Chiến thắng khiến cả giới công nghệ vui mừng của Epic Games: Dằn mặt Google, Apple vụ cắt phế tới 30%, khiến 'cỗ máy in tiền' của 2 gã khổng lồ lao đa



Phán quyết cuối cùng của tòa án đã nghiêng về công ty trò chơi này.
Ông trùm trò chơi điện tử Tim Sweeney, CEO Epic Games, vừa đánh bại gã khổng lồ Google trong phiên tòa hôm 11/12. Phán quyết cuối cùng cho rằng Google đã gây tổn hại lên nhiều hãng trò chơi điện tử, trong đó có Epic Games khi duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp trên thị trường chợ ứng dụng.
Siêu phẩm lâu năm “Fortnite” — vốn đóng vai trò là chất xúc tác cho cuộc chiến pháp lý — dần phổ biến trở lại. Đây là một trong những trò chơi hấp dẫn nhất thế giới, song thời gian qua mất dần đi sức hút bởi vướng vào cuộc chiến pháp lý đầy khó khăn với Google.
“Chiến thắng này trước Google đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi”, Tim Sweeney nói và cho biết hiện tại, ông không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Trong một tuyên bố, Google khẳng định sẽ kháng cáo phán quyết và giữ nguyên mô hình kinh doanh của mình.
Tim Sweeney thành lập Epic Game từ năm 1991. Ông tự mô tả cuộc đời mình khá “đơn giản”, song sứ mệnh thay đổi hoàn toàn cách hàng triệu người trên thế giới chơi game online được cho là phi thường. Tựa game đình đám “Fortnite” đã thay đổi cả một ngành công nghiệp, dự kiến sẽ đạt 184 tỷ USD trong năm nay, theo ước tính từ Newzoo.
Ngày mới ra mắt, tựa game “Fortnite” khiến không ít học sinh mất tập trung. Rất nhiều trường học tại Mỹ đã ban hành quy định nghiêm cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, song dường như chẳng có gì có thể ngăn cản bộ phận người chơi đông đảo.
Một số người cho biết việc có quá nhiều học sinh cùng lúc sử dụng Wi-Fi để chơi Fortnite khiến cho tốc độ mạng trong trường chậm đi trông thấy. Ai cũng dán mắt vào màn hình điện thoại để “săn” vị trí top 1 mà bỏ bê học hành.
Epic Games nhận lợi nhuận phần lớn từ những hàng hóa ảo trong tựa game. Trang phục nhân vật và các phụ kiện có giá khoảng 10 USD mỗi bộ.
Vào năm 2019, hãng cho biết “Fortnite” sở hữu 250 triệu người chơi đăng ký. 15,3 triệu người đã chơi tựa game này cùng một lúc trong một sự kiện đặc biệt. Netflix gọi đây là mối đe dọa lớn đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Thành công của “Fortnite” đã giúp Sweeney lọt vào danh sách tỷ phú. Nhiều streamer cũng đã kiếm được rất nhiều tiền từ tựa game đình đám, trong đó có Tyler Ninja Blevins – streamer kiếm được 1 triệu USD/tháng nhờ chơi “Fortnite”.
Tuy nhiên, một thời gian sau, “Fortnite” không còn được nhiều người đón nhận. Một số đổ xô vào các trò chơi “battle royale” khác như Apex Legends hay Call of Duty: Warzone của Activision Blizzard.

Chiến thắng khiến cả giới công nghệ vui mừng của Epic Games: Dằn mặt Google, Apple vụ cắt phế tới 30%, khiến 'cỗ máy in tiền' của 2 gã khổng lồ lao đao- Ảnh 1.
Tim Sweeney, CEO Epic Games

Tháng 8/2020, Fortnite còn đồng loạt bị Google và Apple xóa khỏi App Store và Google Play Store với lý do Epic Games triển khai hệ thống thanh toán bỏ qua mức phí 30% tiêu chuẩn. Cụ thể, hãng triển khai hình thức thanh toán trực tiếp mới, cho phép người chơi Fortnite thanh toán trực tiếp cho Epic khi mua hàng để đổi lấy chiết khấu 20% các vật phẩm.
“Đối với các nhà phát triển trò chơi chọn sử dụng Play Store, chúng tôi có chính sách nhất quán, công bằng cho các nhà phát triển. Fortnite vẫn có sẵn trên Android nhưng chúng tôi không thể để nó tiếp tục hoạt động trên Google Play nữa vì tựa game đã vi phạm chính sách của chúng tôi”, đại diện Google khi đó cho biết.
Trong những năm bất ổn kiện tụng sau đó, Epic vẫn nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận của mình. Công ty tổ chức các buổi hòa nhạc trong “Fortnite” với sự góp mặt của các nghệ sĩ như Travis Scott và Ariana Grande; sáng tạo các trò chơi mới và mua lại nhà sản xuất “Rocket League” và “Fall Guys”. Vào tháng 5, công ty còn hợp tác với nhà cung cấp công nghệ ô tô Ecarx đưa đồ họa 3-D tương tác lên bảng điều khiển.
Năm ngoái, Epic huy động thành công 2 tỷ USD, qua đó đẩy định giá lên 31,5 tỷ USD thay vì 29 tỷ USD hồi năm 2021. Tập đoàn Tencent sở hữu khoảng 40% cổ phần của Epic.
Cùng năm, Epic đồng ý chi 520 triệu USD giải quyết các cáo buộc của Ủy ban Thương mại Liên bang rằng hãng đang vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư trẻ em, đồng thời lừa người chơi thực hiện các giao dịch mua ngoài ý muốn. Để mở rộng phạm vi tiếp cận, công ty đã hợp tác với gã khổng lồ đồ chơi Lego nhằm phát triển phiên bản metaverse thân thiện hơn với trẻ em.
Là một fan hâm mộ món gà rán và diet Coke, Sweeney, 53 tuổi, từ lâu đã đi theo con đường riêng của mình. Chiến thắng tại tòa án mới đây chính là cái kết mỹ mãn đỉnh cao sau nhiều năm theo đuổi cuộc chiến pháp lý với Google và Apple để cứu hệ sinh thái Epic Games.
“Apple đang chặn hoàn toàn ‘Fortnite’ khỏi một tỷ người dùng. Không có cách nào khác để tải ‘Fortnite’ trên iPhone của bạn và điều đó thật đáng trách”. Sweeney nhớ lại. “Đã đến lúc phải thay đổi. Các nhà sản xuất Apple, Google kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán thiết bị của họ và không có lời giải thích nào cho việc cắt 30% từ các nhà phát hành”.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà phát triển ứng dụng cố gắng thoát khỏi “Thuế Apple”, nơi 30% phí họ nhận được sẽ chi cho App Store. Nhiều nhà phát triển của các ứng dụng nổi tiếng khác, điển hình là Spotify cũng đứng về phía Epic Games.
“Chúng tôi tán dương quyết định của Epic Games trong việc chống lại Apple cũng như làm sáng tỏ việc hãng này lạm dụng vị thế thống trị của mình”, đại diện của Spotify cho biết.
Được biết, sau khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng, Epic Games không hề đòi hỏi bồi thường thiệt hại hay được đối xử đặc biệt. Hãng chỉ đơn giản muốn nền tảng Android công bằng về phí hoa hồng cho tất cả doanh nghiệp tham gia.
Chiến thắng của Epic Games được cho là có thể khiến “cỗ máy in tiền” của cả Google lẫn Apple chịu thiệt hại. Đó là chưa kể đến những hiểm họa khác khi nhà Táo khuyết mất sự độc quyền truy cập tệp khách hơn 1 tỷ người dùng.
 
Bên trên