Đài Loan, nền kinh tế không thể thiếu trong ngành bán dẫn toàn cầu

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
Đài Loan, nền kinh tế không thể thiếu trong ngành bán dẫn toàn cầu


Đài Loan vẫn tiếp tục là bên không thể thiếu trong sản xuất công nghệ đối với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, bất chấp các căng thẳng địa chính trị.

Chuyến viếng thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ

Trong những ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc đó là Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào năm ngoái, các nhà cung cấp Đài Loan cho những gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ bao gồm Apple, Google, Meta và Amazon đã nhận được hằng hà sa số yêu cầu từ khách hàng của họ. Với câu hỏi là liệu họ có thể sản xuất từ bên ngoài Đài Loan để đảm bảo nguồn cung cấp, trong trường hợp Bắc Kinh gây chiến tranh giành hòn đảo?

Chuyến thăm của bà Pelosi đã gây ra nhiều tranh cãi ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh, mà họ đáp lại chuyến đi của bà bằng các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh đảo Đài Loan. Nó đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghệ, hiện có thể đe dọa chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
Hsieh Yong-fen, nhà sáng lập công ty cung cấp dịch vụ thử nghiệm vật liệu và chip MA-tek cho biết: “Nếu bất kỳ ai tấn công Đài Loan, hoặc giả sử có một sự gián đoạn nghiêm trọng… thì ngành công nghệ và điện tử trên toàn thế giới về cơ bản sẽ bị chao đảo.
Hình 1.jpg

Hai tấm wafer đang được trưng bày tại Viện Nghiên cứu Chất bán dẫn Đài Loan (TSRI), ở Tân Trúc, Đài Loan, vào ngày 11 tháng 2 năm 2022. Ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo này rất quan trọng đối với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Để đảm bảo nguồn cung cấp chip, các chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra các biện pháp khuyến khích nhằm đưa hoạt động sản xuất chip vào trong nước. Ảnh: Asiafinancial.

Apple đã từ chối cho ý kiến về nguy cơ này. Meta, Google và Amazon cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Một động thái không có gì đáng ngạc nhiên nơi các công ty lớn này khi mà sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, cũng như Đài Loan là quá lớn để họ có thể đưa ra bất kỳ ý kiến rõ ràng nào.
Đài Loan nổi tiếng với việc sản xuất chất bán dẫn cực kỳ tiên tiến. Nhưng các công ty của họ cũng sản xuất ra các thành phần trọng yếu khác từ bảng mạch in cho đến ống kính máy ảnh tiên tiến và họ điều hành các hoạt động lắp ráp thiết bị trên quy mô lớn ở Trung Quốc.
https2F2Fimages2F32F32FDSC04386re.jpg

Đài Loan có một số lượng lớn các kỹ sư bán dẫn có năng lực, bao gồm cả những người tại Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Trong ảnh là một nhà máy TSMC ở thành phố Đài Nam phía nam Đài Loan. Ảnh: Akira Kodaka, Nikkei Asia.

Điều này đã tạo ra một tam giác phụ thuộc lẫn nhau quan trọng giữa Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà nó ngày một sâu sắc hơn ngay cả khi căng thẳng giữa Bắc Kinh, Washington và Đài Bắc gia tăng.
Một cuộc kiểm tra về chiếc iPhone phổ biến của Apple cho thấy rõ lý do tại sao. Đây là một trong những thiết bị tiêu dùng thành công nhất mọi thời đại: 2.4 tỷ chiếc đã được bán kể từ khi ra mắt vào năm 2007, mang lại doanh thu hơn 1 nghìn tỷ USD cho Apple trong 15 năm.
Thành công của iPhone dựa trên chuỗi cung ứng rộng khắp châu Á về sản xuất chip, màn hình, loa và nhiều thứ khác trên quy mô gần như không thể tưởng tượng được. Trung tâm của nó là cả Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan.
Gần 70% các nhà cung cấp hàng đầu của Apple, sản xuất mọi thứ, từ bộ vi xử lý đến vỏ case thiết bị, có trụ sở hoặc ở Trung Quốc (26%), Đài Loan (23%) hoặc Hoa Kỳ (18%). Nhật Bản (17%) và Hàn Quốc (7%) cũng lọt vào top 5.
Công ty Luxshare Precision Industry của Trung Quốc, ban đầu là nhà cung cấp linh kiện cho Apple, bắt đầu sản xuất iPhone vào năm 2021. Nhà vô địch trong mảng chế tạo màn hình của đại lục, BOE Technology Group, hiện sản xuất một số màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ tiên tiến cho iPhone, mảng này trước đây là lĩnh vực độc quyền của các nhà sản xuất Hàn Quốc. Nhà sản xuất ống kính máy ảnh Trung Quốc Sunny Optical Technology lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách nhà cung cấp năm 2023, lấn sân sang thị trường trước đây chỉ thuộc về những công ty Đài Loan.
fcb814af-aff9-409d-9641-aeb8d389650a.jpg

Thủ phủ Đài Bắc về đêm, với tòa tháp Đài Bắc 101 cao nhất trên đảo. Ảnh: Agoda.

Trung Quốc cũng là nơi lắp ráp 95% tổng số iPhone, một con số ít khi thay đổi kể từ khi iPhone ra mắt. Đất nước này cũng là một thị trường lớn của Apple, cung cấp khoảng 1/5 tổng doanh thu hàng năm.
Càng làm phức tạp thêm bức tranh này là thực tế rằng nhiều nhà cung cấp Đài Loan và Hoa Kỳ phục vụ Apple từ hàng trăm cơ sở ở Trung Quốc đại lục.

Nếu thiếu đi bất kỳ thành phần nào trong số này, một chiếc iPhone sẽ không phải là iPhone nữa. Nhưng một công thức đã hoạt động trong một thập kỷ rưỡi đang được đưa vào thử nghiệm khi căng thẳng địa chính trị viết lại các quy tắc của việc sản xuất công nghệ.
Tại cuộc họp của Nhóm G7 tại Nhật Bản vào tháng 5, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố sẽ “giảm sự phụ thuộc quá mức trong chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta”. Washington quyết tâm thu hồi lại hoạt động sản xuất chip tiên tiến từ tay châu Á, trong khi Bắc Kinh đang chạy đua để thiết lập uy thế công nghệ của riêng mình. Còn Đài Loan thì bị cuốn vào giữa cuộc chạy đua này.
Hình 2.jpg

Bên trong chiếc iPhone của Apple
Để hiểu lý do đằng sau tam giác phụ thuộc lẫn nhau đã xuất hiện giữa Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ, chúng ta hãy nhìn vào bên trong chiếc iPhone rất phổ biến hiện nay. Các thành phần của điện thoại iPhone cho thấy chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan bị ràng buộc chặt chẽ như thế nào. Mỗi chiếc iPhone đòi hỏi phải có khoảng 1,500 linh kiện. Được thể hiện trong hình chỉ là những phần tổng quát nhất. Ảnh: Nghiên cứu của Nikkei/FT, TurboSquid.

Hình 3.jpg

Các linh kiện có giá trị nhất -- bao gồm bộ xử lý lõi, camera và chip Wi-Fi -- được sản xuất tại Đài Loan bởi các công ty Đài Loan. Các nhà cung cấp của hòn đảo chiếm gần 200 đô la, tương đương với 36%, trong tổng hóa đơn vật liệu cho mỗi chiếc iPhone.
Hình 4.jpg

Tuy nhiên, một số con chip lại được thiết kế bởi Apple hoặc các nhà phát triển chip khác của Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc Châu Âu. Một số vật liệu hiệu suất cao cũng được cung cấp bởi các nhà sản xuất Hoa Kỳ, chẳng hạn như kính cường lực từ hãng Corning (là một bộ phận hẳn hoi của iPhone chứ không phải kính cường lực gắn thêm sau khi mua máy).
Hình 5.jpg

Các nhà cung cấp Trung Quốc chủ yếu chịu trách nhiệm lắp ráp sản phẩm và các bộ phận cơ khí. Số lượng các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc đã vượt qua tất cả các quốc gia và khu vực khác để trở thành nguồn cung cứng lớn nhất cho điện thoại iPhone xét về mặt số lượng công ty trong vài năm qua.


Được sản xuất tại Hoa Kỳ

Nhà máy tại Arizona: đáp án cho một phần nhỏ của bài toán
Vào đầu tháng 12, đứng dưới ánh nắng chói chang của Arizona, CEO Tim Cook của Apple đã lên sân khấu cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để chào mừng một sự kiện quan trọng: Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đang di chuyển thiết bị vào nhà máy chip mới trị giá 40 tỷ đô la của họ ở Phoenix - nhà máy đầu tiên của nhà sản xuất chip theo hợp đồng của Đài Loan ở Hoa Kỳ sau hơn 20 năm. Trước đó vào năm 1995 TSMC từng khởi công một nhà máy ở phía nam bang Washington, nhưng cuối cùng phải ngừng hoạt động vì gặp phải tình trạng chi phí quá cao và nhiều vấn đề về con người và văn hóa địa phương.

Việc sản xuất từ một nhà máy đặt tại Hoa Kỳ cũng là bước đi chiến lược của TSMC, cho phép công ty này cạnh tranh tốt hơn với các nhà sản xuất chip khác của Hoa Kỳ và đấu thầu các hợp đồng của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ. Việc mở rộng nhà máy ở Phoenix nhằm đưa hoạt động sản xuất vi mạch tiên tiến đến gần Hoa Kỳ hơn và tránh xa mọi khả năng đối đầu với Trung Quốc. Ngành công nghiệp bán dẫn hiện tại của Arizona là một trong những lý do khiến nhà sản xuất chip chọn Phoenix cho cơ sở của mình.
“Đây là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng. Đó là cơ hội để Hoa Kỳ mở ra một kỷ nguyên mới trong hoạt động sản xuất tiên tiến,” ông Cook nói với đám đông các chính trị gia và những nhân vật nặng ký trong ngành công nghệ. TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có kế hoạch sản xuất một phần chất bán dẫn tiên tiến nhất của mình trên đất Mỹ bắt đầu từ năm tới.
Hình Cook.jpg

Ông Cook phát biểu hôm 7 tháng 12/2022 nhằm chúc mừng nhà máy mới của TSMC ở Phoenix và cho biết Apple sẽ sử dụng các chip được làm tại Hoa Kỳ lần đầu tiên sau một thập niên. Ảnh: Fortune.
Và với tư cách là một trong những khách hàng đầu tiên của nhà máy, lần đầu tiên Apple sẽ có thể đóng dấu “Made in America” trên các chip cốt lõi của mình.

Phần lớn bài toán còn lại không có hướng giải quyết
Điều còn chưa được trả lời là các chất bán dẫn tiên tiến như thế này chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng điện tử. Một chiếc điện thoại thông minh đơn lẻ đòi hỏi một dải chip rộng, bao gồm một loạt “chip đồng hành” kém tiên tiến hơn, tổng cộng có hơn 1,500 thành phần – đó là chưa kể khâu lắp ráp cuối cùng, mà tất cả đều tập trung ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu về hậu cần của chuỗi cung ứng quốc tế, vốn được xây dựng qua nhiều thập kỷ toàn cầu hóa. Căng thẳng địa chính trị - cụ thể hơn là mối đe dọa chiến tranh đối với Đài Loan - đang chất thêm áp lực buộc các công ty công nghệ phải thay đổi cách thức họ hoạt động.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng, một vị tướng hàng đầu của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ gần đây đã dự đoán rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ đi đến chiến tranh vì Đài Loan vào năm 2025.
“Hai năm trước do cuộc chiến thương mại của Trump, các khách hàng nói với chúng tôi rằng họ muốn có những lựa chọn sản xuất “bên ngoài Trung Quốc”, vì vậy chúng tôi quyết định mở rộng năng lực sản xuất tại Đài Loan, cơ sở quê nhà của chúng tôi,” một giám đốc điều hành của Unimicron Technology, nhà sản xuất bảng mạch in cung cấp cho Apple, Intel và những công ty khác, cho biết.
2022-08-03T044550Z_2028027254_RC2SOV9OOX9C_RTRMADP_3_ASIA-PELOSI.jpg

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ khi đó là Nancy Pelosi, đứng giữa, phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc vào ngày 3 tháng 8 năm 2022. Ảnh: Brookings.

Sau đó, khi công ty Unimicron đang trong quá trình mở rộng trị giá hàng tỷ đô la ở Đài Loan, Pelosi đã đến thăm Đài Bắc vào tháng 8 năm ngoái. Một Bắc Kinh tức giận, vốn coi hòn đảo là một phần lãnh thổ của mình, đã đáp trả bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự trực tiếp ngoài khơi bờ biển Đài Loan -- và các khách hàng của Unimicron trở nên lo lắng.
Vị giám đốc điều hành cho biết: “Khách hàng của chúng tôi khi đó nói rằng họ muốn một số lựa chọn sản xuất thay thế nằm bên ngoài Trung Quốc và cả bên ngoài Đài Loan vì lo ngại chiến tranh. Chúng tôi choáng váng và không nói nên lời, và rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng vậy. … Làm thế nào để chuỗi cung ứng có thể được chuyển ra khỏi Trung Quốc và Đài Loan? Khi mà phần lớn các chuỗi cung ứng điện tử đều ở đây.
Kể từ giữa năm ngoái, Intel, Advanced Micro Devices (AMD), Nvidia, Meta, Google và Amazon đều đã yêu cầu bổ sung năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc và Đài Loan, một số giám đốc điều hành công nghệ cho Nikkei Asia biết như vậy. HP và Dell - nhà sản xuất máy tính xách tay lớn thứ hai và thứ ba thế giới - đã đặc biệt nói với các nhà cung cấp của họ rằng hãy bắt đầu xây dựng năng lực sản xuất ở Đông Nam Á. Dell thậm chí còn đặt mục tiêu loại bỏ dần các chip sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2024.
“Chúng tôi có một kế hoạch kinh doanh dự phòng – thứ gọi là BCP (business contingency plan) – để chuẩn bị cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chẳng hạn như chiến tranh,” một giám đốc điều hành ở hãng sản xuất thiết bị kiểm thử chip Advantest của Nhật Bản nói với Nikkei. “Nhưng nếu một cuộc xung đột quân sự thực sự xảy ra ở đây tại eo biển Đài Loan, thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng bất kỳ kế hoạch BCP nào cũng sẽ hoàn toàn vô dụng. Đó sẽ là ngày tận thế đối với chuỗi cung ứng chip và không ai muốn tưởng tượng về việc xảy ra chuyện đó.”
Hình nhân viên nhà máy.jpg

Đài Loan dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến. Ảnh: Hideaki Ryugen, Nikkei.

Nỗ lực đa dạng hóa của các gã không lồ công nghệ

AMD cho biết họ đã làm việc không ngừng nghỉ với các nhà cung cấp để cải thiện các kế hoạch kinh doanh liên tục, bao gồm cả mục tiêu “quan trọng” là đa dạng hóa về mặt địa lý. Intel cho biết họ đã không ngừng hỗ trợ những nỗ lực “có từ lâu đời” của các nhà cung cấp nhằm hướng tới sự đa dạng hóa, điều này không liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Còn Nvidia từ chối bình luận.

Dell trước đây từng nói rằng họ liên tục khảo sát kỹ càng sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên toàn cầu. HP thì cho biết họ có một chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ.
Ngay cả khi không có một cuộc chiến tranh toàn diện, thì sự gián đoạn từ, chẳng hạn như, một cuộc phong tỏa Đài Loan của Trung Quốc có thể gây ra tình trạng hỗn loạn toàn cầu nghiêm trọng. Theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (Semiconductor Industry Association), một sự gián đoạn trong quá trình sản xuất chip logic tại các nhà sản xuất chip theo hợp đồng ở Đài Loan có thể gây thiệt hại doanh thu gần 500 tỷ USD cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử phụ thuộc vào nguồn cung này. Một ước tính gần đây của Rhodium Group cho biết một cuộc xung đột ở Đài Loan sẽ khiến hoạt động kinh tế gặp rủi ro mất hơn 2 nghìn tỷ USD.
“Mọi người đánh giá thấp vị trí của Đài Loan trong chuỗi cung ứng. Nó không chỉ là về chất bán dẫn. Đài Loan chúng tôi có chuỗi cung ứng rất hoàn chỉnh từ chip, các linh kiện, [bảng mạch in], vỏ case, ống kính cho đến hoạt động lắp ráp… bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ tới,” một giám đốc điều hành cấp cao của Compal Electronics, hãng lắp ráp sản phẩm có tính sống còn cho Dell, HP và Apple cho biết. “Nếu có xích mích quân sự xảy ra với Đài Loan, chắc chắn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ sụp đổ”.
Nói cách khác, một kịch bản như vậy sẽ khiến Apple chỉ còn lại những con chip “Made in America” (từ nhà máy TSMC ở Arizona) và không có thiết bị nào để đưa chúng vào, vì các bộ phận khác được làm tại… Trung Quốc và Đài Loan.
Screenshot 2023-07-11 164349.jpg

Không ảnh chụp nhà máy bán dẫn mới của TSMC ở Phoenix, Arizona, sẽ bắt đầu sản xuất chip tiên tiến vào năm 2024. Địa điểm này có không gian cho sáu nhà máy, với kế hoạch mở nhà máy thứ hai vào năm 2026. Ảnh: Nikkei Asia thông qua Planet Labs.
screen-shot-2020-10-19-at-21634-pm.png

Một bản đồ trên không khác cho thấy một dải đất rộng lớn ở ngoại ô phía bắc thành phố Phoenix, bao gồm cả nơi mà Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan đã mua rộng 1,128 mẫu Anh. Khu đất TSMC nằm dọc theo hướng Đại lộ 43, có ba công năng là khu lõi (xanh đậm), khu công nghệ cao (xanh nhạt) và khu hỗn hợp (hồng). Trong khi các xưởng đúc của Intel cũng nằm gần đó, ở ngoại ô phía đông nam thành phố này. Ảnh: Phoenix Business Journal.

Nguy cơ xung đột

Sự cố gắng tách rời trên tinh thần
Lúc đầu, những lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng chủ yếu đến từ các khách hàng phương Tây. Nhưng giờ đây, ngay cả các công ty Đài Loan cũng đang lo lắng về những diễn biến trên eo biển.

Bắc Kinh đã kết thúc một đợt tập trận quân sự khác vào ngày 10 tháng 4, bao vây Đài Loan để phản đối cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California. Cuộc tập trận kéo dài ba ngày bao gồm 91 cuộc xâm nhập giả định trong một ngày.
Screenshot 2023-07-11 171015.jpg

Bản đồ khu vực eo biển Đài Loan, đảo Đài Loan và khu vực của đại lục đối diện với Đài Loan. Các cuộc tập trận của Trung Quốc đều diễn ra trong khu vực này. Có thể thấy dải đồng bằng cốt lõi của hòn đảo, nơi tập trung các đô thị lớn nhất như Đài Bắc, Tân Trúc, Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng đều nằm ở phía đối mặt với địa lục. Đây là một yếu tố nguy cơ tạo điều kiện cho một cuộc đổ bộ trở nên nhanh chóng hơn. Trụ sở chính của TSMC ở Tân Trúc thậm chí còn gần biển và gần đại lục hơn chính thủ đô Đài Bắc, vì vậy rất dễ trở thành mục tiêu đầu tiên trong trường hợp nổ ra xung đột. Ảnh: Complete Atlas of the World, ấn bản thứ 3, DK.

“Chúng tôi đã phát triển song song với quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, nhưng giờ đây những ngày tươi đẹp đã qua. Mọi chuyện đang ngày càng rõ ràng là Bắc Kinh đặt chính trị lên trên tăng trưởng kinh tế,” một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp của Apple có cơ sở ở Trung Quốc thuê mướn hàng trăm nghìn công nhân cho biết. “Chiến lược của chúng tôi là hòa hoãn (lay low), đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất [sang Đông Nam Á và Ấn Độ], đồng thời thoái vốn dần dần khỏi Trung Quốc trong vài năm tới.”
“Dần dần” là từ dùng để chỉ việc nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, cho dù họ có muốn hay không.
“Ở một số nước, phải mất ít nhất 3 năm và thậm chí 5 năm [ở những nước khác] để xây dựng một nhà máy bán dẫn từ đầu chí cuối, sau đó nó cần phải bắt đầu hoạt động,” Benjamin Hein, giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á tại công ty Merck của Đức, một tập đoàn hóa chất và vật liệu, cho biết. “Đôi khi có một số hiểu lầm rằng [sự chuyển dịch chuỗi cung ứng] này có thể xảy ra chỉ sau một đêm vì một số vấn đề địa chính trị, [nhưng] chúng ta có thể mất ít nhất 5 năm và thậm chí hơn 10 năm để thấy được phần nào sự dịch chuyển mang tính căn bản hơn.”
Benjamin Hein.jpg

Benjamin Hein là Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Hệ thống & Dịch vụ Giao hàng, khu vực Trung Quốc Đại lục & Đông Nam Á kể từ tháng 2 năm 2021. Ảnh: FrankfurtRheinMain.

Washington đang cố gắng đẩy nhanh quá trình này, tập trung vào chip. Hoa Kỳ đang đưa ra các ưu đãi để khuyến khích các công ty như TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc giúp xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.
Nhà máy của TSMC ở Arizona, nơi sẽ sản xuất chip 3 nanomet cực kỳ tiên tiến có thể được sử dụng trong các siêu máy tính, điện thoại thông minh, ô tô, máy bay chiến đấu và thiết bị quân sự, được coi là một trong những thành tựu nổi bật của nỗ lực này.
Nếu tất cả các khoản đầu tư theo kế hoạch hiện tại được thông qua, từ cả các công ty trong nước và nước ngoài, Hoa Kỳ sẽ sản xuất 26% chip tiên tiến của thế giới vào năm 2027, tăng từ 10% hiện tại, theo dự đoán của Counterpoint Research. Tỷ phần của Đài Loan sẽ giảm từ 54% xuống 45% trong cùng thời kỳ đó.
Sơ đồ thắt chặt.jpg

Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ tăng cường mở rộng sản xuất chip bằng cách xây nhiều nhà máy mới để củng cố vị thế hiện tại của mình. Trong số bảy nhà máy ở Nhật Bản đã có hai nhà máy của TSMC ở tỉnh Kumamoto thưa dân miền nam, nằm trong kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của TSMC. Ảnh: Nikkei, SEMI.

Con số nói lên một câu chuyện khác
Nhưng bất kể tất cả các cuộc nói chuyện về việc tách rời, thì nền thương mại giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan lại kể một câu chuyện khác.

Đài Loan ngày càng phụ thuộc vào thương mại với các đối thủ địa chính trị: Năm 2022, Trung Quốc chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hòn đảo tính theo giá trị, tăng 50% so với năm 2017. Hoạt động thương mại của hòn đảo tự trị với Hoa Kỳ cũng tăng gần gấp đôi trong cùng thời kỳ, chiếm hơn 13% tổng lượng xuất nhập khẩu của Đài Loan vào năm ngoái.
Sơ đồ chéo chéo.jpg

Chỉ trong vòng ba mươi năm, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đã vươn lên thành những nước dẫn đầu về thị phần chất bán dẫn; đẩy Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu xuống các thứ hạng thấp hơn. Bức tranh này dự kiến sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều. Ảnh: Nikkei.

Thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đạt mức kỷ lục 690.6 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc vào năm 2022 gần như phục hồi lên mức cao nhất mọi thời đại đạt từng được vào năm 2018, thì xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã tăng 28% so với năm 2018 và đạt một mức cao khác vào năm 2022.
Đặc biệt khi nói đến công nghệ, ba nền kinh tế lại càng gắn kết với nhau chặt chẽ hơn.
Screenshot 2023-07-11 170713.jpg

Ngoài Hoa Kỳ và Đức thì các đối tác thương mại lớn khác của Đài Loan đều thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt sản lượng xuất khẩu của hòn đảo vào Trung Quốc đại lục là con số lớn nhất. Ảnh: Nikkei Asia.

Điều này là rõ ràng nhất trong các vi mạch tiên tiến. TSMC và các công ty công nghệ Đài Loan nhỏ hơn kiểm soát 2/3 thị trường thế giới về sản xuất chip theo hợp đồng, biến các thiết kế chất bán dẫn của Apple, Google và các hãng khác thành con chip vật lý. Với tư cách là những hãng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ chip tối tân, thì sản lượng đầu ra của họ là không thể thiếu để sản xuất mọi thứ, từ điện thoại thông minh Trung Quốc đến máy bay chiến đấu của Mỹ.
P11-230207-334.jpg

Khách hàng đang xếp hàng tại cửa hàng của Táo khuyết trên đại lộ Fifth Avenue ở New York để chờ ra mắt iPhone 14 vào ngày 16 tháng 9 năm 2022. Hơn 2.4 tỷ chiếc iPhone đã được bán ra kể từ năm 2007. Ảnh: Taipei Times.

Đài Loan cũng dẫn đầu trong các phần khiêm tốn hơn của chuỗi cung ứng công nghệ. Một nhân tố hay bị bỏ qua là đóng gói và thử nghiệm chip - trạm dừng cuối cùng của việc chế tạo chất bán dẫn - nơi Đài Loan kiểm soát 30% thị trường toàn cầu. Một ví dụ khác là bảng mạch in, vật liệu cơ bản mà chip được gắn vào. Hòn đảo này chỉ sản xuất dưới 1/3 nguồn cung của thế giới, mà phần lớn được chuyển đến các nhà lắp ráp ở Trung Quốc để sản xuất lần cuối.
Screenshot 2023-07-11 170438.jpg

Tỷ phần sản xuất thiết bị cầm tay lần đầu có sự xuất hiện của Ấn Độ và Việt Nam. Ảnh: Nikkei.

Các chip “Made in America” của Apple, được gắn trên các bảng mạch in do Đài Loan sản xuất, rất có thể sẽ tìm đường đến Trung Quốc trước khi kết thúc hành trình trong một điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay xuất tới Hoa Kỳ.
Ngay cả khi các công ty Hoa Kỳ dường như đang đạt được tiến triển trong việc giảm đi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì tình hình cũng không đơn giản như vậy.
Ví dụ, Apple đã dành nhiều năm thúc giục các nhà cung cấp của mình xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc và ít nhất đã có phần nào năng lực sản xuất thay thế cho tất cả các dòng sản phẩm chính của hãng ở các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam.
Nhưng hơn 80% trong số 188 nhà cung cấp hàng đầu của Apple vẫn có ít nhất một cơ sở đang phục vụ công ty tại Trung Quốc, theo một phân tích của Nikkei Asia kết hợp với Financial Times về danh sách hàng năm mới nhất do Apple công bố vào năm 2023. Nhiều nhà cung cấp chính, bao gồm 3M, On Semiconductor, Hon Hai Precision Industry (chính là Foxconn) và Luxshare, đều có ba cơ sở sản xuất trở lên trong nước này.
Screenshot 2023-07-11 135710.jpg

Bản đồ thể hiện số lượng nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc và Đài Loan. Trong số 190 nhà cung cấp mà Apple đã tiết lộ vào năm 2022, thì 149 công ty (gần 80%) có các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và 45 công ty có cơ sở ở Đài Loan. Đặc biệt ở ba nơi nhiều nhất là Giang Tô (Côn Sơn), Quảng Đông, Thượng Hải có đến 185 cơ sở, đều nằm ở vùng ven biển phía nam gần với Đài Loan. Ngoài ra trong hình các thành phố có số cơ sở dưới 5 là những chấm tròn nhỏ nhất. Vị trí các cơ sở ở Đài Loan dựa trên danh sách nhà cung cấp năm 2022 của Táo khuyết. Ảnh: Nghiên cứu của Nikkei/FT.

Tổng cộng, có hơn 270 cơ sở sản xuất chế tạo linh kiện hoặc cung cấp dịch vụ sản xuất cho Apple tại Trung Quốc, nơi vẫn là trung tâm của chuỗi cung ứng lớn nhất. Tại Đài Loan, hơn 70 địa điểm đang phục vụ cho Apple, chủ yếu sản xuất các loại chip khác nhau, chất nền chip cao cấp, bảng mạch in và ống kính máy ảnh cao cấp, cũng như cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip.

Nhiệm vụ bất khả thi

Apple đã dành hơn một thập kỷ để xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ phức tạp nhất thế giới, chấp nhận đánh đổi khả năng bảo mật và năng lực co dãn linh động để đạt được hiệu quả và chi phí thấp. Rất nhiều công ty toàn cầu khác đã bắt chước làm theo, đặt Trung Quốc và Đài Loan vào trung tâm của chiến lược sản xuất của họ.

32d363fb-fdab-460c-bf88-7a3ed09ce780_491cfdb4.jpg

Một tấm wafer được trưng bày tại buổi lễ đánh dấu việc TSMC bắt đầu sản xuất chip 3 nanomet ở thành phố Đài Nam, miền nam Đài Loan, vào ngày 29 tháng 12 năm 2022. Ảnh: South China Morning Post.

Giờ đã đến lúc phải… suy nghĩ lại về cách tiếp cận này, các nhà cung cấp và khách hàng của họ đang vật lộn với tính chất phức tạp và chi phí của nhiệm vụ gian nan trước mắt. Mà có thể thấy ngay là một nhiệm vụ bất khả thi ít nhất trong 10 năm tới.
Các nhà cung cấp mà họ đã tiếp xúc đội ngũ mua sắm (nguyên vật liệu, vật tư) của Apple cho biết, họ đã được yêu cầu làm điều bất khả thi: nghĩ ra cách sản xuất các bộ phận ở những quốc gia khác với mức giá tương tự như ở Trung Quốc hoặc Đài Loan.
“Chúng tôi thường rất bối rối sau khi kết thúc những cuộc họp đó. Chúng tôi thực sự muốn thoát khỏi mấy cuộc gặp ấy,” một giám đốc điều hành thân cận với Foxconn cho biết. “Apple muốn giá linh kiện đi vào trong những chiếc iPhone lắp ráp tại Ấn Độ của họ giống như ở Trung Quốc… nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra? Bạn sẽ cần thuê người mới, bạn có thể cần xây dựng một nhà máy mới hoặc ít nhất là vận chuyển các bộ phận từ nước ngoài. Và sau đó bạn sẽ có thêm chi phí hậu cần.”
Việc tách khỏi Trung Quốc sẽ không rẻ, nhưng việc cắt đứt các mối nối kết với Đài Loan sẽ có cái giá thậm chí còn cao hơn. Có ai sẵn sàng trả tiền cho nó không?
 
Bên trên