Đại học cho người già nở rộ ở Trung Quốc

Nguyễn May

Well-known member
Người già ở Trung Quốc đang theo đuổi cuộc sống thú vị và viên mãn hơn, khi hàng loạt trường học dành cho các sinh viên tuổi xế chiều ra đời.

Li Jing là một trong những sinh viên đầu tiên tham gia khóa học của Đại học Cao niên Trung Quốc (SUC). Hôm 23/3, sinh viên 64 tuổi này đã đăng ký học các kỹ thuật đọc thuộc lòng và cảm thấy hài lòng.

"Tôi hy vọng học được một số kỹ thuật để giọng nói của mình có nhịp điệu và dễ nghe hơn. Các giáo viên nói rằng mấu chốt của việc này là để hiểu ý nghĩa của văn bản và chuyển tải cảm xúc thông qua giọng nói", bà Li cho hay.

Ngoài khóa học trên, bà Li còn muốn đăng ký các lớp khiêu vũ và thái cực quyền.

"Người già phải tiếp tục học và rèn luyện thường xuyên để duy trì sự năng động, cả về thể chất lẫn tinh thần", bà Li nói thêm.

Theo Liu Caimei, phó giám đốc văn phòng phát triển và quản lý tại SUC, tại cơ sở ở quận Hải Điến, thành phố Bắc Kinh, học kỳ mới bắt đầu hôm 20/3 có hơn 800 người đăng ký ở 44 khóa học. Ngoài ra, những người từ 50 tuổi trở lên có thể đăng ký và tham gia các khóa miễn phí trên Internet.

Các sinh viên lớn tuổi trong một lớp học dạy kỹ thuật cắm hoa. Ảnh: China Daily

Các sinh viên lớn tuổi trong một lớp học dạy cắm hoa. Ảnh: China Daily

SUC là một trong những đại học cao niên hoạt động dưới sự quản lý của Đại học Mở Trung Quốc (OUC) - ngôi trường được coi là đại học quốc gia dành cho người cao tuổi, thuộc Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc.

Đại học Mở Trung Quốc lập một đội đặc biệt để thành lập trường đại học cao niên, phát triển nền tảng dịch vụ giáo dục công quốc gia cho người lớn tuổi, gồm một trang web, một ứng dụng và một chương trình WeChat cung cấp 407.000 khóa học trực tuyến. Ngoài ra, trường này cung cấp tài liệu chất lượng cao cho các tổ chức tương tự trong toàn quốc.

Tính đến cuối năm ngoái, nước này có 30 chi nhánh đại học người cao tuổi cấp tỉnh và nhiều cơ sở chuyên biệt. Ngoài ra, OUC thành lập hơn 55.000 điểm giáo dục cấp cơ sở để phục vụ nhu cầu học của người lớn tuổi. Tổng cộng, khoảng 8.000 giáo viên gia nhập mạng lưới này. Một số khóa học miễn phí do chính quyền các địa phương tài trợ.

Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Huai Jinpeng cho biết việc thành lập trường là biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề già hóa dân số, là dấu mốc quan trọng trong cải cách và phát triển giáo dục cho người lớn tuổi. Thông qua đó, nước này thúc đẩy giáo dục suốt đời, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, mang đến cho người cao tuổi cơ hội tiếp tục học tập và tận hưởng niềm vui.

Dự kiến, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc vượt quá 300 triệu vào năm 2025.

Giáo viên (ngoài cùng bên trái) trả lời các câu hỏi của các sinh viên lớn tuổi. Ảnh: China Daily

Giáo viên (ngoài cùng bên trái) trả lời các câu hỏi của các sinh viên lớn tuổi. Ảnh: China Daily

Bà Li đã nghỉ hưu cách đây 9 năm, bà từng học nhiều khóa chỉnh sửa video ngắn tại OUC. Bà cũng đã tham gia khóa người mẫu của một công ty tư nhân, nơi có học phí đắt hơn nhiều so với các lớp học ở ngôi trường mới SUC.

"Tất cả khóa học đó đã làm phong phú cuộc sống của tôi. Tôi đã kết bạn với nhiều người có cùng sở thích", bà nói.

Bà Jing Changying cũng đăng ký học hát tại SUC. Trước đó, năm 2021, bà học thư pháp và lý thuyết âm nhạc ở OUC.

"Điều quan trọng không phải là các khóa học tốt thế nào mà tôi tham gia để làm phong phú thêm cuộc sống và phát triển sở thích của mình", sinh viên 60 tuổi nói, cho biết nhờ vậy, bà thích nghi với việc về hưu cách đây 5 năm tốt hơn nhiều đồng nghiệp.

Theo bà Jing, trang thiết bị giảng dạy và giáo viên tại SUC tốt hơn nhiều so với các cơ sở tư nhân. Bà cũng chỉ phải trả vài trăm nhân dân tệ cho một học kỳ với một buổi mỗi tuần. Ngoài đi học, bà chăm sóc cha mẹ và một đứa cháu; luyện viết thư pháp, chơi piano, hát và đi du lịch với một người bạn.

"Chúng tôi theo đuổi cuộc sống thú vị và viên mãn hơn", bà nói.

Bà Jing cho rằng trước tốc độ già hóa dân số, chính phủ nên hỗ trợ thêm cho các đại học để nhiều người lớn tuổi trên khắp đất nước có thể tiếp cận giáo dục chất lượng cao, chi phí rẻ. Hiện sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn về giáo viên và nguồn lực giảng dạy vẫn tồn tại.

Theo tài liệu do Hội đồng Nhà nước công bố hồi tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập ít nhất một trường đại học dành cho người cao tuổi ở mỗi quận vào năm 2025. Nhưng Liu ở SUC cho rằng vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu đó và đáp ứng nhu cầu giáo dục của đông đảo dân số cao tuổi của đất nước.

Ngoài ra, việc khai thác những lợi ích của giáo dục trực tuyến rất quan trọng vì ngày càng nhiều người cao tuổi quen với việc sử dụng Internet. Giáo dục trực tuyến cũng được sử dụng rộng rãi và thành công trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tương tác xã hội cũng rất quan trọng với người già, vì vậy giáo dục người cao niên nên kết hợp các lớp học trực tuyến và trực tiếp.

Các học viên luyện tập trong một lớp học làm người mẫu. Ảnh: China Daily

Các học viên luyện tập trong một lớp học làm người mẫu. Ảnh: China Daily

Theo Bộ trưởng Huai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc chia sẻ các nguồn lực chất lượng và mở rộng dịch vụ giáo dục đến các thị trấn, làng mạc và cộng đồng để biến trường đại học dành cho người cao tuổi thành một ngôi trường không có ranh giới giữa các cộng đồng, khu học xá và xã hội.

Các trường cao đẳng và đại học được yêu cầu cung cấp dịch vụ phù hợp cho người cao tuổi. Ông Huai cho biết Trung Quốc cũng khuyến khích các trường tiểu học và trung học tham gia vào sáng kiến giáo dục này bằng cách cung cấp cơ sở thể thao và văn hóa, hỗ trợ giáo viên.

Bà Liu hy vọng SUC có thể trở thành một ngôi trường sáng tạo, cởi mở và có ảnh hưởng đối với người lớn tuổi.

"Chúng tôi tin nhiều người cao tuổi có thể được hưởng nền giáo dục chất lượng cao gần nhà của họ. Nhờ đó, họ có thể tận hưởng cuộc sống bằng cách học hỏi và tiến bộ không ngừng", bà Liu nói.
 
Bên trên