Đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số

Ngọc Vàng

Well-known member
Công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lao động cho địa phương.

Đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số.


Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp
Giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp, định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề phù hợp với nhu cầu của bản thân và xã hội.

Đặc biệt đối với trường học ở vùng khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ giúp các em lựa chọn ngành nghề theo khả năng, sở thích bản thân mà còn phải phù hợp khả năng tài chính của phụ huynh. Chính vì vậy, nội dung hướng nghề, hướng nghiệp trong các trường Dân tộc nội trú luôn được quan tâm, đẩy mạnh.

Trường PT Dân tộc Nội trú Thái Nguyên là trường chuyên biệt cấp THPT duy nhất của tỉnh, có nhiệm vụ chính trị quan trọng là giáo dục đào tạo nhằm tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng. Năm học 2022 – 2023 trường có 18 lớp với 540 học sinh, trong đó 95% là học sinh dân tộc thiểu số, gồm 13 dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao…

Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú Thái Nguyên cho biết: Đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế. Để định hướng nghề cho các em, nhà trường thành lập tổ tư vấn gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách hướng nghiệp, Bí thư Đoàn trường, cán bộ quản lý.

Năm học 2022 – 2023, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Đồng thời triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nhà trường đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp cho học sinh như: Tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, tư vấn giới thiệu việc làm và tuyển sinh đào tạo cho học sinh lớp 11,12, trải nghiệm và tham gia hoạt động tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, tư vấn giới thiệu việc làm, giới thiệu thông tin tuyển sinh cho học sinh khối 10…

Nhờ chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê, những năm qua tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%, học sinh tiếp cận thuận lợi với thông tin tuyển sinh, chương trình giáo dục đại học, thông tin thị trường lao động, qua đó các em đã có sự lựa chọn và hướng đi phù hợp với thực tế.

Quan tâm, phát triển nghề địa phương
Đối với Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Hàm Yên, ngôi trường đóng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, trên 90% học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Thầy giáo Hà Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS và THPT huyện Hàm Yên cho biết: Hiểu được ý nghĩa và vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp, do đó nhà trường đã yêu cầu toàn bộ giáo viên phải có trách nhiệm với các hoạt động hướng nghiệp mỗi cán bộ, giáo viên phải là một cán bộ tư vấn hướng nghiệp.

Những năm gần đây nhà trường đã đưa công tác hướng nghiệp trở thành một môn học chính khóa, thiết kế hệ thống bài giảng theo yêu cầu và đưa vào chương trình giảng dạy.

Học sinh được làm quen với một số ngành nghề cụ thể như: Cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng trọt và chăn nuôi… đặc biệt, thông qua các tiết học hướng nghiệp, học sinh được bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để góp phần phát triển ngành nghề truyền thống, gắn với du lịch nông thôn và bảo vệ môi trường như: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, làm du lịch cộng đồng…

Những năm gần đây, Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Hàm Yên có trên 90% các em sau khi tốt nghiệp THCS đều tiếp tục theo học trung học phổ thông, còn lại 10% học sinh chọn cách vừa học chương trình THPT, vừa học nghề. Khi tốt nghiệp, các em có cả bằng THPT và một nghề nghiệp trong tay, nhờ đó có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Như vậy, thông qua các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã từng bước nâng cao chất lượng lao động, phát huy nguồn nhân lực của các địa phương.

Theo Giáo dục thời đại
 
Bên trên