Chuyện tình hợp tan của NVIDIA và Apple: AMD có phải người thứ 3?

XuanThuy

Well-known member
Nếu đã sử dụng macOS đủ lâu có thể bạn sẽ nhớ một thời Apple đã sử dụng GPU của NVIDIA. Trên thực tế, Macintosh là nền tảng đầu tiên sử dụng GeForce 3 vào năm 2001.


Rồi đột nhiên Apple ngừng sử dụng NVIDIA. Máy Mac cuối cùng có GPU NVIDIA là vào năm 2015. Chuyện gì đã xảy ra khiến cả hai chia tay?



Liên tiếp vấn đề từ hai phía và những vụ kiện


Máy Mac đầu tiên được trang bị GPU NVIDIA là NVIDIA GeForce 2 MX với G4 Digital Audio vào năm 2001, đồng thời Apple cũng sẽ xuất xưởng PowerMac với tùy chọn GPU GeForce 3.


NVIDIA GeForce 2 MX
NVIDIA GeForce 2 MX


Năm 2004, việc phát hành Cinema Display 30 inch của Apple đã bị trì hoãn do sản lượng GeForce 8600 Ultra không đủ nhanh theo ý muốn của Apple. Tuy nhiên, Apple vẫn tiếp tục cung cấp nhiều tùy chọn NVIDIA trong máy Mac.


Năm 2008 là lúc mối quan hệ với NVidia thay đổi sau một loạt sự kiện. Apple đã vướng vào một cuộc chiến pháp lý chủ yếu diễn ra giữa NVIDIA và Intel. Để hiểu điều này, chúng ta phải quay trở lại năm 2004.


Năm 2004, Intel và NVIDIA đã hợp tác để đạt được thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế cho CPU Intel có bộ điều khiển bộ nhớ tích hợp MCP79 và MCP89. Sau đó vào năm 2008, NVIDIA sản xuất các chipset dựa trên Nehalem bỏ qua chipset Intel Northbridge (Bộ điều khiển bộ nhớ, Việt Nam hay gọi là chip cầu bắc) và South Bridge (bộ điều khiển I/0 hay còn gọi là chip cầu nam).


Apple là nhà sản xuất PC đầu tiên áp dụng chipset mới của NVIDIA. Ưu điểm là Apple có thể đơn giản hóa chiến lược GPU của mình. Nó đã cho phép Apple ngừng sử dụng GPU tích hợp Intel kém hiệu quả. Vào thời điểm đó, GPU tích hợp của Intel khá tệ và không thể hỗ trợ OpenCL, do đó hạn chế băng thông cũng như hiệu suất của hệ thống.


NVIDIA thiết kế chipset khiến Intel không vui
NVIDIA thiết kế chipset khiến Intel không vui


Trong khi đó, Intel và Apple vẫn là đối tác kinh doanh lớn. Việc NVIDIA hợp tác chặt chẽ với Apple khiến Intel không vui.


Có thể dự đoán được, Intel sau đó đã đệ đơn kiện NVIDIA khiến kế hoạch của Apple rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cả hai công ty đều làm Apple tỏ ra khó chịu, cuộc tranh cãi này đã khiến nhiều người trong ngành suy đoán rằng Apple có thể xem xét bộ xử lý AMD tuy nhiên AMD có rất ít sản phẩm cạnh tranh trong danh mục laptop.


NVIDIA đã cố gắng thuyết phục Apple tham gia vào câu chuyện pháp lý của mình nhưng cuối cùng đã thất bại khiến NVIDIA cảm thấy bị hắt hủi. Apple tiếp tục sử dụng GPU NVIDIA, nhưng đáng buồn thay các sản phẩm cấp thấp hơn của họ lại bị hạn chế ở các GPU tích hợp cực kỳ tầm thường của Intel.


Và đây vẫn chưa phải là vấn đề duy nhất Apple gặp phải trong mối quan hệ với NVIDIA.


Vào năm 2008, NVIDIA đã gặp phải một vụ kiện xung quanh việc cố tình bán GPU bị lỗi và cố gắng giảm thiểu sự cố thông qua firmware khiến hãng phải tiêu tốn 196 triệu USD bồi thường. HP vào thời điểm đó cho biết họ có 24 mẫu laptop bị ảnh hưởng, Dell có 15. Apple có 2 gồm MacBook Pro sử dụng GeForce 8600M GT.


GPU không hoạt động ở mức ổn định (không chỉ đối với Apple) và Apple đã phải gia hạn bảo hành cho người tiêu dùng vào năm 2009 (kết thúc vào năm 2012) và phát hành bản cập nhật phần mềm vào năm 2009 nhằm giảm thiểu các vấn đề về GPU.


Vấn đề xảy ra với mối hàn khiến bảng mạch in của con chip bị nứt dưới nhiệt độ cao. Điều này khiến Apple rơi vào một vụ kiện tập thể. NVIDIA coi Apple là một công ty nhỏ và từ chối gia hạn chi phí hỗ trợ. NVIDIA chỉ chấp nhận đưa 10.000.000 USD cho Dell sau khi đe dọa nghỉ chơi tạo ra một bước ngoặt khác trong mối quan hệ của Apple và NVIDIA.


Đến thời điểm này, nhiều tờ báo đã đưa tin về mối quan hệ mờ nhạt giữa NVIDIA và Apple, mặc dù MacBook Pro cao cấp vẫn tiếp tục sử dụng GPU NVIDIA.


Sau đó, năm 2011 Apple đã thử sử dụng AMD trong MacBook Pro vào năm 2011 và lại kết thúc bằng một vụ kiện tập thể khác về GPU bị lỗi. Apple chuyển trở lại NVIDIA vào năm 2012 MacBook Pro.


Tuy nhiên đến năm 2013 đánh dấu một bước cột mốc đáng chú ý. Apple đã hợp tác với đối thủ lâu năm của NVIDIA là AMD để sản xuất các biến thể tùy chỉnh của Radeon FirePro cho Mac Pro 2013. iMac 2014 chuyển sang AMD với sự ra mắt của iMac 5K.


Mac Pro sử dụng GPU AMD
Mac Pro sử dụng GPU AMD


Trước đó, iPhone đã thay đổi thị trường điện toán di động. Ban đầu NVIDIA được cho là sẽ cung cấp bộ xử lý cho chiếc iPhone đầu tiên nhưng bộ xử lý Tegra và mãi đến năm 2009 mới xuất xưởng. Thay vì NNVIDIA hay AMD - lúc đó là chủ sở hữu của ATI - Apple đã chọn bộ vi xử lý của Samsung và sau đó đã tự phát triển bộ vi xử lý của riêng mình.


Vào thời điểm này, NNVIDIA đã tin rằng các bằng sáng chế của chính họ cũng được áp dụng cho GPU trên điện thoại di động. Công ty đã cố gắng thuyết phục các công ty mua giấy phép cho công nghệ này và vào năm 2013, họ đã tiến xa hơn khi nộp đơn kiện vi phạm bằng sáng chế chống lại Qualcomm và Samsung.


NVIDIA cũng đã yêu cầu Apple trả phí giấy phép cho iPhone nhưng Apple dường như đã nói không. Đến năm 2015 Apple công khai sử dụng GPU AMD và nói rằng vì vấn đề hiệu suất trên mỗi watt, nhưng lý do thực sự thì có lẽ ai cũng đoán được.


Tham vọng lớn của NVIDIA


Apple đã sử dụng OpenCL, framework phổ biến được sử dụng cho các tác vụ tính toán tăng tốc GPU. NVIDIA đã tạo ra giải pháp thay thế của riêng mình được gọi là CUDA và sử dụng sức mạnh tiếp thị của mình để thuyết phục các nhà xuất bản phần mềm sử dụng nó thay cho OpenCL.


CUDA của NVIDIA không hoạt động trên phần cứng AMD do đó mang lại cho NVIDIA lợi thế cạnh tranh nếu nhà sản xuất phần mềm chọn sử dụng CUDA. Adobe đã sử dụng CUDA ngay cả trên macOS và do đó đã giúp CUDA có vị trí trong giới chuyên gia sáng tạo, đặc biệt là những người sử dụng Adobe Suite. Adobe đã tiến xa hơn khi xây dựng các ứng dụng cụ thể CUDA cho GPU NVIDIA.


NVIDIA đầy tham vọng và cũng đã thực sự thành công với CUDA
NVIDIA đầy tham vọng và cũng đã thực sự thành công với CUDA


Vào thời điểm đó, các sản phẩm của AMD thường kém xa NVIDIA ở phân khúc cao cấp và CUDA mang lại hiệu suất cao hơn rất nhiều trong các ứng dụng video Adobe như Premiere Pro và After Effects.


Và một điều khá thú vị là sau đó NVIDIA đã tung ra trình điều khiển cho phép người dùng sử dụng GPU NVIDIA trong Mac Pro (thùng rác) vốn ban đầu được ra mắt với GPU AMD.


Riêng Microsoft đã có một bước tiến lớn trong lĩnh vực đồ họa bằng cách sở hữu API đồ họa của riêng mình dưới dạng DirectX. Thay vì chờ thư viện nguồn mở Vulkan chính thức hóa, Apple đã phát triển API đồ họa của riêng mình gọi là Metal để sử dụng với iOS. Microsoft chắc chắn đã truyền cảm hứng cho Metal. Việc đưa Metal lên macOS đã thay thế cho cả OpenGL và OpenCL, bỏ qua hỗ trợ Vulkan khiến macOS rẽ sang một hướng khác.


macOS 10.14 Mojave công bố vào 2018 yêu cầu GPU tương thích với Metal. NVIDIA đã công khai thông báo rằng họ có trình điều khiển Metal đang hoạt động nhưng Apple đã thu hồi giấy phép nhà phát triển của mình. Công ty nói rằng Apple phải chịu trách nhiệm về việc thiếu trình điều khiển cho Mojave.


Apple giới thiệu Metal
Apple giới thiệu Metal lần đầu tiên năm 2014 trên chip A7


Các nhà phát triển sử dụng máy Mac có GPU NVIDIA báo cáo rằng sau khi nâng cấp từ 10.13 lên 10.14 (Mojave), họ gặp phải tình trạng hiển thị hồi quy và hiệu suất chậm. Apple kiểm soát hoàn toàn driver cho Mac OS. NVIDIA không thể phát hành trình điều khiển trừ khi được Apple chấp thuận.


Đến đây chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng NVIDIA ủ mưu độc chiếm thị trường đồ họa với CUDA. Tầm nhìn của Apple rõ ràng là không muốn phụ thuộc vào công ty nào. Hoặc là họ sử dụng mã nguồn mở, hoặc là họ tự tạo ta một cái mới cho riêng mình. Trong thực tế Apple có rất nhiều cái riêng ví dụ như Thunderbolt là sản phẩm hợp tác cùng Intel, Apple vẫn có thể sử dụng dù không dùng chip Intel nữa. Apple cũng phát triển những codec video, âm thanh, định dạng hình ảnh riêng cho các thiết bị của mình mà không sử dụng những đồ sẵn có.


Apple đã thành công với bộ xử lý riêng của mình
Apple đã thành công với bộ xử lý riêng của mình


Hơn nữa, chắc chắn Apple đã có tầm nhìn về một chiếc Mac Apple Silicon từ rất lâu. Nếu để hệ sinh thái macOS bị phụ thuộc vào CUDA thì chắc chắn việc chuyển đổi sang bộ xử lý tự phát triển không phải là điều dễ dàng. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà Apple quyết định rời xa NVIDIA và sử dụng AMD. Vì dù sao thì AMD sử dụng OpenGL - một mã nguồn mở. Nếu lỡ Apple không thành công với Metal họ vẫn còn đường lui, còn nếu phụ thuộc CUDA thì không còn đường lui nào cả.


Apple và NVIDIA dường như chưa hết duyên nợ


Gác lại những bất đồng trong quá khứ, giờ đây Apple và NVIDIA đã quay lại hợp tác trong nhiều dự án quan trọng. Năm ngoái, Pixar, Adobe, Apple, Autodesk và NVIDIA thành lập Liên minh OpenUSD để thúc đẩy các tiêu chuẩn mở cho nội dung 3D.


Mới đây, NVIDIA cho biết họ đang đưa công nghệ Omniverse dành cho doanh nghiệp của mình vào Vision Pro của Apple. Các kỹ sư có thể tận dụng sức mạnh của NVIDIA và khả năng hiển thị, tương tác của Vision Pro để thiết kế, chế tạo các sản phẩm một cách chân thực trong môi trường 3D.


Trong tương lai có lẽ hai công ty công nghệ hàng đầu thế giới này sẽ còn tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực.


Tạm kết


Nhìn vào những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ thì rõ ràng AMD không phải nguyên nhân khiến Apple rời bỏ NVIDIA. AMD thậm chí có thể được xem là sự thay thế bất đắc dĩ vì GPU của AMD thực sự không thể vượt qua NVIDIA.


Với những gì Apple đã làm được cho đến hiện tại thì rõ ràng việc rời bỏ NVIDIA là lựa chọn đúng đắn. Từ quyết tâm không để phụ thuộc vào bất kỳ công ty nào, Apple đã xây dựng được một hệ sinh thái khép kín từ phần cứng đến phần mềm cho hầu hết mọi thiết bị của mình, điều mà chưa có công ty nào làm được.



 
Bên trên