Chuyên gia du lịch: Hà Nội nên thí điểm 'phố cà phê đường tàu'

Từ Minh Quân

Well-known member
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng Hà Nội nên sớm thí điểm mở "phố cà phê đường tàu" sau khi phố này vẫn hoạt động dù bị cấm.

Ghi nhận của VnExpress ngày 27/8 cho thấy hàng trăm du khách đổ về phố cà phê đường tàu mới thuộc phường Điện Biên để ngắm tàu chạy. Trong sáng 28/8, đoạn phố đường tàu Phùng Hưng cũng hoạt động, với nhiều du khách ngồi uống cà phê, đi lại trên đường tàu chụp ảnh. Các lối vào phố đường tàu Phùng Hưng có một hoặc hai người thuộc lực lượng dân phòng túc trực bảo vệ. Nếu khách hỏi, họ sẽ nói không được phép vào. Tuy nhiên, các chủ quán cà phê công khai mời khách và cho biết có đường vòng để vào trong.

Năm 2019, "phố cà phê đường tàu" bị cấm vì lý do không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt. Chính quyền quận Hoàn Kiếm cũng bác đơn xin kinh doanh lại vào tháng 10/2019 của các hộ dân khu vực này.
Du khách chờ tàu đến ở phố cà phê đường tàu Điện Biên ngày 27/8. Ảnh: Lộc Chung


Du khách chờ tàu đến ở phố cà phê đường tàu Điện Biên ngày 27/8. Ảnh: Lộc Chung

Tuy bị cấm, "phố cà phê đường tàu" vẫn hoạt động công khai hoặc lén lút. Thỉnh thoảng, khi lực lượng chức năng kiểm soát chặt, các hộ kinh doanh sẽ chuyển sang hình thức "hoạt động du kích". Nhưng từ Tết Âm lịch đến nay, phố đường tàu gần như hoạt động công khai, thu hút lượng lớn khách ghé thăm.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vietcircle, chuyên gia phát triển điểm đến, cho rằng căn cứ vào những gì diễn ra trên thực tế, việc cấm phố đường tàu là "bất khả thi". Do đó, Hà Nội nên cân nhắc phát triển khu này thành một điểm du lịch có bán vé, người trông coi. Ngoài ra, lượng khách trong ngày cũng nên được giới hạn để tránh gây mất an toàn khi tàu hỏa tới.

"Các hộ kinh doanh cũng cần trả tiền để duy trì lực lượng an ninh, đồng thời phải tuân thủ các quy định về an toàn đường sắt", ông Huê nói.

Trước tình trạng "đóng không ra đóng, mở không ra mở" hiện tại, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, tin rằng mở phố đường tàu sẽ là lựa chọn tốt hơn để phát triển du lịch.

Chủ quán cà phê công khai mời khách trước mặt của lực lượng chức năng trong sáng 28/8. Ảnh: Tú Nguyễn

Chủ quán cà phê mời khách trước mặt của lực lượng chức năng trong sáng 28/8. Ảnh: Tú Nguyễn

Ông Đạt nói gắn bó với khu vực này vì hồi nhỏ ông sống trên phố Hàng Bông. Ký ức về khu phố đường tàu trước kia trong trí nhớ ông Đạt là một nơi "bốc mùi, nguy hiểm và hơi nhếch nhác". Từ khi các hộ kinh doanh mở quán cà phê, diện mạo con phố thay đổi hoàn toàn và đó là một dấu hiệu tích cực do du lịch mang lại.

"Tôi nghĩ cần thí điểm mở khu phố đường tàu và áp dụng các biện pháp an toàn. Các hộ dân hiện vẫn hoạt động nhưng thiếu sự quản lý và điều này còn nguy hiểm hơn", ông Đạt nói, dù nhận xét hành động ngang nhiên chèo kéo khách trước mặt lực lượng chức năng là "coi thường pháp luật".

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng cà phê đường tàu là "điểm mới lạ, kịch tính" nên thu hút du khách quốc tế. "Các bên liên quan nên ngồi với nhau để suy nghĩ các biện pháp đảm bảo an toàn, nếu thấy không ổn mới nên cấm hẳn", ông Hoan đề nghị.

Ông cho rằng chuyện ở phố đường tàu không dễ "nói cấm là cấm". Về mặt xã hội học, người dân đã sinh sống nhiều đời nay ở khu vực này. Do đó, cần phải xem xét khu vực sống của họ có nằm trong hành lang an toàn đường sắt không, đất của họ là đất lấn chiếm hay đất hợp pháp. Nếu là đất lấn chiếm và vi phạm hành lang an toàn đường sắt, chính quyền nên sớm dẹp bỏ. Tuy nhiên, nếu đây là đất hợp pháp, việc họ mưu sinh trên khu vực sinh sống "không sai".

"Nếu cấm, Hà Nội phải xem xét quyết định đó sẽ ảnh hưởng bao nhiêu hộ dân. Họ đã đầu tư nhiều như vậy, ai sẽ hỗ trợ họ nếu bị cấm?", ông Hoan nói.

Từ phía du khách quốc tế, đa số nhận xét phố đường tàu là điểm đến độc lạ, hầu như không có nơi tương tự trên thế giới. Họ nói "cảm thấy khó hiểu" khi biết phố đường tàu bị cấm.

Byron (áo trắng) và hai người bạn không vào được bên trong phố đường tàu sau khi tự xin lực lượng chức năng. Ảnh: Tú Nguyễn

Byron (áo trắng) và hai người bạn không vào được bên trong phố đường tàu sau khi xin phép dân phòng. Ảnh: Tú Nguyễn

Byron, du khách Australia đến phố đường tàu ngày 28/8, nói chưa từng thấy một nơi "độc đáo" như vậy trên thế giới. Nam du khách mong chính quyền sẽ sớm quản lý để đưa phố đường tàu trở thành điểm đến an toàn. Byron cùng nhóm bạn từ chối lời mời "vào chui" từ các chủ quán cà phê do lo ngại bị lừa đảo.

Daisy Hayer-Markos, du khách Hà Lan, cho rằng phố đường tàu có sức hút đặc biệt với người nước ngoài. Ý thức của du khách tại đây "rất cao". Họ nghe theo chỉ dẫn của các chủ quán cà phê ngay khi có tàu đến. Vì thế, Daisy nói "không có gì nguy hiểm" để phải cấm một điểm du lịch hút khách như vậy.

Evaluna Perez Guillen, du khách Italy, nói phố đường tàu ở Hà Nội là điểm đến được nhiều người châu Âu ưa thích. Cô từng tới phố đường tàu vào tháng 9 năm ngoái và nhận xét tàu tiến vào rất chậm, luôn có người dùng còi nhắc nhở khách. Evaluna tin khu vực này chỉ có thể nguy hiểm "với người điếc".

"Đây là điểm đến độc nhất của Việt Nam, tôi chưa từng thấy nơi nào tương tự. Khu phố này sẽ giúp Việt Nam thu hút lượng khách khổng lồ trên thế giới", cô nói.
 
Bên trên