Cuộc sống ở 'vọng gác tiền tiêu' biên giới Tây Nam

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Phần lớn hộ dân ở đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, sở hữu hai căn nhà tạm ở chân ghềnh đá, mỗi năm di chuyển hai lần theo mùa gió thổi.

Hòn Chuối cách đất liền 32 km, là một trong những đảo tiền tiêu phía tây nam của Tổ quốc. Đảo có độ dốc lớn, điểm cao nhất so với mực nước biển gần 170 m, mưa ít, nắng nhiều, một năm có hai mùa gió chướng và nam.

Xung quanh đảo toàn ghềnh đá, sóng to gió lớn, quân dân đi lại chủ yếu bằng ghe, thuyền.
Trên đảo, ngoài 70 hộ dân sinh sống còn có các lực lượng vũ trang đóng quân, như Trạm radar 615 (Trung đoàn 551 thuộc Vùng 5 Hải quân), Đồn biên phòng 704 thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau; một đơn vị công binh và trạm hải đăng thuộc ngành giao thông vận tải.

Từ ghềnh, người dân muốn đi vào trung tâm đảo phải leo hơn 300 bậc cầu thang đá độ dốc lớn. Việc đi lại mùa nắng ráo ít gặp nguy hiểm, song mùa mưa nước đổ ào ào xuống khiến nhiều đoạn bị xói lở.
Ngày 15-20/1, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân cùng đại diện tỉnh thành phía Nam thăm, tặng quà và chúc Tết Giáp Thìn quân dân các đảo Tây Nam. Hòn Chuối là điểm đến thứ ba trong hải trình gần 600 km.


Đảo có gần 200 nhân khẩu, chủ yếu nuôi cá bớp lồng bè trên biển, đánh bắt hải sản, buôn bán tạp hóa. Dân cư quần tụ dưới chân ghềnh, dựng nhà "bám" tạm vào vách đá.
Hai mùa gió thổi qua Hòn Chuối rất rõ rệt, gió tây nam từ tháng 4 đến 9 và gió mùa đông bắc (gió chướng) từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Các ghềnh đá được đặt tên theo mùa gió: Ghềnh nam, ghềnh chướng và ghềnh nồm.
Phần lớn gia đình trên đảo dựng hai căn nhà ở các ghềnh. Tháng 3 khi giao mùa, họ chuyển về ghềnh chướng để tránh gió mùa tây nam và nửa năm còn lại về ghềnh nam tránh gió chướng. Mỗi lần người dân chuyển chỗ, hải quân, bộ đội biên phòng và trạm hải đăng lại xuống giúp gia cố nhà, chở đồ đạc.

"Có năm hết mùa gió, trở về ghềnh thấy nhà còn mấy cái cọc", chị Bùi Phương Thì, ngụ 19 năm trên đảo nói sống mãi cũng quen.
Người phụ nữ quê Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, về làm dâu đảo năm 2005. Chị bán hàng tạp hóa dưới chân ghềnh cho tàu ghe qua lại, chồng nuôi cá bớp lồng bè. Năm mưa thuận gió hòa, một vụ cá bớp nuôi trong 11 tháng cho gia đình thu nhập khoảng 50 triệu đồng.

Rau húng và cụm hành lá trong chiếc xô cũ là số cây ít ỏi chị Thì trồng được khi sống trên ghềnh đá. Chị vun ít đất, để hai phần ba thân cây nằm trong lòng xô tránh nắng gió.


Nơi Internet và thiết bị điện tử hạn chế, những đứa trẻ lớn lên trên đảo đôi lúc tự chế trò chơi từ chiếc vỏ lon, trong lúc cha mẹ ngược xuôi buôn bán, đi đánh bắt, nuôi cá lồng bè.

Đảo chưa có trạm y tế cùng hệ thống trường học quốc gia. Lớp duy nhất trên đảo từ khối 1 đến khối 7 học chung, do thiếu tá Trần Bình Phục, Đội phó Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, phụ trách.
Thầy giáo tình nguyện mở lớp năm 2009 khi chứng kiến những đứa trẻ không đến trường mà theo chân cha mẹ khuân từng thùng hàng lên núi kiếm sống hay lên ghe, thuyền đi câu. Lớp học những ngày đầu chỉ vài bộ bàn ghế cũ, sau kiên cố dần từ nhiều nguồn đóng góp.

Mỗi khối vài học trò ngồi quay các hướng. Tấm bảng ngăn đôi, một bên dạy Tiếng Việt cho lớp 3, bên còn lại dạy Toán lớp 2. Thầy giáo dưới bục xoay vần, cầm tay kèm học trò bé tập viết chữ cái, rồi quay sang kiểm tra phép toán học sinh lớp lớn.


Đào Thị Yến Nhi (bên phải), lớp 3, có hai anh chị lớp 8 và 10 đều đã rời đảo vào đất liền đi học tiếp. Nhi chưa biết sau này theo nghề nào nhưng luôn mong được rời đảo để học lên cao. Các học trò khác, có em muốn làm giáo viên, em mong làm bác sĩ, hoặc chưa biết sẽ làm gì nhưng luôn nhớ lời thầy Phục "ráng học để đổi đời".

15 năm qua, lớp của thầy giáo quân hàm xanh đã đón 45 học sinh. 20 em trong số này đã vào đất liền học tiếp lớp 8, bốn em vào đại học. Trẻ em trên đảo đến tuổi đều vào lớp, giải quyết dứt điểm tình trạng không biết đọc, viết. Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.
 
Bên trên