Để khách quốc tế đến Việt Nam ở lại lâu, tiêu nhiều tiền

Võ Xuân Trường

Well-known member
Để khách quốc tế đến Việt Nam ở lại lâu, tiêu nhiều tiền

Để khách quốc tế trở lại nhiều lần, chuyên gia gợi ý Việt Nam cần chính sách visa cởi mở, đón tiếp thân thiện, xây dựng sản phẩm, điểm đến đặc trưng...
Để khách quốc tế đến Việt Nam ở lại lâu, tiêu nhiều tiền
Khách Tây tại phố cổ Hà Nội tháng 3.2023. Ảnh: Thúy Ngọc
Năm 2023 mở ra những cơ hội và tín hiệu tích cực cho ngành du lịch, khi hai tháng đầu năm Việt Nam đón hơn 1,8 triệu lượt khách - đạt gần 25% kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế cạnh tranh gắt gao hậu COVID-19 cùng biến động của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa những kế hoạch, hành động cụ thể để hút khách nước ngoài.
Tại buổi tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 22.3, chuyên gia nước ngoài đưa ra hàng loạt đề xuất xoay quanh câu chuyện đón và phục vụ khách của Việt Nam.
Visa - đòn bẩy kinh tế
Một trong những rào cản đối với khách du lịch nước ngoài khi đến thăm Việt Nam là chính sách thị thực phức tạp và còn nhiều hạn chế, theo ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).
Hiện tại, chỉ có khách quốc tế từ 24 quốc gia được miễn thị thực tối đa 15 ngày, trong khi các quốc gia còn lại phải xin thị thực điện tử (e-Visa) hoặc thị thực tại cửa khẩu. "Thời hạn miễn thị thực hiện tại còn quá ít đối với những du khách muốn khám phá đa dạng văn hoá Việt Nam trong khi quy trình cấp thị thực điện tử và thị thực khi đến lại tốn thời gian và còn nhiều bất tiện", ông nói.
Chuyên gia người Đức này cho rằng để đơn giản hoá và hấp dẫn du khách hơn, Việt Nam nên kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các nước được miễn thị thực cho cả châu Âu, Úc, New Zealand, Mỹ và Canada. Bên cạnh đó là như tăng số lượng quốc gia được cấp e-Visa (hiện là 80 nước) và kéo dài thời gian lưu trú 3 đến 6 tháng cho những du khách có nhu cầu khám phá đa dạng, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào du khách lớn tuổi với mức chi tiêu cao.
"Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến và tăng mức chi tiêu, cũng như mức độ hài lòng từ du khách", ông bày tỏ.
"Hầu hết khách du lịch đến Việt Nam ở càng lâu thì tiêu càng nhiều tiền, đây là một mối quan hệ cấp số nhân. Khách du lịch ở lại Việt Nam một tuần chi tiêu gấp đôi so với những người lưu trú ít hơn 7 ngày. Do đó kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, từ góc độ kinh tế, sẽ mang lại hiệu quả rất cao", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, phát biểu.
Ngoài câu chuyện về visa là cánh cửa đầu tiên đưa khách đến, ông Martin đánh giá trải nghiệm tại sân bay hoặc cửa khẩu cũng tác động nhiều đến hành trình du lịch.
"Khi tôi tới Thái Lan hay các nước châu Á khác, nhân viên sân bay - những người tiếp xúc với khách du lịch đầu tiên, đều rất thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong khi đó, tại sân bay ở Việt Nam, nhân viên xuất nhập cảnh rất nghiêm nghị", ông Martin nói và đề cập đến thực trạng khách quốc tế phản ánh thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh chưa nhanh chóng.
"Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không vui, không được đón chào. Về sau, khi chọn điểm đến du lịch, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines và không quay lại Việt Nam", ông Martin nhấn mạnh.
Tập trung vào chất lượng hơn số lượng
Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách trong năm 2023, và từng đón 18 triệu lượt khách vào năm 2019. Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đặt ra câu hỏi: "Với chính sách là tăng trưởng càng nhiều khách càng tốt, có thể năm sau hay hai năm nữa Việt Nam sẽ đạt 20 triệu khách du lịch. Khi một quốc gia có quy mô 100 triệu người như Việt Nam thu hút lượng khách du lịch bằng 1/5 dân số, chúng ta phải suy nghĩ rằng chúng ta muốn đón toàn Tây ba lô nữa không?".
Ông đánh giá những khách quốc tế - muốn du lịch với chi phí rẻ nhất trong thời gian dài nhất có thể - sẽ không quay trở lại nhiều lần. Do đó, Việt Nam cần hướng đến tìm đáp án cho bài toán tăng chi tiêu của du khách. Ngành du lịch cần những sản phẩm, dịch vụ để kéo dài thời gian lưu trú của khách lại Việt Nam, để họ hài lòng đến mức không muốn du lịch nước nào khác.
"Điều đó đảm bảo rằng khách du lịch không chỉ trở lại Việt Nam mà còn truyền miệng về Việt Nam. Hãy biến họ thành đại sứ du lịch. Việt Nam nên tăng số lượng khách quay trở lại lên ít nhất 10% trong những năm sắp tới", giảng viên của Đại học RMIT bày tỏ.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đưa ra những giải pháp ngắn hạn trong vòng một năm; trung hạn từ một đến năm năm và dài hạn cho ngành du lịch Việt Nam.
Về ngắn hạn, ông đề xuất thực thi các luật và quy định du lịch hiện hành liên quan tới chất lượng hướng dẫn viên du lịch, xóa bỏ nạn ăn xin... Bên cạnh đó là thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương, đầu tư mạnh để quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng điểm
Giải pháp trung hạn bao gồm giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng trước mắt như giao thông, vệ sinh, viễn thông... dựa trên tính toán sức chứa của các điểm đến du lịch chính. Giải quyết các vấn đề về vệ sinh và tái chế cùng với chính quyền địa phương.
Giải quyết các vấn đề về chất lượng dịch vụ bằng cách tuyển dụng lao động có trình độ từ nước ngoài và hoặc triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có. Phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa văn hóa, thiên nhiên và cuộc sống đô thị.
Tiếp đó, cần xem xét lại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn cho 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền vững.
Về dài hạn, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, lý tưởng nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải. Đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, khách sạn ở các bậc trung học, đại học và sau đại học.
Để ngành du lịch tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần phát triển các khu vực cụ thể cho du lịch đồng thời bảo vệ các khu vực khác khỏi hoạt động du lịch quá mức. Đồng thời, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và hạn chế sử dụng tài nguyên dựa trên các chính sách phát triển bền vững.
 
Bên trên