Chung cư mini không có lối thoát hiểm: Trước mắt phòng cháy ra sao?

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Ở Hà Nội, TP.HCM có rất nhiều chung cư mini, nhà trọ nhiều phòng nhiều tầng không có lối thoát hiểm, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy...

Đường vào các tòa nhà cho thuê rất chật hẹp, phòng ốc được rào chắn kiên cố - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đường vào các tòa nhà cho thuê rất chật hẹp, phòng ốc được rào chắn kiên cố - Ảnh: PHẠM TUẤN
Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã làm 56 người tử vong, nhiều người bị thương nặng. Ở Hà Nội, TP.HCM có rất nhiều chung cư, nhà trọ nhiều phòng nhiều tầng, không có lối thoát hiểm, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Vậy cần làm gì để đảm bảo phòng cháy những nơi này? Dưới đây là hiến kế của một số chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) về vấn đề này.
- Ông Tào Ngọc Tùng (Trung tâm huấn luyện PCCC Hà Nội - PCCC Vinasafe):
Nên làm thang thoát hiểm gắn ngoài
Hiện đa số các chung cư mini, nhà trọ cũ đều tận dụng tối đa diện tích bên trong, không có thang bộ thoát hiểm.
Trong trường hợp đó, giải pháp được đưa ra là có thể làm thang bộ thoát hiểm bằng sắt gắn bên hông các chung cư, nhà trọ nhiều phòng nếu còn diện tích đất hoặc gắn ở cạnh mặt trước của tòa chung cư mini nếu hết đất hai bên. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra cháy, người dân vẫn có thể di chuyển được bằng thang này xuống mặt đất an toàn.
Có nhiều phương án khác để hạn chế thiệt hại về con người khi có cháy. Trong đó, cư dân chung cư có thể mua thang dây thoát hiểm. Hiện lực lượng PCCC khuyến cáo với thang thông thường nên dùng từ tầng 5 trở xuống. Với các tầng cao hơn có thể dùng thang dây hạ chậm có đai bảo vệ an toàn.
Hiện Việt Nam chưa có nhiều ống tụt, tức ống thoát hiểm. Ống tụt này có thể gắn cố định trước đó và trong trường hợp xảy ra cháy, sẽ thả xuống đất (cho chân xuống trước, đầu sau rồi tụt xuống).
Ngoài ra với các căn hộ chung cư, chúng tôi khuyến cáo người dân nên trang bị mặt nạ phòng chống khí độc cùng với thang dây. Tùy từng loại hình nhà ở, nên trang bị các vật dụng cho phù hợp.
Người dân cần tìm hiểu kỹ các thông số, không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc bởi khi đưa vào sử dụng có thể không đảm bảo hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Khi mua về cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để không bị lúng túng nếu gặp trường hợp cần thiết.

Đa phần các chung cư nhỏ, nhà trọ nhiều phòng cũ thường dành toàn bộ tầng 1 làm nơi để xe… Với xe điện nếu xảy ra cháy dễ dẫn đến nổ pin và việc chữa cháy không đơn giản. Do đó, cần quản lý chặt chẽ, giám sát đối với quá trình sạc xe điện và không nên sạc qua đêm.
- PGS.TS Ngô Văn Xiêm (nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học PCCC):
Người dân nhanh chóng học cách cứu mình
Luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ các nhà ở phải có hai lối thoát hiểm. Lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ hai ở vị trí nào, như thế nào phải dựa trên cơ sở cấu trúc, kết cấu của tòa nhà. Đồng thời, lối thứ hai có chiều rộng tối thiểu 60cm.
Nhưng thực tế những trường hợp thương vong nhiều người do cháy đa phần bởi công trình nhà không có lối thoát nạn. Với các công trình có khả năng khắc phục, làm lối thoát hiểm cần phải làm sớm.
Với những công trình như chung cư mini hay nhà tập thể, nhà trọ cũ, nhiều căn hộ nếu không đảm bảo điều kiện phòng cháy thì trước hết chính mỗi người dân, gia đình phải tự nâng cao ý thức. Khi có tập huấn về công tác này, người dân có mặt để nghe hướng dẫn đầy đủ, tránh việc chỉ để các ông bà già đến nghe.
Thêm vào đó, việc sử dụng thiết bị điện, bếp gas… phải hết sức cẩn thận, đóng, khóa cẩn thận sau khi dùng, thay thế dây, thiết bị đảm bảo.
Các gia đình ở chung cư cũng nên trang bị cho mình bộ thang dây. Thực tế ngay trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, không ít nạn nhân đã thoát được ra ngoài nhờ hệ thống đơn giản mà hữu ích này. Khi xảy ra cháy, cần bình tĩnh, xác định nhanh chóng và chính xác vị trí sẽ móc thang dây rồi lần lượt trèo xuống.
Với những nhà có lồng sắt như chuồng cọp, bắt buộc phải mở lối thoát với diện tích tối thiểu 60x60cm2, nếu làm thành cửa, khóa phải để chìa khóa ở nơi dễ tìm, dễ thấy.
Một cách đơn giản hơn, các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm. Đồng thời, cần thiết lập, đẩy mạnh vai trò của tổ liên gia an toàn PCCC tại các khu dân cư.
Các hộ cần thống nhất với nhau về việc thiết lập hành lang an toàn để người từ nhà này có thể thoát sang nhà kia khi chẳng may có sự cố.
Đừng thờ ơ với những khuyến cáo phòng cháy
Các sản phẩm gia dụng như bếp gas, nồi cơm điện, ấm siêu tốc… đều có hướng dẫn cách sử dụng an toàn, phòng cháy nổ. Nhưng có mấy ai đọc, mấy ai nhớ? Những quy tắc an toàn về PCCC cũng đang bị lãng quên.
Trong số những lưu ý về sử dụng bếp gas, đầu tiên là đặt bếp vào nơi thoáng khí và chắc chắn, cách xa các bề mặt dễ bắt lửa. Tuy nhiên trong thực tế, nhà hay phòng trọ chật hẹp nên người sử dụng đặt vào bất kỳ chỗ nào có thể nấu là được.
Bếp gas cũng trở nên nguy hiểm hơn khi linh kiện bị hư hỏng không được phát hiện, thay thế, bảo trì. Chẳng hạn như những ống dẫn gas quá cũ có thể dẫn đến việc rò rỉ gas gây cháy nổ.
Nồi cơm điện, nồi áp suất cũng cần nguồn điện ổn định, không dùng chung ổ điện với những thiết bị công suất cao như lò nướng, bếp hồng ngoại, dễ gây cháy lan khi xảy ra sự cố.
Khi giá xăng tăng lên không ít người đã mua xăng dự trữ trong nhà. Chính điều này đã vi phạm quy định về PCCC khi bỗng dưng đưa những quả bom nổ chậm vào gia đình mình. Có nhiều hộ kinh doanh lại để những phương tiện dụng cụ có xăng, dầu quá gần bếp đun nấu và nguồn lửa sinh nhiệt.
Những nguyên tắc an toàn về PCCC đối với nhà ở cần phải được từng thành viên trong gia đình cùng ghi nhớ. Thường xuyên kiểm tra các vật dụng như bếp gas, tủ lạnh, nồi cơm điện… để sửa chữa hay thay thế những thiết bị hư hỏng. Vận động mọi người tự tìm hiểu về kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Ở mỗi gia đình, thiết nghĩ những việc làm đơn giản như thế cũng góp phần vào việc phòng chống cháy nổ, mang lại bình an trong cuộc sống.
 
Bên trên