Công nghệ giúp cảm thụ nghệ thuật phong phú hơn

Minh Thư

Well-known member
Là một trong những đối tác công nghệ chính của triển lãm Bản Thể, VTT Creative mang đến những giải pháp sáng tạo cho triển lãm nói riêng và chia sẻ những góc nhìn thú vị về sự vận động của nghệ thuật nói chung, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay.

VTT Creative là một creative-house được thành lập từ năm 2018 bởi Giám đốc Sáng tạo Nguyễn Ngọc Linh (Linhdoha), chuyên về nghiên cứu, tư vấn và triển khai các giải pháp công nghệ tương tác (interactive technology) ứng dụng trong đa lĩnh vực. Với 5 năm có mặt trên thị trường, VTT Creative là gương mặt được lựa chọn bởi nhiều nhãn hàng và các agency tên tuổi của ngành công nghiệp quảng cáo.

Năm 2019, VTT Creative ra mắt VTT Signature do anh Nguyễn Ngọc Huy đảm nhận quản lý điều hành. Đây là chương trình thúc đẩy giao lưu và phổ biến ứng dụng công nghệ đến các cộng đồng sáng tạo – xã hội – nhân văn.

Với vai trò đối tác công nghệ, VTT Creative từng tham gia một số dự án nghệ thuật thể nghiệm như Eye See Ai (hợp tác với Hijinx Theatre – Tohe Fun – Mat Tran Ensemble dưới sự tài trợ của British Council), Trình diễn nhạc và thị giác Sinh Cảnh (hợp tác với Nhung Nguyen (Sound Awakener) & Ngầm trong khuôn khổ dự án Xưởng Văn Hóa – một sáng kiến của Viện Goethe Hà Nội. Tiếp nối các hoạt động đưa công nghệ đến gần hơn với nghệ thuật, lần này, VTT Creative cũng tham gia vào triển lãm Bản Thể nhằm hỗ trợ giải pháp công nghệ trong các hạng mục ấn phẩm truyền thông, brand merchandise.

Cùng trò chuyện với anh Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc của VTT Signature, để hiểu thêm về bối cảnh nghệ thuật trước sự tham gia ngày càng sâu sắc của công nghệ trong tương lai.

Chào anh. Khi được mời tham gia triển lãm Bản Thể, anh và VTT Creative có cảm xúc như thế nào? Vì sao các anh nhận lời tham gia triển lãm lần này?


Ở góc độ cá nhân thì ngay từ khi thời điểm VTT Creative được mời tham gia triển lãm Bản Thể và cầm trên tay bản proposal của dự án, tôi đã ngay lập tức cảm nhận được sự nghiêm túc và đầu tư chỉn chu của nghệ sĩ PSI cũng như Bát Tràng Museum. Ở góc độ đại diện cho tổ chức thì với VTT Creative, các hoạt động hợp tác với cộng đồng sáng tạo, cộng đồng nghệ thuật hay các lĩnh vực xã hội – nhân văn luôn là một ưu tiên của chúng tôi.


Vai trò cụ thể của VTT Creative trong triển lãm “Bản Thể” là gì?

Tại dự án lần này, chúng tôi tham gia tài trợ xử lý các hạng mục ấn phẩm truyền thông, brand merchandise mà đòi hỏi sự tham gia của giải pháp công nghệ, ví dụ như thiệp mời AR và standee AR.

Trong điều kiện thời gian lý tưởng và chuẩn bị các nguồn lực đầy đủ hơn, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có thêm những “Bản Thể 2” để có thể tham gia với cả vai trò đối tác tư vấn và cung cấp các giải pháp về công nghệ tương tác nhằm giúp nghệ sĩ có thể tiếp cận và thực hành sáng tác với các format tác phẩm mới mẻ, ví dụ như Phygital hay Mixed Reality (MR, thực tế hỗn hợp tăng cường) phối hợp giữa nội dung thực tế tăng cường (AR) với tác phẩm điêu khắc vật lý chẳng hạn.


Đã tham gia một số dự án nghệ thuật khác nhau, anh có nhận định gì về xu hướng đưa trải nghiệm tương tác thực tế tăng cường (AR) vào triển lãm vật lý ở Việt Nam?

Thực tế tăng cường (AR) thường đòi hỏi người dùng trải nghiệm thông qua thiết bị Mobile. Chiếu theo “kinh nghiệm quốc tế”, các nghệ sĩ Việt Nam đã bắt đầu sử dụng AR trong sáng tác nhiều hơn. Kỹ thuật phổ biến nhất là Image-Tracking với mục đích tạo nội dung AR là phiên bản hoạt họa “động hóa” một tác phẩm thị giác thể hiện trên bề mặt phẳng hình chữ nhật (như tác phẩm thiết kế đồ họa, tranh, ảnh…).

Với các đề bài hay format tác phẩm phức tạp hơn như Mixed Reality (MX) hay Phygital – tác phẩm kỹ thuật số phối hợp với tác phẩm vật lý, cá nhân tôi chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam. Vì thực ra đây cũng là những hình thái tác phẩm còn rất mới mẻ với thế giới, đòi hỏi mức độ đầu tư chỉ riêng cho giải pháp công nghệ cũng đã khá cao. Tuy nhiên, tôi tin rằng những hình thức sáng tác này sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.

Theo chúng tôi biết thì Eye See Ai, một dự án nghệ thuật thể nghiệm mà VTT Creative tham gia dưới vai trò đối tác công nghệ, là dự án duy nhất đến nay áp dụng kỹ thuật AR 3D-object-tracking ở mức độ có thể thể hiện nội dung AR lên những công trình kiến trúc kích thước lớn tại Việt Nam.

Công nghệ thực tế tăng cường có đóng góp như thế nào trong việc nâng tầm trải nghiệm của người thưởng lãm và mở ra những khả năng gì trong việc cảm thụ nghệ thuật?

Tôi quan tâm đến khía cạnh nhiều nghệ sĩ ngày nay có quan điểm tạo ra những tác phẩm mà để cảm thụ nó, đòi hỏi phải có sự tham gia của công chúng và nền tảng hiểu biết, học vấn. Kể cả tương tác vật lý từ người thưởng lãm cũng góp phần làm nên biểu hiện nội dung và ý nghĩa cho tác phẩm. Tác phẩm đôi khi không tồn tại “tĩnh” chỉ với một phiên bản, một lớp ý nghĩa duy nhất nữa. Hiện nay, tôi tạm cho là công nghệ – ví dụ cụ thể như generative art với các hiệu ứng được sinh ra bởi code chẳng hạn – sẽ đóng góp một phần vào xu hướng này. Về mặt tiếp nhận, có lẽ sự tham gia của công nghệ sẽ mang lại những cách cảm thụ phóng khoáng và tự do hơn?

Tuy nhiên, dù có “đề cao” vai trò của công nghệ đến thế nào, tôi cho rằng công nghệ cũng chỉ là phương tiện hay công cụ. Việc nâng tầm trải nghiệm của người thưởng lãm và mở ra những khả năng mới trong cách cảm thụ nghệ thuật phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, tầm nhìn và sự quyết liệt muốn làm của đơn vị tổ chức, nhà giám tuyển và bản thân nghệ sĩ. Các đơn vị đối tác công nghệ không thể thay thế những vai trò này.


Anh có dự đoán như thế nào về xu hướng triển lãm nghệ thuật trong bối cảnh công nghệ phát triển ở tương lai?

Tôi nghĩ công nghệ sẽ có xu hướng xuất hiện ở đầy đủ khía cạnh một triển lãm nghệ thuật. Ngoài hỗ trợ nghệ sĩ thực hành sáng tác, công nghệ cũng hỗ trợ công chúng thưởng thức, đẩy mạnh sự ra đời các hình thái tác phẩm tương tác; tăng cường các bổ trợ tiện ích trong cung cấp thông tin – lý thú hóa các trải nghiệm khám phá; tham gia trong hạng mục trang trí mặt tiền cũng như các hạng mục quảng bá tại địa điểm triển khai. Và tất nhiên, công nghệ cũng tham gia cả truyền thông mạng xã hội.

Một xu hướng đang thành hình – nếu nói tới những triển lãm nghệ thuật có mục tiêu thương mại – là sự xuất hiện ngày càng nhiều các triển lãm nhằm tạo ra các “immersive experience” (tạm dịch là “trải nghiệm đắm chìm”) trong không gian rất lớn, hiệu ứng thị giác và âm thanh ấn tượng, khả năng tương tác hai chiều với tác phẩm thông qua các cử chỉ vật lý hoặc thông qua smartphone của người xem… Từ phương Tây cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, xu hướng này đang dần trở thành một trào lưu tại Đông Nam Á và có thể sẽ sớm thịnh hành ở Việt Nam.
 
Bên trên