Clip ‘tìm kho báu’ ghép lời bà Trương Mỹ Lan: Từ hài hước đến phạm pháp

duongdang

Nguyễn Văn Yeah
Luật sư cho rằng, đối với trend "ra khơi tìm kho báu”, cơ quan chức năng sẽ xác minh thông tin, đánh giá hậu quả có thể gây ra đối với gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Như VietNamNet đã đưa, ông Giang Hồng Thanh, luật sư của bà Trương Mỹ Lan vừa có đơn đề nghị xử lý người tạo trend ‘ra khơi tìm kho báu’.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, trend "ra khơi tìm kho báu” được cho là xuất phát từ đoạn clip ghi lại cảnh bà Lan trả lời thẩm vấn của HĐXX trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử (từ ngày 5/3-11/4/2024).
Trên mạng xã hội, đoạn clip đã bị xử lý thành đoạn hội thoại không đúng sự thật, lồng ghép vào khẩu hình như sau: HĐXX hỏi bà Lan giấu khoản tiền 673 ngàn tỷ ở đâu, bà Lan đáp tiền đang ở ngoài biển. Sau đó, nhiều người đã "đu trend" tìm kho báu bằng những bức ảnh chế, các đoạn video chèo thuyền ra khơi tìm kho báu.
Luật sư cho rằng, clip này đã xuyên tạc diễn biến phiên tòa, xuyên tạc lời nói của chủ tọa cũng như của bà Trương Mỹ Lan, tạo dư luận xấu, làm giảm sự uy nghiêm, phụng công thủ pháp của Tòa án. Không những vậy, đoạn clip bịa đặt đã xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Trương Mỹ Lan được pháp luật bảo vệ.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Nguyễn Huế
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, xét xử nhiều bị cáo về nhiều tội danh và dư luận xã hội rất quan tâm.
Toàn bộ diễn biến của phiên tòa được các cơ quan truyền thông đưa tin khá đầy đủ, chi tiết. Những người quan tâm đến vụ án này phần lớn đã nắm được thông tin diễn biến phiên tòa.
Trên một số nền tảng mạng xã hội những ngày qua xuất hiện đoạn clip về diễn biến phiên tòa, nhưng nội dung lại có sự lồng ghép, dàn dựng lời nói của bị cáo và chủ tọa phiên tòa có tính chất gây cười, hài hước…
Theo ông Đặng Văn Cường, những người đã biết thông tin vụ việc, đã theo dõi phiên tòa thì có thể sẽ thấy đây là một clip hài, có tính chất giải trí. Nhưng với những người không theo dõi diễn biến phiên tòa, có thể họ tin phần nào nội dung là sự thật.
Nội dung này cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình bị cáo, ảnh hưởng đến nhận thức, đánh giá của xã hội đối với thái độ khai báo của bị cáo…
Chính vì vậy, việc các luật sư bào chữa cho bị cáo lên tiếng để bảo vệ thân chủ của mình trên không gian mạng là điều dễ hiểu. Việc các luật sư có văn bản kiến nghị còn có thể xuất phát từ yêu cầu của gia đình về trách nhiệm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho bị cáo và gia đình bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.
“Việc luật sư gửi văn bản kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi phát tán thông tin sai sự thật là chuyện dễ hiểu và hoàn toàn có thể xảy ra, đây cũng là trách nhiệm của luật sư”, ông Đặng Văn Cường nói.
Xử lý thế nào với người thông tin sai sự thật?
Theo ông Đặng Văn Cường, khi nhận được văn bản kiến nghị của luật sư, cơ quan chức năng sẽ xác minh thông tin để làm rõ clip này, đánh giá hậu quả có thể gây ra đối với gia đình bị cáo và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC
Theo quy định của Luật An ninh mạng, người sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet phải đưa các thông tin trung thực, đúng sự thật lên không gian mạng.
Hành vi đưa thông tin sai sự thật mà gây ra hậu quả tác động tiêu cực đối với xã hội, xâm phạm đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ clip này có đúng sự thật hay không. Nếu là clip dàn dựng, cắt ghép chỉnh sửa, nội dung không đúng sự thật thì sẽ làm rõ ai là người tạo ra clip này và hành vi đưa thông tin này với dụng ý, mục đích gì, đồng thời sẽ đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy clip là dàn dựng, không đúng sự thật nhưng mang tính chất tấu hài, người làm clip này chỉ mang tính chất giải trí mà không có dụng ý xấu, đánh giá hậu quả chưa tác động xấu đến xã hội, lúc này cơ quan chức năng có thể nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ clip chứ không áp dụng chế tài.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy clip là sai sự thật, người thực hiện hành vi làm ra, phát tán clip này nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
“Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc tạo ra các clip bằng trí tuệ nhân tạo, bằng công nghệ chỉnh sửa hiện nay là rất dễ dàng.
Nhiều người làm các clip với các mục đích khác nhau, trong đó có nội dung sáng tạo, mang tính chất nghệ thuật, giải trí, cũng có những nội dung có tính chất bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, của cơ quan tổ chức.
Tùy thuộc vào hành vi, mục đích và hậu quả xảy ra mà các clip, các sản phẩm công nghệ đó có thể bị gỡ bỏ, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
1713679756309.png
 
Bên trên