Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Đến tham quan những di tích lịch sử kháng chiến tại TP.HCM, du khách sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, những sự tích có thật ở đây đã vượt quá sức tưởng tượng của con người.
Địa đạo Củ Chi - Kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đến nay, địa đạo này đã trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm …




Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 1




Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại có thể đương đầu với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Quân đội Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi, gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”…



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 2

Hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi gặp tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 3

Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn được cấu trúc từ hai đến ba tầng (tầng trên gọi là “thượng”, tầng dưới gọi là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng, có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có những nút chặn những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được.

Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy…



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 4

Mặc dù kẻ địch dùng nhiều biện pháp để đánh phá, nhưng đều thất bại, trong đó có thể kể đến dùng đội quân “chuột cống” đánh địa đạo, gồm 600 tên lính công binh được tuyển chọn “nhỏ người” đặc trách phá hủy địa đạo. Bọn “chuột cống” mỗi tốp 4 tên, 2 tên ở trên, 2 tên chui xuống địa đạo, trang bị mặt nạ phòng độc, súng tiểu liên cực nhanh, dao găm, cây thuốn sắt, máy thổi lùa chất độc, đèn pin...

Gặp các ngã ba đường hầm, chúng đặt mìn vào đấy, đưa dây điện lên trên mặt đất rồi “điểm hỏa” cho mìn nổ phá tung địa đạo. Bằng phương pháp này, địch phá sập một số đoạn ngắn địa đạo, nhưng không thấm vào đâu so với hàng trăm km đường hầm chằng chịt nhiều tầng, nhiều ngõ ngách liên hoàn với nhau.



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 5

Có lúc chúng dùng xe cơ giới ủi phá, huy động hàng trăm xe tăng và xe cơ giới có mã lực lớn xúc đứt từng khúc địa đạo. Xe ủi tới đâu quân Mỹ thổi chất độc hóa học vào lòng hầm, đồng thời dùng loa phóng thanh kêu gọi ra hàng. Có trường hợp hi hữu, chúng xúc nguyên cả căn hầm bí mật hất lên mặt đất mà không biết bên trong có người trú ẩn. Đến tối, người chiến sĩ trong hầm bí mật thoát ra!

Để đa dạng hóa dịch vụ, Khu Di tích Địa đạo Củ Chi đã tổ chức thêm dịch vụ bắn súng thể thao quốc phòng, là môn thể thao cảm giác mạnh được rất nhiều du khách tham gia. Du khách sẽ cảm thấy thích thú khi thử tài thiện xạ của mình tại trường bắn. Bạn có thể chọn cho mình các loại súng thích hợp được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh, sau khi được hướng dẫn đầy đủ, bạn có thể thử tài bắn súng với các bia hình con thú và bia di động.

Bên cạnh đó là trò chơi bắn súng đạn phun sơn, trò chơi vận động vừa có tính chất thể thao vừa mang tính quân sự. Ngoài mục đích thư giãn còn giúp người chơi khả năng phán đoán, phối hợp đồng đội, rèn luyện sức khỏe. Du khách khi tham gia du khách có cảm giác như là những chiến sĩ đang chiến đấu thật sự. Mỗi du khách được trang bị đầy đủ mặt nạ, quân phục, áo giáp và súng AR15 hay AK47 (các loại súng ở Địa Đạo Củ Chi hiện đại nhất so với các nơi khác).

Trò chơi bắn súng đạn phun sơn là một loại hình giải trí mà du khách không thể bỏ qua khi đến Địa Đạo Củ Chi với độ hấp dẫn cao và an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, du khách còn có thể thử tài thiện xạ khi tham gia bắn bia theo tiêu chuẩn quân sự (bia cố định, bia di động, bia ẩn hiện).

Vang danh Rừng Sác

Nếu địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” với đội quân chiến đấu trong lòng đất, thì Rừng Sác là “căn cứ nổi”. Đến đây, du khách hoà mình vào thiên nhiên xanh mát, thưởng thức thuỷ hải sản và hít thở không khí trong lành, đặc biệt là được tìm hiểu về đội quân chiến đấu dưới nước.



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 6

Rừng Sác (Cần Giờ) nằm ngay vùng ven Sài Gòn, là nơi khắc ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác với những chiến công hiển hách. Một trong những trận nổi tiếng diễn ra khi Đoàn 10 mới thành lập là trận đánh tàu Victory vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victory chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; hai máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực, thực phẩm... cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967.

Dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sỹ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn.

Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8/1966, khi tàu Victory đi qua, hai quả thủy lôi của chiến sỹ Đoàn 10 đã làm nổ tung con tàu trọng tải hơn 10.000 tấn, cùng khí giới chìm xuống lòng sông.

Chính lối đánh “xuất quỷ, nhập thần” bất ngờ, táo bạo của Đoàn 10 khiến tướng Mỹ W. Westmoreland, tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải thừa nhận, những người lính Mỹ ở đây đã gặp phải “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ!”.



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 7

Hiện nay, di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (trước đây tên gọi là Lâm viên Cần Giờ) với diện tích 2.215,45 ha, trong đó có 514 ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch. Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng mang tính đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Nơi đây còn khoanh nuôi được nhiều đàn khỉ với tổng số khoảng hơn 1.000 con, sống hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên và rất dạn dĩ với con người, nhiều khi chúng giật cả đồ ăn trên tay du khách. Nếu yêu thích khỉ, thì đây là nơi lý tưởng nhất để bạn làm quen, chơi đùa cùng chúng, tuy nhiên cũng phải cận thận vì nó có thể nổi giận và cắn bạn.



Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử - 8

Ấn tượng hơn cả là những bức tượng “sống” về các chiến sĩ đặc công rừng Sác được tạo dựng ở đây. Có rất nhiều cảnh được tạo dựng lại giống y như thật. Góc này là cảnh họ đang trình bày phương án và hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè; nơi kia một nhóm chiến sĩ đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu; một nhóm chiến sĩ quần nhau với cá sấu dưới lạch sâu.

Ở bìa rừng, chỉ huy đang giao nhiệm vụ và tiễn đưa các chiến sĩ ra trận. Bên bể nước mưa hứng từ ngọn cây, o du kích nhỏ đang chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu… Và rất nhiều hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác, sinh hoạt của các chiến sỹ thời bấy giờ đã được phục dựng rất sinh động.

Nhiều du khách rất ấn tượng với cảnh tái hiện lại một lần hành quân, chiến sĩ Hoàng Dương Chương bị cá sấu lao tới đớp, anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên cạnh người đâm vào mắt khiến cá sấu đau quá phải buông con mồi.

Những di tích kháng chiến tại TP.HCM hiện nay thu hút rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu. Những câu chuyện sinh động về đội quân “kỳ lạ” khiến mọi người cảm phục tinh thần, ý chí của dân tộc ta trong chiếu đấu bảo vệ đất nước.

Đến Khu du lịch Rừng Sác, du khách sẽ thật sự thích thú khi được ngồi trên canô hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên cửa rừng đước bạt ngàn, canô chạy qua những sông rạch uốn lượn quanh co đưa du khách đến tham quan căn cứ của Đoàn 10 Rừng Sác đã đi vào huyền thoại.

Đi dưới tán rừng, trên là tiếng chim kêu, dưới nước là tiếng của những con còng, con ốc tí tách đào hang, một thế giới của thiên nhiên với bao điều kỳ bí đang mở ra. Bên cạnh đó, các loại động vật, thực vật tự nhiên ở Rừng Sác cũng mang lại cho du khách một trải nghiệm mới lạ về hệ sinh thái rừng ngập mặn.
 
Bên trên