DÁM BỊ GHÉT - MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ TÂM LÝ HỌC

linh_449

Linh Linhh
Được xây dựng với cấu trúc là một cuộc trò chuyện giữa cậu thanh niên và giáo sư. Dám bị ghét mang đến cho chúng ta một cảm giác dễ chịu và dễ cảm nhận như chính mình là người đang được tham gia vào câu chuyện đó.
Ngay từ những trang sách đầu tiên tác giả đã khẳng định “Mọi muộn phiền đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người” và cách để giải quyết những muộn phiền, cải thiện các mối quan hệ cũng được đề cập một cách rõ ràng, thiết thực ngay sau đó.
Có bao giờ trong cuộc sống của bạn xuất hiện những câu hỏi: Tự do là gì? Hạnh phúc là gì? Làm gì để có được tự do? Làm sao để sống hạnh phúc? Trong cuốn sách này tôi muốn trích dẫn một dòng suy nghĩ rất đáng giá “Đời không phải là cuộc cạnh tranh, không cần cạnh tranh với ai cả. Chỉ cần không ngừng tiến lên là được. Tất nhiên cũng không cần so sánh mình với người khác.”
Không chỉ dừng lại ở việc đề cập đến muộn phiền, tự do và hạnh phúc. Cuốn sách này còn đào sâu và dẫn chứng cho chúng ta thấy nguyên nhân của những nỗi sợ hãi và cả sự tức giận. Tại sao tôi nói Dám bị ghét mang đến một cách nhìn khác về tâm lý học? Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng nghe qua những câu nói như: Vì cuộc sống như thế này nên tôi mới như thế kia, vì những tổn thương trong quá khứ nên tôi trở thành như thế nọ,... Tất cả những cách lý giải trên trong tâm lý học gọi là THUYẾT NGUYÊN NHÂN, thuyết nguyên nhân được chấp nhận một cách rộng rãi và đa số chúng ta giải thích vấn đề theo thuyết này.
Tuy nhiên, Dám bị ghét phủ nhận những lập luận đó và đưa ra THUYẾT MỤC ĐÍCH (ADLER) - trái ngược hoàn toàn, vô số những ý kiến trái chiều và những cuộc tranh cãi không ngừng xoay quanh nó.
Trong cuốn sách này, tác giả đề cao sức mạnh của sự tự chủ về mặt tâm lý và nhận thức. Chúng ta không được tạo nên từ những gì xảy ra trong quá khứ mà bởi chính những mục đích mà chúng ta hướng tới. Có thể nhắc đến, hoài niệm về quá khứ nhưng đừng bao giờ để nó quyết định con người mình, quyết định cuộc sống của chính mình. Để làm được điều đó, trái tim con người phải thực sự can đảm. Và nếu như nó đã quá mỏi mệt, nó sẽ quay về lí giải mọi việc theo thuyết nguyên nhân. Có thể trong những phần đầu bạn rất khó mà chấp nhận được những lập luận mà thuyết mục đích đưa ra, nó thực sự vô lý và hoang đường. Nhưng càng đọc bạn sẽ càng bị cuốn sâu, cảm thấy hợp lí, cuối cùng là bị thuyết phục.
Và một trích dẫn trong cuốn sách này từ Kinh thánh: “Xin hãy ban cho con sự điềm tĩnh để đón nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí tuệ để luôn phân biệt được hai điều này.”
 

Đính kèm

Bên trên