Đánh giá Xiaomi Pad 6: Giá 10 triệu, quá đủ ngon!

Thanh Thúy

Well-known member

Sau gần thập kỷ vắng bóng trên thị trường máy tính bảng, Xiaomi đã có màn trở lại ấn tượng với Xiaomi Pad 5. Sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ màn hình đẹp, cấu hình mạnh và hỗ trợ nhiều tính năng độc đáo. Đến Xiaomi Pad 6 của năm 2023, hãng vẫn giữ lại những yếu tố cốt lõi từng có trên thế hệ tiền nhiệm. Máy vẫn có thiết kế chắc chắn, một màn hình đẹp với tần số quét cao, một cấu hình đủ mạnh và viên pin gần 9.000mAh. Thế nhưng, từng đó điểm mạnh trên liệu có đủ để Xiaomi Pad 6 đấu lại với những iPad Gen 10 hay Galaxy Tab S9 FE trong phân khúc 10 triệu đồng hay không?
Màn hình sắc nét, có tần số quét 144Hz
Ngay từ phiên bản năm ngoái, Xiaomi Pad 5 được giới chuyên môn đánh giá rất cao về chất lượng hiển thị. Đến thế hệ năm nay, hãng tiếp tục nâng cấp thông số màn hình mà nổi bật trong đó là độ sáng 550 nits, độ phân giải 1800 x 2880 pixels và tần số quét 144Hz.
Trên thực tế, tần số quét 144Hz trên Xiaomi Pad 6 chỉ thật sự phát huy tác dụng khi mình lướt web hay đọc báo. Phần lớn nội dung mình tiếp xúc hàng ngày trên sản phẩm, bao gồm video YouTube hay trò chơi trên Play Store vẫn chỉ hỗ trợ 60Hz. Thế nhưng, đây vẫn là điểm cộng đáng giá mà những mẫu máy tính bảng cùng phân khúc trên thị trường sẽ cần “học hỏi”.

Về chất lượng hiển thị, Xiaomi Pad 6 cho ra màu sắc tươi, không bị nhợt nhạt và chi tiết rất tốt. Với độ sáng 550 nits, mình có thể sử dụng máy thoải mái trong nhà mà không gặp cản trở nào về hiển thị. Thế nhưng, có hai điểm mình chưa hài lòng về màn hình chiếc máy này:
Thứ nhất, góc nhìn trên Xiaomi Pad 6 không quá tốt. Mình thường có thói quen đặt máy lên giường và nằm xem ở góc nghiêng 90 độ. Khi này, màu sắc trên màn hình Xiaomi Pad 6 bị biến đổi nhẹ, chi tiết cũng giảm và không còn sắc nét như lúc nhìn thẳng.

Thứ hai, Xiaomi Pad 6 vẫn xuất hiện tình trạng thâm bốn cạnh viền. Dù không nghiêm trong như những mẫu máy giá rẻ như POCO X3 Pro nhưng chúng vẫn tác động nhất định đến trải nghiệm xem phim, giải trí của mình. Đây là tình trạng chung sẽ gặp trên các mẫu máy tính bảng của Xiaomi và đại đa số các hãng khác trên thị trường.
Hiệu năng tốt
Khi nhìn qua cấu hình trên Xiaomi Pad 6, mình khá bất ngờ khi máy vẫn sử dụng Snapdragon 870. Chipset này đã ra mắt được gần 3 năm và hiệu năng đã có phần thua thiệt so với Apple A14 Bionic trên iPad Gen 10 cùng tầm giá. Vậy nhưng, sau khi tìm hiểu, mình cho rằng quyết định trên của Xiaomi là hoàn toàn hợp lý.
Thứ nhất, bản thân Snapdragon 870 vẫn rất mạnh trong phân khúc. Đặt cạnh Exynos 1380 trên Galaxy Tab S9 FE thì hiệu năng trên Xiaomi Pad 6 vẫn mạnh, mượt và ổn định hơn nhiều. Ngay cả những chiếc điện thoại chính hãng cùng tầm giá cũng chỉ sử dụng Snapdragon 778G hay Dimensity 7050, vốn cho hiệu năng yếu hơn Snapdragon 870 khá nhiều,

Thứ hai, Snapdragon 870 vẫn chơi tốt các tựa game phổ biến hiện nay. Với LMHT: Tốc Chiến, máy hỗ trợ 120FPS và chơi ổn định ở cài đặt này. Với PUBG Mobile, biểu đồ FPS mà sản phẩm cho ra đều từ đầu đến những vòng bo cuối cùng. Còn với Genshin Impact, máy có hiện tượng giật khung hình nhưng có thể khắc phục bằng cách giảm đồ hoạ xuống Thấp và 60FPS.
FPS trung bình với một số tựa game trên Xiaomi Pad 6
Tựa gameFPS trung bìnhNhiệt độ tối đa
(Môi trường: 27 độ C)
LMHT: Tốc Chiến
(Trung bình, 120FPS)
11936,5 độ C
PUBG Mobile
(HDR, Cực độ)
59,635,5 độ C
Genshin Impact
(Trung, 60FPS)
53,337,5 độ C
Thứ ba, Snapdragon 870 mang lại nhiệt độ rất mát. Sau 15 phút chơi Genshin Impact, nhiệt độ tối đa mà máy cho ra chỉ quanh ngưỡng 36 độ C. Phần nhiệt chỉ tập trung cục bộ bên và không ảnh hưởng quá nhiều đến hai bàn tay của mình. Còn với những tựa game nhẹ hơn như PUBG Mobile hay LMHT: Tốc Chiến, nhiệt độ tối đa mà máy toả ra khoảng từ 35 độ C. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, mình cũng hiếm khi thấy máy nóng lên hay quá nhiệt.
Phần mềm nhiều tính năng, thế nhưng tối ưu chưa tốt
Xiaomi Pad 6 được cài sẵn Android 13 với giao diện người dùng MIUI Pad 14. Bên cạnh những tính năng cốt lõi của Android L, MIUI Pad bổ sung thêm một số tính năng khác như chia đôi màn hình, cửa sổ nổi hay kết nối với màn hình rời. Kết hợp với bàn phím và bút, Xiaomi Pad 6 luôn giúp mình hoàn thành công việc một cách nhanh chóng mỗi khi đi du lịch hoặc làm việc bên ngoài.

Nhiều tính năng là vậy, thế nhưng Xiaomi Pad 6 vẫn mắc một lỗi cơ bản mà gần như mọi máy tính bảng Android đều gặp phải, đó chính là độ mượt. Thông thường, nếu đóng, mở ứng dụng liên tục thì máy phản hồi ổn, độ trễ trong thao tác là không nhiều. Thế nhưng, nếu đóng ứng dụng sau khoảng 10 – 15 phút sử dụng, Xiaomi Pad 6 lập tức xuất hiện tình trạng giật, lag. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của mình khi luôn phải chờ 1 – 2 giây để máy ổn định trước khi chuyển sang ứng dụng tiếp theo.
Về bảo mật, Xiaomi trang bị tính năng mở khoá bằng khuôn mặt 2D trên Xiaomi Pad 6. Máy cho tốc độ quét và mở khoá rất nhanh, không thua kém quá nhiều so với Face ID trên các mẫu iPad Pro. Song, thiết bị lại không tích hợp bất cứ tuỳ chọn sinh trắc học nào bảo mật hơn trên chiếc máy này, chẳng hạn như vân tay một chạm. Nếu muốn có vân tay, bạn phải nâng lên Xiaomi Pad 6 Pro, nhưng chỉ được kinh doanh tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Về phụ kiện, Xiaomi Pad 6 đi kèm hai lựa chọn là bàn phím không dây và bút Xiaomi Smart Pen. Mình rất thích chiếc bàn phím này vì nó đem lại trải nghiệm gõ rất tuyệt vời, các phím nảy và có hành trình đủ sâu. Ngoài ra, bàn phím còn được tích hợp nhiều phím tắt tương đồng với Windows. Chẳng hạn, mình có thể sao chép nội dung bằng tổ hợp Command + C hay trở về màn hình chính với tổ hợp Command + D.

Bên cạnh đó, mình cũng đánh giá cao Xiaomi Smart Pen. Bút có chiều dài tương đồng với Apple Pencil và có thể sạc trực tiếp bằng Xiaomi Pad 6. Với nhu cầu ghi chép bài giảng cơ bản, bút cho độ trễ thấp và không xuất hiện tình trạng nhận nhầm lòng bàn tay khi viết. Dẫu vậy, sẽ thật tuyệt vời nếu Xiaomi tặng kèm bút theo máy chứ không phải mua kèm như hiện tại.
Thiết kế bắt mắt
Thiết kế trên Xiaomi Pad 6 khiến mình liên tưởng đến những mẫu iPad Air cao cấp. Thân máy được làm hoàn toàn từ kim loại nguyên khối, chạm rất mát và đã tay. Các góc máy cũng được bo cong giúp tăng tính thẩm mỹ và cầm nắm được thoải mái hơn.

Tất nhiên, Xiaomi vẫn có cách để giúp Xiaomi Pad 6 khác biệt so với phần còn lại. Với tỷ lệ màn hình 16:10, thân máy dài hơn, thuôn hơn và phù hợp hơn với nhu cầu giải trí thuần. Phía mặt trên là cụm hai camera có cách thiết kế module rất giống với flagship Xiaomi 13 hay Xiaomi 13 Pro. Tất nhiên, do là máy tính bảng nên chúng ta không thể kỳ vọng quá nhiều vào chất ảnh hay khả năng quay video trên chiếc máy này được.
Một số yếu tố khác trên Xiaomi Pad 6
Xiaomi Pad 6 trang bị hệ thống bốn loa với mỗi bên hai chiếc. Chất âm mà cặp loa này đem lại nằm ở mức khá với âm lượng tổng lớn, dải trầm được xử lý tốt và giọng ca sĩ rõ ràng trong hầu hết mọi điều kiện. Máy cũng tích hợp công nghệ âm thanh Dolby Atmos, thế nhưng mình không nhận ra sự khác biệt khi bật và tắt tính năng này.

Viên pin trên Xiaomi Pad 6 có dung lượng 8.840mAh, lớn hơn khá nhiều so với 7.606mAh trên iPad Gen 10 hay 8.000mAh của Galaxy Tab S9 FE. Nhìn chung, với nhu cầu ghi chép tài liệu cơ bản cộng với xem video trên YouTube, máy có thể đáp ứng từ 1 – 1,5 ngày sử dụng. Củ sạc đi kèm có công suất 33W và có thể nhanh chóng sạc đầy pin cho Xiaomi Pad 6 chỉ trong 90 phút.
Tổng kết
Tóm lại, Xiaomi Pad 6 là lựa chọn máy tính bảng rất đáng cân nhắc trong phân khúc 10 triệu đồng. Máy nổi bật khi sở hữu màn hình khá chất lượng, hiệu năng mạnh mẽ cùng thiết kế kim loại sang trọng, bắt mắt. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh những đối thủ cùng tầm giá, Xiaomi Pad 6 vẫn còn thua thiệt về mặt tối ưu phần mềm hay kho ứng dụng độc quyền.
 
Bên trên