Chơi thử vài tựa game từ nhẹ đến nặng trên ROG Ally

1684505872143.png

Trong chủ đề bài viết này, mình muốn chia sẻ với anh em về việc chúng ta sẽ chơi game trên ROG Ally như thế nào, game nào chơi được. Lưu ý với anh em ngay từ đầu đó là đây chưa phải là chiếc máy chính thức, tức là phiên bản BIOS và driver cũng chưa phải bản cuối cùng khi bán ra, nên mình xin phép bỏ qua phần nói về thời lượng dùng pin và hiệu năng CPU cũng như GPU.

Cấu hình của ROG Ally
  • APU: AMD Ryzen Z1 Extreme, 8 nhân 16 luồng, xung boost 5.1GHz, kiến trúc Zen 4, nhân đồ hoạ RDNA 3.
  • RAM: 16GB LPDDR5.
  • SSD: PCIe 4.0 512GB.
Với ROG Ally, theo chia sẻ của ASUS, nó có thể chơi mượt các tựa game AAA ở độ phân giải Full HD và mức cài đặt đồ hoạ từ low đến medium. Mình sẽ lần lượt thử cùng với anh em về các tựa game được cài đặt sẵn trong Armoury Crate SE, bao gồm:
  • Cyberpunk 2077
  • Forza Horizon 5
  • The Last of Us Part 1
  • Metal Slug
Còn một điều nữa là trong quá trình mình quay video để chơi game thì có một vài khung hình bị drop, ví dụ như tựa game Forza Horizon 5, còn hình ảnh trong bài này sau khi restart máy thì FPS tốt hơn hẳn. Tiếp đến là việc cắm sạc khi chơi game và khi không cắm sạc không chênh lệch nhiều, do buổi sáng mình quay video để chơi rồi quên sạc nên đến chiều lúc chụp hình thì máy hết pin.

Cyberpunk 2077
[IMG]


Đây phải nói là một tựa game rất nặng và đây cũng là tựa game gần như là tiêu chuẩn để mình dùng cho việc test hiệu năng chơi game của những chiếc laptop gaming. Nhưng với một thiết bị như ROG Ally, mình sẽ chọn mức settings là low và mức hiệu năng thiết lập là Turbo.
choi-thu-game-tren-ROG-Ally-tinhte-pnghuy (6).jpg

Dù đây chưa phải là driver chính thức nhưng việc có thể chơi Cyberpunk 2077 với mức FPS khoảng 30 là đủ. Thực ra rất khó để đòi hỏi một cỗ máy như Ally có thể chơi được tựa game này với mức FPS trên 60 mà không cần đến những công nghệ bổ trợ, thậm chí những chiếc laptop gaming cũng phải khá vất vả mới có thể chơi mượt được tựa game này, tất nhiên là cần những công nghệ bổ trợ.

The Last of Us Part 1
choi-thu-game-tren-ROG-Ally-tinhte-pnghuy (1).jpg


Tựa game này trước đây cũng từng bị phàn nàn về việc port game từ nền tảng console sang PC. Mình cũng thử tựa game này với Ally và dĩ nhiên mức cấu hình cũng là low và độ phân giải là FHD.

Cả hai tựa game Cyberpunk 2077 và The Last of Us Part 1 đều nhận tốt và thao tác tốt với các nút bấm và layout trên Ally, cho đến lúc mình thử nghiệm thì chưa xuất hiện lỗi không tương thích hay xung đột gì với các nút bấm của game.
choi-thu-game-tren-ROG-Ally-tinhte-pnghuy (2).jpg

Với tựa game này mình có thể chơi với mức FPS loanh quanh 60 FPS, game chơi khá ổn định, vẫn sẽ có những lúc bị drop FPS nhưng không đáng kể, hiện tại thì ổn để chơi.

Có một điều mình gặp khó khăn khi chơi tựa game này trên tay cầm đó là việc khó nhắm để bắn, có lẽ do mình đã quá quen với chuột và bàn phím rồi nên sử dụng tay cầm gặp khó khăn, còn nếu anh em đã quen rồi thì không sao.
Metal Slug
choi-thu-game-tren-ROG-Ally-tinhte-pnghuy (7).jpg


Một tựa game tuổi thơ, Rambo lùn là tựa game từ hồi mới tiếp xúc với máy tính mình rất thích. Dĩ nhiên với ROG Ally thì nó xử lý mượt mà, FPS 60 không có gì khó khăn với Ally ở tựa game này.

Forza Horizon 5
choi-thu-game-tren-ROG-Ally-tinhte-pnghuy (4).jpg



Tựa game đua xe với đồ hoạ đẹp và chân thật cũng là một tựa game khá ngốn phần cứng. Nhưng nếu anh em thiết lập mức đồ hoạ hợp lý, anh em hoàn toàn có thể đẩy FPS tựa game này lên đến con số 90 là chuyện bình thường.
choi-thu-game-tren-ROG-Ally-tinhte-pnghuy (3).jpg

Lúc đầu mình không kì vọng lắm Forza Horizon 5 chơi sẽ mượt trên Ally nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Tựa game này cũng tối ưu tốt cho nút bấm trên Ally, chơi ổn không vấn đề gì.

Armoury Crate SE

Đây là trình điều khiển hiệu năng của máy, cũng như một số thiết lập khác, nếu anh em dùng các thiết bị của ASUS ROG thì không còn lạ gì với Armoury Crate nữa nhưng phiên bản SE là phiên bản được ASUS thiết kế lại cho một thiết bị chơi game cầm tay như Ally và có thể sau có thể còn nhiều thiết bị khác nữa.

Trên chính chiếc Ally có những nút tắt ngay bên cạnh màn hình mà ở đó, người dùng có thể truy cập vào Command Center, nơi tuỳ chỉnh nhanh rất nhiều thứ, từ giới hạn FPS, mức hiệu năng, độ phân giải, AMD RSR, AMD RIS, chụp ảnh màn hình…Ngoài ra, mặc định mỗi khi anh em mở máy lên hoặc khởi động lại máy, màn hình Game Library trong Armoury Crate SE sẽ hiển thị, mặc dù chiếc máy này chạy Windows 11 đầy đủ.

Về trải nghiệm sử dụng Windows 11 trên ROG Ally là khá mượt mà, anh em cũng có thể tuỳ chỉnh các chế độ điều khiển bao gồm Game Pad mode, Desktop Mode và Auto. Ally hoàn toàn có thể kết nối ra màn hình ngoài để sử dụng như một chiếc máy tính thông thường, thông qua một phụ kiện gắn ngoài mà ASUS sẽ bán kèm khi máy ra mắt chính thức tại Việt Nam, cũng như nó cũng tương thích với XG Mobile của những chiếc ROG Flow, mình chưa có cơ hội thử được những tính năng này, hẹn anh em trong một bài sau.

Điều mình có thể cảm nhận được ngay và chia sẻ với anh em bên cạnh trải nghiệm chơi game đó là cảm giác cầm nắm của mình với Ally rất tốt, các nút bấm và layout cực kì hợp lý, hơn nữa, ASUS ROG cũng thiết kế tản nhiệt thông minh nên tay mình không bị nóng trong quá trình chơi.

Hi vọng qua bài này và xem video, anh em có thể có được cái nhìn cụ thể hơn về cách mà chúng ta sẽ chơi game trên ROG Ally như thế nào, Windows 11 sử dụng trên một chiếc Handheld PC sẽ ra sao và chúng ta thao tác với Windows qua controller tương tự một controller của Xbox thế nào.
 
Bên trên