"Đại dịch" cô đơn: Con người ăn cơm với điện thoại, cuối tuần ở nhà online

Nguyễn May

Well-known member
Sự cô đơn đã và đang trở thành một "vấn nạn xã hội" của thế kỷ 21. Con người lờ mờ nhận ra ăn cơm với cái điện thoại nhiều hơn là bạn bè, cuối tuần dành thời gian online hơn là ra ngoài tương tác.

Thế kỷ cô đơn của Noreena Hertz, do Mai Chí Trung dịch, được Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 7. Đây là một tác phẩm khoa học xã hội hấp dẫn bởi số liệu, thông tin từ hàng trăm nguồn dữ liệu có giá trị.

Cuốn sách gây rung động sâu sắc vì đem đến cho người đọc cái nhìn tổng quát về các mối quan hệ xã hội ở khắp mọi nơi trên thế giới: Dường như xu hướng chung là mọi người ngày càng xa cách và không chỉ vì đại dịch, sự cách ly, hay công nghệ, mà thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ cô đơn.

Bởi từ trước đại dịch Covid-19, con người đã tự cô lập vì nhiều lý do: việc tổ chức lại nơi làm việc, sự di cư ồ ạt từ thôn quê lên thành phố, quan điểm đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể...

Cuốn sách gồm 11 chương: Đây là thế kỷ cô đơn; Sự cô đơn - Kẻ sát nhân thầm lặng; Chú chuột cô đơn; Thành phố cô độc; Kỷ nguyên không tiếp xúc; Màn hình của chúng ta, con người của chúng ta; Đơn độc tại văn phòng; Chiếc roi kỹ thuật số; Tình dục, tình yêu và robot; Nền kinh tế cô đơn Xích lại gần nhau trong một thế giới ngày càng xa cách.

Đại dịch cô đơn: Con người ăn cơm với điện thoại, cuối tuần ở nhà online - 1

Bìa sách "Thế kỷ cô đơn" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Tác phẩm bắt đầu từ khái quát chung về lý do vì sao thế kỷ 21 bị coi là "thế kỷ cô đơn", cho đến ảnh hưởng của sự cô đơn đến sức khỏe con người. Sự cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn cả sức khỏe thể chất. Cô đơn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và làm sa sút trí tuệ.

Những thử nghiệm khoa học với động vật bị cô lập bắt buộc, lý giải nguyên nhân vì sao càng ở thành phố lớn và đông đúc, con người càng cô độc.

Kế tiếp, Noreena Hertz phân tích đại dịch đã phóng chiếu sự lo lắng và những tương tác "không tiếp xúc" giữa con người ra sao, sự tác động của công nghệ: Con người ngày càng đối diện với màn hình nhiều hơn là đối diện nhau.

Những cơ chế giao tiếp tại văn phòng hiện đại đã thay đổi chóng mặt, khi mô hình công ty buộc phải thay đổi sau đại dịch, hình thức làm từ xa và làm hỗn hợp gia tăng, các luồng báo cáo cũng thay đổi.

Tiếp đó, tác giả nhắc đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, sự thay thế con người trong cả những việc cần sự giao tiếp với con người, sự ảnh hưởng tới tình dục và tình yêu.

Nền kinh tế phục vụ sự cô đơn - ví dụ những sản phẩm/dịch vụ cho một người, dịch vụ cho thuê bạn bè, những hoạt động mang lại tương tác ảo khiến con người thấy mình còn thuộc về đám đông... ngày càng phát triển.

Vai trò của nhà nước trong quản lý xã hội và tác động đến lối sống của người dân như thế nào. Và liệu mỗi cá nhân, mỗi quốc gia có thể làm gì để giảm xu hướng cô đơn tiêu cực?

Sự cô đơn đã và đang trở thành một "vấn nạn xã hội" của thế kỷ 21. Con người lờ mờ nhận ra ăn cơm với cái điện thoại nhiều hơn là bạn bè, cuối tuần dành thời gian online hơn là ra ngoài tương tác.

Chưa bao giờ "đại dịch cô đơn" lan rộng như lúc này. Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc khủng hoảng mà con người có thể giải quyết.

Cuốn sách cung cấp một số giải pháp táo bạo để giải quyết tình trạng cô đơn trong thế kỷ 21 như: AI nhân ái, các mô hình sáng tạo cho cuộc sống đô thị và những cách mới để truyền sinh khí cho các khu dân cư và dung hòa sự khác biệt trong cộng đồng.

Đại dịch cô đơn: Con người ăn cơm với điện thoại, cuối tuần ở nhà online - 2

Tác giả Noreena Hertz (Ảnh: TED Talk).

Thế kỷ cô đơn sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hy vọng và cảm hứng về cách chữa lành các cộng đồng bị chia rẽ và giúp con người xích lại gần nhau hơn.

"Trong cuốn sách hấp dẫn này, Noreena Hertz đã mô tả những tác động về thể chất, tinh thần, kinh tế và xã hội của sự cô đơn.

Cuốn sách không chỉ cung cấp một khảo sát với nhiều bằng chứng hấp dẫn, mà còn là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ tới chính phủ các nước, các doanh nghiệp, xã hội và mỗi người - để giải quyết và xoa dịu cuộc khủng hoảng cô đơn và xây dựng một thế giới đoàn kết và tử tế hơn", Sarah Jayne Blakemore, Giáo sư tâm lý học, Đại học Cambridge nhận xét.
 
Bên trên