mắt phiên bản mới của trình duyệt Internet Explorer vào những năm 2000.
Google đe dọa hành động pháp lý vì công cụ tìm kiếm của Microsoft sẽ trở thành mặc định trong trình duyệt mới và người dùng sẽ không được nhắc nhở về việc lựa chọn.
Theo các thỏa thuận để công cụ tìm kiếm Google trở thành mặc định, Google cấm các đối tác của mình nhắc người dùng chọn công cụ tìm kiếm mặc định của riêng họ.
Ông Pichai lập luận rằng Microsoft vào thời điểm đó không "tôn trọng" người dùng vì cài đặt mặc định của Internet Explorer bị ẩn. Ông nói đã quan sát thấy nỗ lực của Microsoft để người dùng gặp khó khăn khi chuyển đổi trình duyệt hoặc công cụ tìm kiếm mặc định "mọi lúc”.
Luật sư Bellshaw cũng trích dẫn một email của nhân viên Google với nhân viên tập đoàn vào năm 2008 rằng tin nhắn tức thời của họ sẽ được giữ kín vì công ty "đang gặp một số vấn đề pháp lý và quy định quan trọng".
Các công tố viên liên bang tuyên bố Google che giấu bằng chứng và tiêu hủy tài liệu trong nhiều năm. Tuy nhiên, Google khẳng định đã cung cấp hơn 5 triệu tài liệu trong vụ việc.
Trong phiên tòa, một luật sư của Bộ Tư pháp hỏi ông Pichai về cuộc thảo luận năm 2007 giữa các lãnh đạo Google, bao gồm ông Pichai – khi ấy chưa là CEO – về yêu cầu của Apple cho phép người dùng chọn công cụ tìm kiếm trên trình duyệt Safari phiên bản mới. Một tài liệu vào thời điểm đó nói rằng 75% mọi người không thay đổi cài đặt mặc định và lưu ý: “Mặc định có tác động mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, Google lập luận nếu mọi người không thỏa mãn với công cụ tìm kiếm mặc định, họ có thể đổi sang nhà cung cấp khác. Bên cạnh đó, thỏa thuận chia sẻ doanh thu là hợp pháp và công ty đã đầu tư không ít để duy trì khả năng cạnh tranh của mảng tìm kiếm, quảng cáo.
Phiên tòa đang diễn ra là vụ kiện chống độc quyền quan trọng nhất chống lại Big Tech kể từ khi Bộ Tư pháp cáo buộc Microsoft vào thập niên 90 tìm cách hủy diệt trình duyệt web Netscape bằng hệ điều hành Windows. Một thẩm phán đã ra lệnh chia nhỏ Microsoft, nhưng phán quyết cuối cùng bị lật ngược khi kháng cáo.
(Theo FT, Reuters)
 
Bên trên