Đi đò qua sông về chơi làng cổ lâu đời ở Bắc Giang

TRng

Well-known member
Làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) là một trong số ít những ngôi làng cổ còn sót lại, giúp du khách trải nghiệm trọn vẹn lối sinh hoạt ở làng quê Bắc Bộ xa xưa.
Đi đò qua sông về chơi làng cổ lâu đời ở Bắc Giang
Cổng làng Thổ Hà phơi nắng, mưa qua bao năm tháng. Ảnh: Thạch Lựu
“Thổ” là đất, “Hà” là sông, Thổ Hà có ba mặt giáp sông nên làng có ba bến đò. Từ làng Diềm (Bắc Ninh), tôi đi thêm một đoạn là ra được bến đò qua sông Cầu sang làng Thổ Hà. Trời còn sớm, nắng chưa lên. Trong những hồ sen, hương thơm đã dâng tràn.
Đến gần bến đò, tôi thấy nhiều xe chở bánh đa từ Thổ Hà vội vã đi sang Bắc Ninh. Đò ở đây là đò máy, cứ sang rồi lại về liên tục dù cho có ít khách. Quãng sông không quá rộng, chỉ vài phút là sang đến bên kia bờ. Nước sông xanh vỗ liên tục vào chân con dốc dẫn lên làng.
Vừa đặt bước chân đầu tiên vào làng, tôi đã ngỡ ngàng. Thổ Hà là ngôi làng của những tấm giàng. Từ trong ngõ ra đến đường làng, nơi đâu cũng thấy những giàng bánh đa nem thơm mùi gạo được phơi trong nắng. Giàng bánh vàng nhạt xếp trên những bức tường đỏ phủ đầy rêu, vô ý tạo nên nét kiến trúc rất bình dị, thôn quê cho Thổ Hà.
Thổ Hà cũng lắm con ngõ nhỏ sâu hun hút. Dù có khi chỉ vừa cho đôi người đi, người dân vẫn tận dụng để phơi bánh đa nem kín ngõ. Thành ra, lối ngõ nhỏ càng thêm cổ kính, chỉ thấy lờ mờ hiện ra dưới những tia nắng xuyên qua giàng bánh, cành khế, cành bưởi vươn khỏi bờ tường gạch đẫm rêu xanh. Tôi đi vào, hai bên là giàng bánh, ngẩng lên cũng thấy giàng bánh che nắng đỉnh đầu.
Ba mặt giáp sông, Thổ Hà như “ốc đảo” với phong cảnh sông nước hữu tình.  Ảnh: Thạch Lựu
Ba mặt giáp sông, Thổ Hà như “ốc đảo” với phong cảnh sông nước hữu tình. Ảnh: Thạch Lựu
“Thổ Hà xưa lắm nghề. Trong đó có nghề gốm trứ danh. Nhưng giờ không còn, chỉ còn nghề làm bánh đa nem vẫn theo người dân đến tận nay”, ông Nguyễn Văn Lộc - người đàn ông hơn 50 tuổi ngày ngày vẫn cặm cụi phơi bánh, chia sẻ. Để có được những mẻ bánh trắng mịn, óng ả phơi buổi sớm, người dân làm nghề bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ sáng, khi gà còn chưa gáy.
Vừa tất bật phơi bánh, ông Lộc vừa chỉ cho tôi phía cổng làng Thổ Hà. Cổng làng Thổ Hà là một trong những cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu với kiến trúc cổ kính. Một bên là chùa, một bên là hồ nước rộng, lại có cả cây đa trăm tuổi rủ bóng kế bên đem lại dấu ấn độc đáo về văn hóa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Thổ Hà cách đó không xa. Chợ được họp ngay trước đình, phía dưới là bến đò tấp nập. Gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Đã lâu, tôi không được thấy khung cảnh trên bến dưới thuyền đông vui như vậy. Chợ ở đây nhỏ, nhưng có đầy đủ rau, thịt, bánh trái... Dù có đông, nhộn nhịp nhưng không hề ồn ào. Dạo quanh chợ, chỉ nghe thấy những tiếng mời chào, tiếng trò chuyện thân thương, hay tiếng húp sùm sụp bát cháo canh nóng hổi, nghi ngút khói.
Tôi ghé vào hàng bánh khúc tai mèo của bà Lộc ở đầu chợ. Gọi là “hàng” nhưng cũng chỉ có hai cái ghế nhựa, một cái thúng bày chiếc mâm lên trên coi như bàn ăn. Bánh khúc tai mèo ở đây miếng nhỏ, lại không làm từ rau khúc mà lấy từ lá gai hoặc lá mướp. Khách đông, bà Lộc vui sướng, tay nhanh thoăn thoắt liên tục đơm bánh ra đĩa.
Vừa thưởng thức bánh khúc, tôi được nghe thêm các bà, các mẹ ở đây chuyện trò vui vẻ. Làng Thổ Hà nhỏ, ra đường là gặp người quen. Ai cũng rất xởi lởi. Các bà cho tôi biết, những năm gần đây, làng có nhiều du khách ghé chơi, đặc biệt là khách nước ngoài.
“Mọi người về làng vui lắm. Họ thích chụp ảnh ở đình, chùa, trải nghiệm làm bánh đa nem, cũng rất thích những món quà quê như này”, bà Lộc kể.
Không có thú vui giải trí hào nhoáng, làng Thổ Hà chỉ có những lối kiến trúc giàu giá trị nghệ thuật, hay nếp nhà cổ nhỏ nhắn, trong nhà lúc nào cũng sực mùi thơm của gạo. Khắp làng, từ đình, chùa, ven sông phơi đầy giàng bánh đa nem, tạo nên những tấm nắng in hằn trên nền gạch đã mòn dấu chân người đi. Khách du lịch thỏa sức khám phá nét sinh hoạt, không gian lâu đời của làng quê Bắc Bộ.
Bánh đa nem được người dân phơi kín tại sân chùa Thổ Hà. Ảnh: Thạch Lựu
Bánh đa nem được người dân phơi kín tại sân chùa Thổ Hà. Ảnh: Thạch Lựu
Dưới gốc đa già xanh thẫm có mấy hàng nước nhỏ để người dân và du khách ngồi trò chuyện, hóng mát gió thổi từ sông vào. Tôi cũng lân la ngồi nghỉ để chờ chuyến đò đang bên kia sông quay về đón khách.
Nhịp sống ở đây chậm rãi, thanh bình. Thong thả từ nhịp tay của bà cụ rót nước chè, bàn tay liên tục nướng bánh đa dừa nổ giòn tan trên bếp lửa đỏ rực, hay từ bước chân các bà gánh hàng tan buổi chợ sáng.
Tôi và người dân đứng ở mép sông, yên lặng đợi con đò sang. Mây trôi khỏi mặt trời, nắng vàng chạy dài từ bên kia bờ sang bên này bờ. Tôi nhớ lại lời ông Lộc, người dân vẫn làm bánh đa nem không chỉ vì kiếm sống mà còn vì giữ nghề cho làng.
Tôi thầm nghĩ thật may, vậy thì thời gian có trôi đi, nhịp sống có vội vã hơn, “cây đa, bến nước, sân đình” - vẻ đẹp mà “làng quê Bắc Bộ gửi hình vào đây” vẫn còn để tôi cũng như nhiều người lặn lội đường xa qua sông mà đến.
 
Bên trên