Cuộc cách mạng công nghệ AI đưa bảo tàng đến gần công chúng

Võ Xuân Trường

Well-known member
Cuộc cách mạng công nghệ AI đưa bảo tàng đến gần công chúng

Từ hướng dẫn viên ảo đến thiết lập tour du lịch cá nhân hóa, AI đang chuyển đổi cách du khách tương tác với những hiện vật, câu chuyện trong bảo tàng.
Ứng dụng của AI tại bảo tàng trên thế giới
AI có thể được tích hợp vào nhiều khía cạnh khác nhau, từ trải nghiệm của khách tham quan đến các hoạt động trong quá trình vận hành bảo tàng.
10 năm trước, thế giới biết đến Pepper, một robot hình người được phát triển bởi Aldebaran Robotics (nay là SoftBank Robotics). Pepper trả lời các câu hỏi của khách tham quan và tương tác bằng giọng nói, cử chỉ và màn hình cảm ứng tương tác. 6 robot Pepper hiện diện tại ba bảo tàng của Smithsonian, và tổ chức này dự định giới thiệu thêm nhiều robot khác trong tương lai.
Năm 2016, Bảo tàng Quai Branly ở Paris (Pháp) đã giới thiệu Berenson, một robot phê bình nghệ thuật được tạo ra bởi nhà nhân chủng học Denis Vidal và kỹ sư robot Philippe Gaussier. Berenson sử dụng AI để ghi lại phản ứng của khách tham quan đối với nghệ thuật và phát triển sở thích thẩm mỹ riêng của mình. Thông qua một camera trong mắt, robot ghi lại phản ứng, chia sẻ với máy tính và điều chỉnh đánh giá dựa trên phản hồi nhận được từ du khách.
Robot Berenson ở Bảo tàng Quai Branly. Ảnh: Musée Du Quai Branly
Robot Berenson ở Bảo tàng Quai Branly. Ảnh: Musée Du Quai Branly
Ngoài robot, người ta còn sử dụng AI làm hướng dẫn viên ảo trong bảo tàng. Năm 2022, Bảo tàng Louvre đã giới thiệu "Leonardo", một trợ lý ảo được điều khiển bởi AI cung cấp các tour du lịch cá nhân hóa và thông tin theo thời gian thực. AI giúp nâng cao trải nghiệm của khách tham quan bằng cách tương tác và cung cấp nhiều thông tin hơn.
Thực tế tăng cường (AR) kết hợp với AI cũng đang thu hút sự chú ý. Ứng dụng AR của Bảo tàng Anh, ra mắt năm 2023, sử dụng AI để tạo ra các trải nghiệm sống động, cho phép khách tham quan nhìn thấy các hiện vật lịch sử trong bối cảnh ban đầu của chúng thông qua điện thoại thông minh hoặc kính AR.
Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng trên thế giới sử dụng AI để tăng khả năng hòa nhập tiếp cận với khách tham quan. Tiêu biểu, chat bot IRIS+ ở Bảo tàng Tương lai ở Rio de Janeiro cung cấp dịch vụ dịch ngôn ngữ ký hiệu cho khách tham quan khiếm thính và mô tả âm thanh cho người khiếm thị.
IRIS+ giới thiệu bản thân và trò chuyện với khách tham quan. Ảnh: American Alliance of Museum
IRIS+ giới thiệu bản thân và trò chuyện với khách tham quan. Ảnh: American Alliance of Museum
Ngoài ra, AI còn được ứng dụng trong bảo tàng để quản lý các thư viện, chuyển đổi dịch vụ khách hàng, tạo nội dung, cung cấp phân tích dự đoán và xử lý dữ liệu theo thời gian thực...
Ví dụ, Chat GPT tạo ra các trải nghiệm tương tác và cá nhân hóa, cung cấp cho khách tham quan thông tin chi tiết và trả lời các câu hỏi của khách tham quan. Google Gemini cung cấp khả năng dự đoán, giúp các bảo tàng quản lý lưu lượng khách tham quan, tối ưu hóa việc sắp xếp triển lãm và dự đoán nhu cầu bảo trì.
AI cũng hỗ trợ phân tích cảm xúc, cho phép các bảo tàng hiểu rõ hơn về phản ứng của khách tham quan đối với các triển lãm và điều chỉnh cho phù hợp. Các thuật toán AI có thể phân loại và gắn thẻ các hiện vật, làm cho việc tìm kiếm và truy cập dễ dàng hơn cho cả nhân viên bảo tàng và công chúng.
Điều này không chỉ bảo tồn các hiện vật mà còn làm cho chúng dễ tiếp cận hơn với các nhà nghiên cứu và những người đam mê khảo cổ.
Ứng dụng công nghệ ở bảo tàng Việt Nam
Cùng với sự phát triển của thế giới, công nghệ cũng được ứng dụng ở các mức độ khác nhau, để thu hút khách tham quan ở các bảo tàng tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tàng tại Việt Nam không chỉ giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Tiêu biểu, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D để giới thiệu trưng bày. Từ năm 2013, bảo tàng đã sử dụng công nghệ này cho các chuyên đề như "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam" và "Đèn cổ Việt Nam", giúp công chúng có thể tham quan trực tuyến và tương tác với hiện vật một cách chi tiết.
Năm 2022, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình Robot Batalis để thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Robot này có khả năng trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật và các phòng trưng bày, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Robot Batalis của Bảo tàng Lịch sử TPHCM: Robot Batalis
Robot Batalis được sử dụng tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.
Học sinh trải nghiệm tương tác với Robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Học sinh trải nghiệm tương tác với Robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Ngoài ra, nhiều bảo tàng khác ở Việt Nam như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật... cũng đang áp dụng công nghệ thực tế ảo và 3D để số hóa hiện vật, không gian trưng bày, giúp khách tham quan có thể trải nghiệm mới mẻ và tiếp cận thông tin một cách thuận tiện hơn.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang ứng dụng nhiều sản phẩm của công nghệ cho công tác trưng bày, triển lãm như thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Tour 3D, triển lãm mỹ thuật trực tuyến… Đặc biệt, bảo tàng ứn dụng Giải pháp Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến VAES đem đến trải nghiệm tham quan mới mẻ.
Đồng thời, các bảo tàng cũng đang số hóa dữ liệu để công tác lưu trữ, giảng dạy dễ dàng hơn.
Thách thức khi tiếp cận AI
Để tiến tới ứng dụng những công nghệ số tân tiến, đặc biệt là AI, các bảo tàng ở Việt Nam vẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu và nguồn lực.
Các bảo tàng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, vấn đề cấp bách là tìm nhân lực phù hợp và có kỹ năng để phát triển số hóa. Nhiều bảo tàng chưa có đội ngũ chuyên trách, phải hợp tác với các đơn vị bên ngoài trong mảng công nghệ, truyền thông...
Ví dụ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giải quyết vấn đề này bằng cách hợp tác với một công ty công nghệ và chia sẻ lợi nhuận. Một số bảo tàng khác áp dụng mô hình vừa học vừa làm.
Thứ hai, nguồn kinh phí cho hoạt động số hóa rất lớn, đôi khi vượt quá khả năng của các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng địa phương. Một số bảo tàng chỉ mới số hóa được một phần nhỏ, chưa thể thực hiện toàn diện và chi tiết.
Hiện nay, tiềm năng công nghệ tại Việt Nam đã bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu. Điều quan trọng nhất là lựa chọn giải pháp phù hợp với từng đối tượng và chuyên môn của bảo tàng.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo AI phát triển thần tốc, đây có thể trở thành công cụ đắc lực để giúp các bảo tàng mô phỏng, phân loại, lưu trữ thông tin và hiện vật. AI được ví như chìa khóa giúp bảo tàng trở nên sống động, trực quan, đến gần hơn với công chúng.
Nếu có thể ứng dụng AI trong quá trình đổi mới, số hóa thông tin, hiện vật... trong hoạt động, các bảo tàng tại Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được những bước chuyển mình ngoạn mục, hấp dẫn đông đảo khách tham quan.
 
Bên trên