"Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ": Chuyến Tàu Mà Ai Cũng Muốn Đi Nhưng Không Muốn Trở Lại

Kim Hào

Well-known member

Có người từng nhận xét, nếu như muốn tìm một chiếc vé để trở lại thời tuổi trẻ hồn nhiên, đầy xao xuyến, thì hãy đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh, dù bạn đã ở độ tuổi nào đi chăng nữa sâu thẳm trong tâm hồn bạn vẫn chỉ là một đứa bé con, tất cả chúng ta đều cần những câu chuyện đó ở bất kì thời điểm nào trong cuộc sống.
1. Đôi nét về tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Người lái tàu đưa chúng ta quay về tuổi thơ!
Nguyễn Nhật Ánh là một trong số ít những nhà văn lựa chọn vẻ đẹp của quá khứ để phán ánh trong những tác phẩm của mình. Tuy nhiên, khác với cách tiếp cận của những nhà văn khác, ngủ quên và nuối tiếc quá khứ dĩ vãng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại viết về tuổi thơ như một nỗ lực để giữ gìn quãng thời gian đẹp nhất của đời người.
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông theo học tại các trường THPT Tiểu La, THPT chuyên ban Trần Cao Vân và THCS Phan Châu Trinh. Từ năm 1973, ông chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng tham gia Thanh niên xung phong, dạy học môn Văn tại trường THCS Bình Tây (Quận 6) từ năm 1983-1985.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chưa lựa chọn thể loại truyện dài là điểm đến đầu tiên của mình, tuy nhiên, sự thật đã chứng minh, đây là thế mạnh của ông, thể loại giúp của Việt Nam.
Phong cách nghệ thuật đặc trưng – đi tìm và gìn giữ tuổi thơ tươi đẹp của mỗi người
Phong cách viết văn của Nguyễn Nhật Ánh rất rõ ràng, đó là một hồn văn đau đáu khôn nguôi về một thời đã qua, luôn khắc khoải bởi tuổi thơ của chính mình và của mọi người. Ông viết về tuổi thơ không với một tâm thế chán ghét tương lai, mà chỉ đơn thuần gợi mở lại cho người đọc những miền kí ức đã lãng quên, để nhắc nhở họ rằng từng có một thời chúng ta cũng hồn nhiên và ngây thơ đến như thế. Giống như một khoảng không đẹp đẽ nhất, sẵn sàng đưa tay ôm ấp và bảo vệ lấy con người ta để họ tạm thời lãng quên đi hiện thực khổ đau, và tạo động lực cho họ bước tiếp con đường của mình. Dịu dàng, ấm áp và nhẹ nhàng, là những cảm nhận chung thuộc về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Không quá ồn ào, vội vã, những tình tiết bất ngờ vẫn làm người đọc phải bồi hồi, đan xen vào trong những câu chuyện buồn, vui, của tuổi mới lớn, trong sáng và mong manh như những hạt sương sa, những ký ức tuổi thơ, thời cắp sách tới trường, cùng tình cảm gia đình, bạn bè, và cả những rung động đầu đời ngây ngô.
Xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là mùa hạ. Mùa của tuổi thơ và chia ly, khoảng thời gian có ý nghĩa nhất đối với đời học sinh. Ông cũng viết nhiều về những rung động đầu đời và có cả những vấp ngã, những nỗi đau của quá khứ còn kéo dài đến hiện tại, đánh lưới các nhân vật trong nỗi buồn của tuổi thơ. Có lúc, đơn thuần chỉ viết về niềm vui của những đứa trẻ, những suy nghĩ ngây thơ và trong sáng, để nhắc nhở độc giả, chúng ta cũng từng là trẻ con. Tình cảm lứa đôi trong những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là những thước phim chân thực nhất, có đủ sự trong sáng, ngây thơ, ấm áp nhưng cũng vừa đủ những khắc khoải đớn đau. Viết nhiều về tình yêu học trò nhưng xen lẫn hài hòa với các yếu tố kỉ niệm, hình ảnh tuổi thơ. Tác phẩm của nhà văn chính là sự giao thoa giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai, những xúc động chới với của lòng người khi buộc lòng phải tạm biệt tuổi thơ của mình được thể hiện rất xúc động và xuất sắc. Nhìn chung, đây là một hồn văn nhẹ nhàng và tình cảm, luôn đau đáu nỗi niềm tuổi thơ.Tuổi thơ đó là quãng kí ức đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Cuộc sống bộn bề công việc và những suy nghĩ về vấn đề cơm, áo, gạo, tiền khiến cho con người ngày càng trở nên mệt mỏi, thiếu sức sống. Những lúc như vậy thì những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như một liều thuốc tinh thần giúp họ xua tan những muộn phiền chìm đắm trong thế giới tuổi thơ vô tư không cần lo nghĩ. Những tác phẩm ấy đưa họ trở về tuổi thơ, ở khoảng thời gian quý giá và đầy ý nghĩa ấy, họ cảm thấy mình như thật sự bé lại, không còn phải suy nghĩ về những con số khổng lồ, những tờ giấy a4 mang đầy áp lực nữa.
2. Nội dung nhẹ nhàng chạm đến trái tim người đọc

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là chuyến tàu đưa chúng ta về với thời thơ ấu đầy những hồi ức đẹp đẽ. Nó không mang lại cảm giác gay cấn, hồi hộp hay thất vọng, chán nản mà những câu chuyện nhà văn mang lại giúp xoa dịu tâm hồn, những vết thương chưa lành. Tác phẩm gồm 12 chương với những câu chuyện xoay quanh về 4 nhân vật: Cu Mùi, Hải Cò, Tí Sún và Tủn.
Chương 1: Tóm lại là đã hết một ngày
Chương 2: Bố mẹ tuyệt vời
Chương 3: Ðặt tên cho thế giới
Chương 4: Buồn ơi là sầu
Chương 5: Khi người ta lớn
Chương 6: Tôi là thằng cu Mùi
Chương 7: Tôi ngoan trong bao lâu
Chương 8: Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào?
Chương 9: Ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?
Chương 10: Và tôi đã chìm
Chương 11: Trang trại chó hoang
Chương 12: Cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé
Tác giả không dùng những cái tên mĩ miều để đặt cho nhân vật mà đã dùng cách gọi tự nhiên nhất, gợi cho người đọc một cảm giác đầy thân thuộc, bình dị. Trong thế giới tuổi thơ tươi đẹp ấy không có những lo toan bộn bề của cuộc sống. Thế giới của những đứa trẻ hồn nhiên và đầy ắp tiếng cười. “Có lẽ, khi 8 tuổi, chúng ta đã từng muốn bay được như chim; cũng đặt ra hàng vạn câu hỏi vì sao (vì sao người ta gọi đó là cái quạt mà không phải cái gì khác?…)”.
Trải dài tác phẩm là những câu chuyện nhỏ nhặt của cu Mùi, Hải cò, con Tủn và Tí sún; có lẽ, đó còn là câu chuyện quen thuộc của biết bao thế hệ, khiến người đọc đắm chìm vào trong từng con chữ, dường như thấy chính bản thân mình trong đó. Bằng giọng văn hồn nhiên pha chút dí dỏm, trong sáng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dẫn dắt người đọc bước vào khu vườn tuổi thơ, khiến chúng ta bồi hồi, thổn thức không thôi. Với tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, độc giả không chỉ mở ra cánh cửa trở về tuổi thơ mà còn về với nơi bình yên, trong sáng nhất của đời người.
“Tôi từng thấy có nhiều người trẻ tuổi lên kế hoạch cho cuộc đời mình: 22 tuổi tốt nghiệp đại học, 25 tuổi lập gia đình, 27 tuổi mở công ty, 30 tuổi sinh con đầu lòng, vân vân và vân vân… Thật sít sao! Nhưng một khi cuộc đời một con người được lập trình chặt chẽ và khoa học đến thế thì nếu tất cả đều vào khuôn như dự tính liệu bạn có bão hòa về cảm xúc hay không?” – trích Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ."
Cuộc sống hiện tại như một khuôn thép cho dù đó là trẻ con hay người lớn, nó giống như một chương trình được vạch sẵn và chúng ta chỉ làm theo hướng dẫn mà thôi. Đặc biệt là trẻ con hiện tại, chúng không còn được chơi đùa thỏa thích hay làm những điều mình muốn nữa- mặc dù chúng còn là những đứa trẻ 3-4 tuổi. Tuổi thơ của chúng từ khi sinh ra đã gắn liền với Smartphone, tivi các thiết bị điện tử. Ở một khía cạnh nào đó thì đó là cách mà bố mẹ để trẻ tự phát triển trí thông minh của mình, hoặc bảo vệ con mình khỏi những tác nhân xấu bên ngoài ( khói bụi ô nhiễm, các tệ nạn liên quan đến trẻ em,...).
Tuy nhiên điều đó cũng có thể gây phản ứng ngược lại đó là khiến trẻ trở nên thụ động, tuổi thơ tẻ nhạt, và nguy hiểm hơn sẽ là những bệnh về tâm lí. Một số trường hợp bố mẹ sẽ cho con đi học từ sớm, mặc dù mới chỉ ở cấp mầm non hay tiểu học, ở giai đoạn mà đáng nhẽ chúng sẽ được tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình (ở đây mình không nói là chỉ chơi chứ không học) thì người lớn lại đăng kí cho con những lớp năng khiếu, lớp học tiếng anh, học thêm các môn. Họ muốn con mình sẽ thật xuất chúng, giỏi giang nhưng lại không tham khảo ý kiến của những đứa trẻ điều chúng muốn là gì? Vô hình chung từ những nên tảng đó lớn dần lên chúng sẽ đi theo con đường mà người lớn vạch sẵn.
Một số trường hợp ở độ tuổi nhạy cảm họ sẽ có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, gây ra hậu quả không ai mong muốn. Vậy thì tại sao chúng ta không để con mình có một tuổi thơ trọn vẹn? Chúng có thể khám phá ra những điều mới mẻ mà đôi khi người lớn lại không hề nghĩ đến, đó không phải nuông chiều con cái mà đó là cách để con mình phát triển toàn diện về tất cả mọi phương diện. Chúng ta có thể theo dõi và bảo ban, chỉnh sửa cho chúng những cái chưa đúng mà, phải không? Như câu văn trên nhà văn đã viết rằng “nếu tất cả đều vào khuôn như dự tính liệu bạn có bão hòa về cảm xúc hay không?” Chắc hẳn mọi người đều sẽ nghĩ rằng nếu cuộc sống được vạch sẵn như vậy thì thực sự chúng ta không hề có cảm xúc gì trong cuộc sống cả. Vì mọi việc đều đã được lên kế hoạch, chúng ta chỉ thực hiện như những con robot mà thôi.
“Chiếc vé tuổi thơ đó, bạn cứ giữ kỹ trong túi áo, vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặt biệt này."
Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ.
"Ờ tám tuổi, vẫn là trong trẻo lắm, vẫn khát khao cuộc sống cho dù lúc tám tuổi có thể bạn rầu rầu nói. Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt. Câu nói yếm thế đó của một đứa trẻ có thể bắt đầu cho một cuốn sách vui nhộn. Nhưng bây giờ, đã lớn, nếu một ngày bạn cảm thấy sự bế tắc của cuộc sống gieo vào đầu bạn ý nghĩ ảm đạm đó thì rất có thể đó là khởi đầu cho một câu chuyện tệ hại và chân trời có khả năng khép lại trước mắt bạn."
Đây là đoạn mà tôi thích và ấn tượng nhất ở chương cuối cùng của cuốn sách. Thực sự chương cuối cùng tên của chương cũng khiến tôi cảm thấy có chút gì đó nuối tiếc. “Cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé” câu văn này dường như mang hai ý nghĩa: một là chuyến tàu về tuổi thơ ai cũng có thể đi được mà không cần có vé, điều duy nhất để có thể lên chuyến tàu này đó là cuốn sách này. Nó giống như một chiếc thẻ giúp bạn thông hành trên chuyến tàu về miền kí ức của chính mình. Ý nghĩa thứ hai đó là thực tế không tồn tại chuyến tàu quay về tuổi thơ nào cả, nên không có người soát vé, mọi thứ đều chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi.
3. Cuốn sách khép lại và để lại cho người đọc những cảm xúc khác nhau

Văn học nghệ thuật bám rễ chặt chẽ vào đời sống hiện thực. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị phải gửi đến độc giả một thông điệp, một lời nhắn nhủ sâu sắc trong cuộc sống, phải có sức lay động công chúng bằng trách nhiệm, tấm lòng và trái tim chân thành, nhiệt huyết của người nghệ sĩ. Cũng như Nguyễn Nhật Ánh một cái tên khá quen thuộc đối với độc giả yêu văn học. Chắc hẳn đối với mỗi chúng ta tác phẩm “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” của tác giả đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người đọc về sự hoài niệm, trở về quá khứ, trở về cái tuổi thơ tinh nghịch, hồn nhiên, trong sáng của một thời đã trôi qua.
Ở chương “Đặt tên cho thế giới”. Cu Mùi cũng Hải Cò, con Tí Sún, con Tũn cùng nhau thay đổi những suy nghĩ của bản thân. Cả bọn cho rằng “cái cánh tay là cái miệng”, nói “đi chợ thay cho đi ngủ”, cũng như “cái cặp biến đổi thành cái giếng”… Cả bọn quyết tâm thay đổi cách gọi, đặt tên lại cho cả thế giới chỉ với mực đích làm cho thế giới trở nên mới mẻ, bớt nhàm tẻ. Những câu chuyện như vậy cũng rất mang lại tiếng cười, cho thấy được phần nào tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất vui, đầy lý thú. Ở cuối chương 12, tác giả có viết “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn..”. Đúng vậy, tuổi thơ cho ta rất nhiều kỉ niệm, khi nhỏ, ta thường ước mong được làm người lớn để tự do làm điều mình thích mà không phải xin phép ba mẹ. Đến khi lớn, ta mới biết rằng, cuộc sống của một người lớn lại còn tẻ nhạt gấp nhiều lần cuộc sống trẻ con, nó khiến ta khát khao nói lên một điều rằng: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…”
Đúng như nhà văn đã nói “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”, cho dù là từng câu, cho đến từng trang sách, tác phẩm cũng không hề lẫn với bất cứ một quyển sách nào. Ở mặt sau của sách, tác giả có viết: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”. Cuộc đời mỗi người ai mà chưa từng trải qua một thời tuổi thơ đầy ngây thơ, hồn nhiên. Nhưng có lẽ chúng ta không thể ghi nhớ, khắc tạc hoặc vẽ lên từng chi tiết của tuổi thơ như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đọc truyện của tác giả, tôi thấy được hình ảnh tuổi thơ của mình ở đâu đó. Khoảng thời gian đó tôi luôn mong muốn lớn thật nhanh, mơ mộng về một cuộc sống tự do, được thỏa sức vui chơi, bày trò tinh nghịch hay làm bất cứ gì mà mình muốn. Tác giả đã đưa chúng ta về với một thế giới tươi đẹp bằng những rung cảm chân thật, sự đồng điệu về cảm xúc, nơi mà ở đó luôn ngập tràn kí ức tuổi thơ, nơi có những tâm hồn trong sáng, hồn nhiên. Những cảm xúc ngày ấy đã thực sự sống lại khi tôi bắt đầu đọc những dòng đầu của tác phẩm. Nếu như cuộc sống này khắt khe với mình quá, nó như bóp nghẹt chúng ta lại thì mọi người hãy dành ra một chút thời gian của mình để đọc cuốn sách này, hãy thư giãn và thả mình được bay bổng tự do trong dừng câu chữ. Và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn...


Em bán Samsung Galaxy S23 FE 5G 8GB 128GB : 11.990.000 đ
👉 Màu: Tím
👉 Có giao hàng hỏa tốc
👉 Có Ship code
👉 Có Trả góp 0%
Chi nhánh Gò Vấp
859 Quang Trung, Phường 12, Q Gò Vấp
Hotline: 0947.711.881
Maps: https://g.page/r/CVSFBogl7CfWEAE
Thời gian làm việc: 08h00 - 22h00
 
Bên trên