Cô gái trẻ bị đột quỵ sau nhiều năm uống thuốc tránh thai

Nguyễn Thị Ngọc Trinh

Well-known member
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) vừa ghi nhận bệnh nhân nữ 26 tuổi bị đột quỵ sau khi uống thuốc tránh thai kéo dài.
Bác sĩ Phạm Hằng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nói ngọng kèm liệt nửa người phải, kết quả xét nghiệm bị nhồi máu não do tắc động mạch não giữa bên trái, được can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông) tiền sử chưa mắc bệnh lý mạn tính, thường xuyên dùng thuốc tránh thai đường uống hằng ngày trong thời gian dài.

Cô gái trẻ bị đột quỵ sau nhiều năm uống thuốc tránh thai - 1


(Ảnh minh họa).

Khoảng 6 giờ trước khi vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều, nói ngọng kèm theo liệt nửa người phải.

Người bệnh được gia đình đưa vào bệnh viện, bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết xác định bị nhồi máu não do tắc động mạch não giữa bên trái, nhánh M2 và được các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông).

Sau can thiệp, người bệnh tỉnh táo, nửa người bên phải bị liệt có cải thiện rõ rệt, gần hồi phục về mức bình thường. Tuy nhiên, để hồi phục hoàn toàn, người bệnh cần phải trải qua một thời gian phục hồi chức năng vận động tay chân. Nguyên nhân đột quỵ có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài.

Theo các bác sĩ, thuốc tránh thai đường uống mang lại hiệu quả tránh thai cao, dễ sử dụng, nhưng cũng có nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là nguy cơ gây huyết khối có thể nguy hiểm đến tính mạng đã được ghi nhận trong y văn.

Biến chứng nguy hiểm nhất của huyết khối tĩnh mạch là thuyên tắc phổi. Huyết khối tĩnh mạch theo dòng máu tĩnh mạch đổ về tâm nhĩ phải, rồi đổ xuống tâm thất phải, tâm thất phải bóp tống cục máu đông lên phổi, do hệ thống mạch máu tại phổi nhỏ nên cục máu đông không di chuyển được gây tắc mạch phổi.

Ngoài ra, gây loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối; đau chân, phù nề chân kéo dài…

Nguy cơ huyết khối tăng lên ở các phụ nữ có các yếu tố nguy cơ sau: Trên 35 tuổi; hút thuốc; chỉ số khối cơ thể trên 30kg/m2; có khuynh hướng di truyền hoặc mắc bệnh về huyết khối.

Bên cạnh đó, có tiền sử về huyết khối trong gia đình hoặc bản thân; bất động (ví dụ, sau khi phẫu thuật hoặc suốt chuyến bay đường dài); có bất kỳ một vài yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây huyết khối…

Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, không nên lạm dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên.

Phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài nếu thấy có dấu hiệu phù chi, sưng nề, đau nhức, tím các chi, khó thở tức ngực… nên đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán bệnh lý liên quan, để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
 
Bên trên